Thông tư 52/2015/TT-BCT Quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới
52/2015/TT-BCT
Thông tư
Còn hiệu lực
30-12-2015
15-01-2016
15-02-2016
Bộ Công thương Số: 52/2015/TT-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CHI TIẾT HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI CỦA THƯƠNG NHÂN TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2015/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VỚI CÁC NƯỚC CÓ CHUNG BIÊN GIỚI
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân theo quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Thông tư này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg.
1. Thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới, thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
3. Trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xin ý kiến Bộ Công Thương về danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo tiêu chí như sau:
a) Ưu tiên thương nhân có trụ sở đăng ký kinh doanh hoặc Chi nhánh hạch toán độc lập tại tỉnh biên giới.
b) Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới rà soát tình hình tuân thủ quy định pháp luật của thương nhân trong danh sách để điều chỉnh, bổ sung.
1. Thương nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này đăng ký trực tiếp hoặc gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Công Thương tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục I Thông tư này.
b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh: 01 (một) bản sao, có xác nhận đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới lấy ý kiến Bộ Công Thương về danh sách thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, Bộ Công Thương có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản về danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Trường hợp từ chối lựa chọn thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1. Hàng hóa mua bán qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg.
2. Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: Các mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản, mặt hàng bình ổn giá, hàng hóa không có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong thời gian cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo.
3. Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới:
a) Thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II Thông tư này.
b) Trường hợp nhập khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định tại Phụ lục II Thông tư này, chỉ được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong thời gian cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Công Thương về mặt hàng và thời gian cụ thể đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu quy định tại Khoản 2 và Điểm b Khoản 3 Điều này.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới lập danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg được thực hiện mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân.
2. Trong trường hợp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bị ùn tắc do quá tải hoặc ách tắc, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới điều hành áp dụng các biện pháp để thực hiện:
a) Ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng nông sản mau hỏng và các hàng hóa xuất khẩu khác; hoặc
b) Tạm ngưng xuất khẩu các mặt hàng không có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam; hoặc
c) Tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa.
Bảng kê mua bán hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư này.
1. Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Thương mại Biên giới Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức tiếp nhận văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới về hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Thông tư này.
b) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra tổ chức, cá nhân thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan về mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân.
2. Sở Công Thương - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại Biên giới địa phương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.
b) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký của thương nhân mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Thông tư này.
c) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Bộ Công Thương về hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân theo định kỳ hàng tháng, quý, 06 (sáu) tháng và 01 (một) năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu cụ thể.
3. Thương nhân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016 và bãi bỏ các quy định sau đây:
a) Thông tư số 13/2009/TT-BCT ngày 03 tháng 06 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu.
b) Quy định về mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan và thương nhân hoạt động thương mại biên giới phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương (Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương) để kịp thời xem xét giải quyết./.