Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
49/2014/TT-BNNPTNT
Thông tư
Còn hiệu lực
23-12-2014
23-01-2015
09-02-2015
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Số: 49/2014/TT-BNNPTNT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lập, công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục thực hiện giám định tư pháp; chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm giám định tư pháp về trình tự, thủ tục, chất lượng, chi phí trong hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn áp dụng trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
TIÊU CHUẨN, BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP; LẬP VÀ CÔNG BỐ DANH SÁCH NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC
Điều 5. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp nông nghiệp và phát triển nông thôn
Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên.
3. Đã có kinh nghiệm thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn liên tục từ đủ 05 năm trở lên.
4. Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp.
1. Công văn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng đơn vị (Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
3. Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp.
4. Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm hoặc bản sao văn bản của cơ quan, đơn vị để chứng minh thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm.
1. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, lập danh sách và gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp nông nghiệp và phát triển nông đối với từng người được đề nghị bổ nhiệm theo quy định tại Điều 6 Thông tư này đến Vụ Pháp chế;
b) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối không bổ nhiệm, Vụ Pháp chế trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
2. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại địa phương:
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
1. Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
2. Hàng năm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Hàng năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, lập danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
1. Đối với giám định viên tư pháp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm:
Vụ Pháp chế lập danh sách giám định viên tư pháp được bổ nhiệm, miễn nhiệm kèm theo thông tin của giám định viên tư pháp gửi đến Trung tâm Tin học và Thống kê để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.
2. Đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập, điều chỉnh và gửi danh sách giám định viên tư pháp được bổ nhiệm, miễn nhiệm kèm theo thông tin của giám định viên tư pháp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.
1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp được lựa chọn để lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
2. Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lựa chọn, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức được đề xuất là người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi về Vụ Pháp chế trước ngày 01 tháng 10 hàng năm.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét, lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, trình Bộ trưởng quyết định danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
3. Vụ Pháp chế gửi danh sách kèm theo thông tin người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đến Trung tâm Tin học và Thống kê để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP; CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Điều 11. Lựa chọn cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp
1. Người trưng cầu giám định lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trong danh sách đã được công bố theo quy định tại Thông tư này để thực hiện giám định phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định.
2. Trong trường hợp không lựa chọn được cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đã được công bố theo quy định tại Thông tư này, người trưng cầu giám định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương giới thiệu cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, Điều 18 Luật Giám định tư pháp, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố theo quy định.
1. Khi người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định gửi quyết định trưng cầu, văn bản yêu cầu giám định tư pháp, tổ chức, cá nhân được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện giám định theo nội dung được trưng cầu, yêu cầu trừ trường hợp được quyền từ chối theo quy định tại khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp và trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Giám định tư pháp.
Việc thoả thuận thực hiện giám định giữa bên yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân thực hiện giám định được thể hiện bằng hợp đồng hoặc bằng các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp cá nhân, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định từ chối thực hiện giám định thì phải có văn bản nêu rõ lý do theo quy định tại khoản 2 Điều 11 hoặc điểm d khoản 2 Điều 24 Luật Giám định tư pháp.
1. Trong trường hợp việc trưng cầu, yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận đối tượng giám định phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư này.
2. Trường hợp việc trưng cầu, yêu cầu giám định không thể kèm theo đối tượng giám định, bên trưng cầu, yêu cầu giám định, cá nhân, tổ chức giám định và các bên có liên quan phải đến hiện trường nơi có vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định để lập biên bản bàn giao hiện trạng đối tượng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định có thể yêu cầu bên trưng cầu, yêu cầu giám định và các bên có liên quan tạo điều kiện tiếp cận đối tượng giám định và cung cấp hồ sơ tài liệu cần thiết phục vụ cho việc lập đề cương và thực hiện giám định.
1. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp lập và gửi bên trưng cầu, yêu cầu giám định đề cương thực hiện giám định. Nội dung đề cương giám định bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng;
b) Đối tượng và phạm vi giám định;
c) Danh sách người giám định tư pháp thực hiện giám định, người được phân công chủ trì thực hiện giám định, các thông tin về năng lực của người chủ trì và các cá nhân thực hiện giám định;
d) Tên tổ chức và danh sách các cá nhân được thuê tham gia giám định (trường hợp thuê tổ chức hoặc các cá nhân khác có năng lực phù hợp theo quy định để thực hiện một hoặc một số phần việc liên quan đến nội dung giám định);
đ) Phương pháp thực hiện giám định;
e) Danh mục phòng thí nghiệm, danh mục thiết bị được sử dụng (nếu có);
g) Chi phí thực hiện giám định, thời gian dự kiến hoàn thành việc giám định;
h) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định.
Trường hợp cần thiết, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định đề nghị với bên trưng cầu, yêu cầu giám định thực hiện khảo sát sơ bộ đối tượng giám định để phục vụ công tác lập đề cương giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bên trưng cầu, yêu cầu giám định xem xét đề cương để làm cơ sở thực hiện giám định. Tuỳ theo tính chất vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định, bên trưng cầu, yêu cầu giám định có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn về các nội dung của đề cương.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu giám định biết các thay đổi về nhân sự thực hiện giám định hoặc các thay đổi khác liên quan đến quá trình thực hiện giám định.
4. Quá trình thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu, yêu cầu phải theo quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp và được lập thành văn bản theo mẫu, gồm:
a) Mẫu biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định (Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Mẫu biên bản mở niêm phong (Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Mẫu biên bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định (Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Mẫu kết luận giám định (Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Mẫu biên bản bàn giao kết luận giám định (Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này).
1. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có thể yêu cầu giám định bổ sung nếu nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
2. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Giám định tư pháp.
1. Việc thành lập Hội đồng giám định trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định và có yêu cầu của người trưng cầu giám định.
2. Hội đồng giám định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập thực hiện giám định lại lần thứ hai.
3. Thành lập Hội đồng giám định:
a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và cán bộ, công chức thuộc Bộ có chuyên môn cao, phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, không phải là người giám định tư pháp đã thực hiện giám định lần đầu; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng;
b) Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp.
1. Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm những văn bản, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Giám định tư pháp.
2. Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do mình thực hiện theo quy định và phải xuất trình hồ sơ giám định khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự, dân sự, vụ việc hành chính.
Chi phí thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo quy định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và các quy định của pháp luật có liên quan.
Người giám định tư pháp thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị thuộc Bộ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu, trình Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập, công bố và đưa ra khỏi danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;
b) Tham mưu, trình Bộ trưởng thành lập Hội đồng giám định để thực hiện giám định lại lần thứ hai;
c) Giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố theo quy định khi có đề nghị của người trưng cầu giám định;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên tư pháp, giám định viên tư pháp theo vụ việc;
đ) Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo thẩm quyền quản lý;
e) Hướng dẫn việc thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của Thông tư này trong phạm vi cả nước;
g) Hàng năm tổng kết chung về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
2. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu, trình Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;
b) Tham mưu, trình Bộ trưởng thành lập Hội đồng giám định để thực hiện giám định lại lần thứ hai.
3. Trung tâm Tin học và Thống kê có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được danh sách.
4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; rà soát, lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế.
Trước ngày 01 tháng 10 hàng năm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi về Vụ Pháp chế.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập, công bố và đưa ra khỏi danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương;
b) Đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tập hợp gửi Bộ Tư pháp để công bố chung;
c) Giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố theo quy định khi có đề nghị của người trưng cầu giám định;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên tư pháp, giám định viên tư pháp theo vụ việc ở địa phương;
đ) Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo thẩm quyền quản lý;
e) Hướng dẫn việc thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật;
g) Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9 tháng 02 năm 2015.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Pháp chế) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.