Thông tư 43/2016/TT-BCT Quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
43/2016/TT-BCT
Thông tư
Còn hiệu lực
30-12-2016
02-02-2017
15-02-2017
Bộ Công thương Số: 43/2016/TT-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ CAM KẾT PHÁT TRIỂN DỰ ÁN VÀ CƠ CHẾ XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN KHÔNG THỰC HIỆN ĐÚNG TIẾN ĐỘ CAM KẾT
Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QHQ13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 5012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 385/TB- VPCP ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOO và hình thức Hợp đồng BOT không thực hiện đúng tiến độ cam kết;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung cam kết phát triển dự án các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư theo hình thức PPP và các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư không theo hình thức PPP do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Nhà đầu tư dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động đầu tư và xây dựng nhà máy điện đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
1. Dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án nhà máy điện PPP) là dự án nhà máy điện do các nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
2. Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP là nhà đầu tư (trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư thực hiện phát triển dự án) hoặc Tổ hợp nhà đầu tư (trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia liên danh góp vốn để thực hiện phát triển dự án) được giao quyền phát triển dự án nhà máy điện theo hình thức PPP;
3. Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP là nhà đầu tư (trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư thực hiện phát triển dự án) hoặc Tổ hợp nhà đầu tư (trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia liên danh góp vốn để thực hiện phát triển dự án) được giao quyền phát triển dự án không theo hình thức PPP;
4. Quyền phát triển dự án là quyền của Nhà đầu tư được thực hiện phát triển dự án theo quy định và pháp luật của Việt Nam sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho;
5. Tài liệu dự án là các tài liệu được sử dụng trong các dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm: hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng thuê đất (LLA), các hợp đồng cung cấp nhiên liệu (nếu có), các hợp đồng khác (nếu có);
6. Hợp đồng PPP là hợp đồng ký kết giữa ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đề thực hiện phát triển dự án theo các hình thức đối tác công tư quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
7. Sự kiện bất khả kháng là một sự kiện rủi ro xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy điện;
8. MOU là Biên bản ghi nhớ phát triển dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức PPP;
9. Cam kết phát triển dự án là văn bản cam kết của Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP về các mốc tiến độ phát triển dự án nhà máy điện nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự kiến đưa vào vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
10. Mốc tiến độ phát triển dự án là các mốc thời gian gắn với công việc có ý nghĩa quyết định đối với tiến độ triển khai, hoàn thành dự án;
11. Văn bản giao quyền phát triển dự án là văn bản hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của cấp có thẩm quyền thông báo về việc giao quyền phát triển dự án cho Nhà đầu tư hoặc Tổ hợp nhà đầu tư;
12. FS là chữ viết tắt của Báo cáo nghiên cứu khả thi;
13. PPA là chữ viết tắt của Hợp đồng mua bán điện;
14. LLA là chữ viết tắt của Hợp đồng thuê đất.
QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN PPP
Điều 4. Thời hạn ký Biên bản ghi nhớ
Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển Dự án nhà máy điện PPP, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP và Bộ Công Thương thực hiện ký kết MOU.
Ngoài các nội dung về phát triển dự án nhà máy điện PPP theo quy định, MOU phải bao gồm thêm các nội dung sau:
1. Quy định quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP và Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự kiến đưa vào vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kế hoạch thực hiện dự án gồm tối thiểu các mốc tiến độ phát triển dự án sau:
a) Tiến độ lập và phê duyệt Quy hoạch địa điểm (nếu có), bao gồm: Ngày trình; ngày phê duyệt;
b) Tiến độ lập và phê duyệt FS, bao gồm: Ngày trình; ngày phê duyệt;
c) Kế hoạch đàm phán Hợp đồng PPP và các tài liệu liên quan;
d) Lịch trình đàm phán các tài liệu liên quan: PPA, LLA, hợp đồng EPC và các hợp đồng cung cấp nhiên liệu (nếu có); các hợp đồng khác (nếu có);
đ) Tiến độ ký tắt các tài liệu dự án;
e) Ngày nộp Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ngày ký chính thức các tài liệu dự án và Hợp đồng PPP;
g) Tiến độ đóng tài chính;
h) Tiến độ khởi công và xây dựng, bao gồm: Ngày khởi công dự án; ngày vận hành thương mại từng tổ máy; ngày vận hành thương mại toàn bộ nhà máy.
Trường hợp dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với các mốc tiến độ phát triển dự án đã cam kết tại MOU, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có trách nhiệm nỗ lực tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc để đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ được giao. Bộ Công Thương và Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chỉ thực hiện điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản 2 Điều 5 Thông tư này trong các trường hợp sau:
1. Bị chậm do xảy ra sự kiện bất khả kháng: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi rơi vào tình trạng bất khả kháng, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương và đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với sự kiện bất khả kháng của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
2. Dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó:
a) Chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP, nếu xác định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó có hành vi làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
3. Chậm tiến độ do bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án:
a) Chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó có ý kiến bằng văn bản về việc làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án theo báo cáo của Chủ đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với các lý do làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP, nếu xác định bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó gây ra lỗi làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
4. Đối với các mốc “Tiến độ đóng tài chính” và “Tiến độ khởi công xây dựng”, việc điều chỉnh tiến độ sẽ căn cứ theo các tài liệu dự án hoặc Hợp đồng PPP đã ký kết.
5. Văn bản của Bộ Công Thương có ý kiến đối với nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án không phải do lỗi của Chủ đầu tư chỉ sử dụng để làm căn cứ điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU mà không dùng vào mục đích khác.
6. Trong trường hợp việc điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án làm thay đổi tiến độ ký chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP của dự án từ 12 tháng trở lên so với tiến độ được cam kết, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ đưa dự án vào vận hành trước khi thực hiện ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản giao quyền phát triển dự án tới thời điểm ký chính thức các tài liệu dự án và Hợp đồng PPP. Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được thực hiện dưới hình thức:
1. Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết tại MOU, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.
2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ đã cam kết trong MOU, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.
3. Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chịu và không được bồi hoàn.
4. Đối với các mốc tiến độ tính từ thời điểm sau khi đã ký chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP, cơ chế xử lý chậm tiến độ được áp dụng theo các quy định tại Hợp đồng PPP.
QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN ĐẦU TƯ KHÔNG THEO HÌNH THỨC PPP
Điều 8. Thời hạn lập và gửi Cam kết phát triển dự án
1. Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP có trách nhiệm lập và gửi Bộ Công Thương bản Cam kết phát triển dự án để phục vụ công tác giám sát, theo dõi, quản lý và đôn đốc tiến độ thực hiện dự án.
2. Sau 105 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, trường hợp Bộ Công Thương không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản nhắc nhở lần thứ nhất, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP khẩn trương hoàn thành và gửi bản Cam kết phát triển dự án. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Bộ Công Thương vẫn không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở Chủ đầu tư lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở tối đa không quá 02 lần.
3. Sau 180 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, trường hợp Bộ Công Thương vẫn không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.
Cam kết phát triển dự án bao gồm các nội dung chính sau:
1. Cam kết của Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP về các mốc tiến độ phát triển dự án nhà máy điện nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự kiến đưa vào vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kế hoạch thực hiện dự án gồm tối thiểu các mốc tiến độ phát triển dự án sau:
a) Tiến độ lập và phê duyệt Quy hoạch địa điểm (nếu có), bao gồm: Ngày trình; ngày phê duyệt;
b) Tiến độ lập và phê duyệt FS, bao gồm: Ngày trình; ngày phê duyệt;
c) Tiến độ lập và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng);
d) Tiến độ lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy phép xây dựng, bao gồm: Ngày trình; ngày phê duyệt;
đ) Tiến độ ký quỹ Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
e) Tiến độ đàm phán và ký kết các Hợp đồng chính của dự án, bao gồm: Hợp đồng thuê đất; Hợp đồng vay vốn; Hợp đồng mua bán điện; Hợp đồng xây dựng; Hợp đồng cung cấp thiết bị; Hợp đồng EPC;
g) Tiến độ khởi công và xây dựng, bao gồm: Ngày khởi công chính thức dự án; ngày vận hành thương mại từng tổ máy; ngày vận hành thương mại toàn bộ nhà máy.
Trường hợp dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với các mốc tiến độ phát triển dự án đã cam kết tại Cam kết phát triển dự án, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP phải có trách nhiệm nỗ lực tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc để đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ đã cam kết. Các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản 2 Điều 9 Thông tư này chỉ được thực hiện điều chỉnh trong các trường hợp sau:
1. Bị chậm do xảy ra Sự kiện bất khả kháng: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi rơi vào tình trạng bất khả kháng, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương và đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP có ý kiến đối với sự kiện bất khả kháng của Chủ đầu tư để làm cơ sở điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án.
2. Dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó:
a) Chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP có ý kiến đối với các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP, nếu xác định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó có hành vi làm chậm mốc tiến độ dự án, Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
3. Chậm tiến độ do bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án:
a) Chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó có ý kiến bằng văn bản về việc làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án theo báo cáo của Chủ đầu tư trong vòng 15 ngày làm việc. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP có ý kiến đối với các lý do làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP, nếu xác định bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các dạng mục công việc tại mốc tiến độ đó gây ra lỗi làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
4. Văn bản của Bộ Công Thương có ý kiến đối với nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án không phải do lỗi của Chủ đầu tư chỉ sử dụng để làm căn cứ điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án mà không dùng vào mục đích khác.
5. Trong trường hợp việc điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án làm thay đổi tiến độ tổng thể của dự án từ 12 tháng trở lên so với tiến độ được cam kết, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ đưa dự án vào vận hành trước khi thực hiện điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại Cam kết phát triển dự án.
Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản của giao quyền phát triển dự án tới thời điểm có Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được thực hiện dưới hình thức:
1. Chấm dứt Quyền phát triển dự án:
a) Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết trong Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.
b) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết trong Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.
2. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương có văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
3. Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư chịu và không được bồi hoàn.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Chủ đầu tư dự án nhà máy điện có trách nhiệm:
a) Thực hiện ký kết bổ sung Biên bản ghi nhớ hoặc gửi bổ sung Cam kết phát triển dự án theo quy định của Thông tư này.
b) Định kỳ hàng tháng (trước khi kết thúc tuần làm việc cuối cùng của tháng) gửi báo cáo Tổng cục Năng lượng và Ủy ban nhân dân tỉnh nơi thực hiện dự án về tình hình thực hiện các hạng mục công việc theo tiến độ phát triển dự án đã cam kết.
1. Đối với các dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức PPP đã được giao quyền phát triển dự án, đã ký kết MOU trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa ký kết chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP thì trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Bộ Công Thương và Chủ đầu tư thực hiện ký bổ sung MOU trong đó chỉ bao gồm các mốc tiến độ phát triển dự án còn lại và áp dụng cơ chế xử lý vi phạm quy định tại Chương II của Thông tư này.
2. Đối với các dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức PPP đã được giao quyền phát triển dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa ký kết MOU thì thực hiện toàn bộ quy định tại Chương II của Thông tư này.
3. Đối với các dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP đã được giao quyền phát triển dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa có Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư thì trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Chủ đầu tư thực hiện lập bổ sung và gửi Bộ Công Thương bản Cam kết phát triển dự án. Trong đó, nội dung bản Cam kết phát triển dự án chỉ bao gồm các mốc tiến độ phát triển dự án còn lại tới thời điểm có Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, các bước tiếp theo của dự án áp dụng cơ chế xử lý vi phạm quy định tại Chương III của Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, yêu cầu các đơn vị có liên quan phản ánh trực tiếp về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.