Thông tư 23/2020/TT-BTTTT Quy định các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
09-09-2020
25-10-2020
Bộ Thông tin và Truyền thông Số: 23/2020/TT-BTTTT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2020 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CÁC NỘI DUNG ĐẶC THÙ CỦA HỢP ĐỒNG THUÊ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ
quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và
Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tin học hóa,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường (sau đây gọi là dịch vụ) sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
1. Đối tượng áp dụng
a) Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước;
b) Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.
2. Nguyên tắc áp dụng
a) Căn cứ quy định tại Thông tư này, cơ quan, đơn vị xây dựng các điều kiện, điều khoản cụ thể cho hợp đồng thuê dịch vụ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng, đấu thầu và phù hợp với kế hoạch thuê dịch vụ được phê duyệt;
b) Các nội dung quy định tại Thông tư này là cơ sở cho các bên có liên quan thực hiện việc quản lý khối lượng, chất lượng, tiến độ, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng thuê dịch vụ.
NỘI DUNG ĐẶC THÙ CỦA HỢP ĐỒNG THUÊ DỊCH VỤ
Điều 3. Yêu cầu về phạm vi cung cấp trong hợp đồng thuê dịch vụ
1. Các yêu cầu về kỹ thuật trong hợp đồng thuê dịch vụ
a) Các yêu cầu về kỹ thuật được xác định theo các tiêu chí, bảo đảm phù hợp với các yêu cầu chất lượng dịch vụ trong kế hoạch thuê dịch vụ được phê duyệt, bao gồm: Các tiêu chí về chức năng nghiệp vụ; các tiêu chí về hiệu năng vận hành; các tiêu chí về an toàn thông tin; các tiêu chí phi chức năng khác; các tiêu chí về sự hài lòng của người sử dụng; các tiêu chí về quản lý dịch vụ;
b) Các tiêu chí, yêu cầu chất lượng cụ thể và yêu cầu đầu ra của từng tiêu chí theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này;
c) Trong quá trình triển khai thuê dịch vụ, dựa trên những yêu cầu riêng biệt, đặc thù của cơ quan, dơn vị, chủ trì thuê dịch vụ xem xét, lựa chọn áp dụng một số hoặc toàn bộ các tiêu chí quy định tại khoản này và bổ sung, cập nhật các tiêu chí khác (nếu cần thiết).
2. Các yêu cầu khác trong hợp đồng thuê dịch vụ
a) Yêu cầu và quy trình chuyển giao thông tin và dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ
Chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thoả thuận, thống nhất yêu cầu và quy trình chuyển giao thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ cho chủ trì thuê dịch vụ với các nội dung chính sau:
- Sau khi kết thúc thời gian thuê, nhà cung cấp dịch vụ phải chuyển giao toàn bộ thông tin và dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ cho chủ trì thuê dịch vụ theo phương án được các bên thống nhất trong hợp đồng;
- Phương pháp, công cụ, quy trình và vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình chuyển giao; phương án kiểm tra xác định tình trạng thông tin và dữ liệu hình thành trước khi chuyển giao; phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu trước khi chuyển giao (nếu cần thiết); phương án kiểm tra tình trạng thông tin và dữ liệu hình thành sau khi chuyển giao; phương án kiểm tra, đối soát dữ liệu sau khi chuyển giao; phương án xóa thông tin và dữ liệu liên quan đến chủ trì thuê dịch vụ trên các hệ thống tại nhà cung cấp dịch vụ sau khi chuyển giao;
- Các cam kết của nhà cung cấp dịch vụ sau khi chuyển giao;
- Các yêu cầu khác về chuyển giao thông tin và dữ liệu hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ.
b) Yêu cầu về đảm bảo an toàn thông tin mạng
Chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thoả thuận, thống nhất các yêu cầu về đảm bảo an toàn thông tin mạng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
c) Chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thoả thuận, thống nhất các yêu cầu về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dịch vụ và các yêu cầu khác tùy theo tính chất, đặc điểm, yêu cầu, nhu cầu thực tế của dịch vụ được cung cấp theo hợp đồng.
1. Thời gian thực hiện hợp đồng bao gồm:
a) Thời gian chuẩn bị cung cấp dịch vụ: Thời gian nhà cung cấp dịch vụ xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ; thời gian thực hiện kiểm thử hoặc vận hành thử; thời gian đào tạo, tập huấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ (nếu có);
b) Thời gian thuê dịch vụ: Tính từ thời điểm nghiệm thu, bàn giao dịch vụ để đưa vào sử dụng đến khi kết thúc thời gian thuê dịch vụ;
c) Thời gian chuyển giao, bàn giao và thực hiện các nghĩa vụ khác: Thời gian chuyển giao thông tin và dữ liệu hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ và thời gian nhà cung cấp dịch vụ hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê dịch vụ.
2. Kế hoạch thực hiện hợp đồng thuê dịch vụ
Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện hợp đồng thuê dịch vụ để chủ trì thuê dịch vụ kiểm tra, xác nhận. Nội dung kế hoạch bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
a) Trình tự, thời gian thực hiện công việc theo mỗi giai đoạn chính của hợp đồng thuê dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Các mốc hoàn thành, bàn giao công việc, sản phẩm chủ yếu, các báo cáo của nhà cung cấp dịch vụ theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
1. Phương thức thanh toán (kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán) phải phù hợp với phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ trong kế hoạch thuê dịch vụ được phê duyệt.
2. Trường hợp thay đổi phương thức thanh toán, chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ đàm phán, thống nhất trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật và không vượt giá trúng thầu, dự toán hoặc giá gói thầu.
1. Kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ trong giai đoạn chuẩn bị cung cấp dịch vụ
a) Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện thông qua kiểm thử hoặc vận hành thử và các phương pháp kiểm tra, đánh giá (nếu có) tương ứng với mỗi tiêu chí cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này;
b) Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ là cơ sở nghiệm thu, bàn giao dịch vụ để đưa vào sử dụng. Các tài liệu làm căn cứ nghiệm thu bao gồm:
- Báo cáo kết quả kiểm thử hoặc vận hành thử;
- Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá (nếu có);
- Các biên bản, tài liệu khác có liên quan.
c) Chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thống nhất, ký biên bản nghiệm thu, bàn giao dịch vụ để đưa vào sử dụng theo mẫu số 1 Phụ lục II của Thông tư này làm cơ sở đưa dịch vụ vào sử dụng chính thức.
2. Kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ trong giai đoạn thuê dịch vụ
a) Chủ trì thuê dịch vụ có trách nhiệm thực hiện theo dõi, giám sát quá trình cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ và kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ trong giai đoạn thuê dịch vụ.
Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện thông qua khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá phản hồi của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hoặc kiểm tra thực tế định kỳ, đột xuất đối với hệ thống cung cấp dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ để đánh giá chất lượng dịch vụ theo các tiêu chí cụ thể đã xác định hoặc kết hợp các hình thức trên.
b) Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ; báo cáo kết quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn thuê dịch vụ cho chủ trì thuê dịch vụ định kỳ hoặc đột xuất theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ là cơ sở nghiệm thu kết quả cung cấp dịch vụ. Các tài liệu làm căn cứ nghiệm thu bao gồm:
- Báo cáo kết quả cung cấp dịch vụ do nhà cung cấp dịch vụ lập theo mẫu số 2 Phụ lục II của Thông tư này;
- Báo cáo kết quả theo dõi, giám sát của chủ trì thuê dịch vụ lập theo mẫu số 3 Phụ lục II của Thông tư này;
- Biên bản bàn giao thông tin và dữ liệu hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ (nếu có) theo mẫu số 4 Phụ lục II của Thông tư này;
- Các biên bản, tài liệu khác có liên quan.
d) Chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thống nhất, ký biên bản nghiệm thu kết quả cung cấp dịch vụ theo mẫu số 5 Phụ lục II của Thông tư này làm cơ sở thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
3. Ví dụ về yêu cầu kỹ thuật dựa trên chất lượng đầu ra của dịch vụ và phương pháp kiểm tra, đánh giá tương ứng với từng giai đoạn trong thời gian thực hiện hợp đồng tại Phụ lục III của Thông tư này.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 10 năm 2020.
2. Hoạt động thuê dịch vụ đã ký hợp đồng thuê dịch vụ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các nội dung trong hợp đồng đã ký kết. Trường hợp cần thiết áp dụng theo các quy định tại Thông tư này thì chủ trì thuê dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ thỏa thuận, thống nhất, bảo đảm không làm gián đoạn các công việc.
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tin học hóa) để xem xét, giải quyết./.