Thông tư 21/2016/TT-BTTTT Quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông
21/2016/TT-BTTTT
Thông tư
Còn hiệu lực
30-09-2016
16-11-2016
Bộ Thông tin và Truyền thông Số: 21/2016/TT-BTTTT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2016 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH
THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của
Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư
quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo
hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về lĩnh vực đầu tư, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công trong các lĩnh vực:
1. Khu công nghệ thông tin tập trung, bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu (đường giao thông, điện, nước sạch, tiêu thoát nước, truyền thông, xử lý môi trường và các hạ tầng khác).
2. Ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm:
a) Hệ thống thông tin quốc gia, các cơ sở dữ liệu quan trọng quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống kết nối thông tin trực tuyến thuộc nền tảng Chính phủ điện tử;
b) Hạ tầng, giải pháp công nghệ đảm bảo an toàn thông tin;
c) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin;
d) Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp;
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước.
3. Các dự án khác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nội dung chính của báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các nội dung như sau:
1. Cơ sở pháp lý lập báo cáo nghiên cứu khả thi
a) Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến việc triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư;
b) Các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực đầu tư về ứng dụng công nghệ thông tin, khu công nghệ thông tin tập trung;
c) Các Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin liên quan đến dự án ứng dụng công nghệ thông tin và khu công nghệ thông tin tập trung; các Nghị quyết về Chính phủ điện tử, chính sách ưu tiên, ưu đãi của dự án; các Quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền trong các bước lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và các văn bản pháp lý có liên quan khác;
d) Tài liệu tham chiếu trong quá trình nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
2. Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư
a) Phân tích sự cần thiết đầu tư dự án, nhu cầu của xã hội và sự đáp ứng ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn;
b) Ưu tiên lựa chọn các địa phương có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và mức độ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin để xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung;
c) Mức độ đáp ứng nhu cầu của dự án ở thời điểm trước và sau khi đầu tư; tiềm năng và lợi ích mang lại của dự án làm cơ sở xác định nhu cầu, thời điểm và quy mô đầu tư dự án;
d) Mục tiêu đầu tư của dự án, bao gồm:
- Mục tiêu tổng thể: những lợi ích dự án mang lại cho nền kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như của địa phương; sự đóng góp của dự án vào mục tiêu tổng thể của ngành thông tin và truyền thông, mục tiêu chung của quốc gia;
- Mục tiêu cụ thể: nêu rõ các chỉ số cụ thể, định lượng được (số lượng, chất lượng và thời gian); thuyết minh những vấn đề, thực trạng được giải quyết, số lượng đối tượng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mà dự án cung cấp và các mục tiêu cụ thể khác.
3. Phân tích lợi thế của việc đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư
a) Thuyết minh các lợi thế của việc đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư, trong đó phân tích rõ lợi thế về nguồn vốn, khả năng hoàn vốn, hiệu quả kinh tế và khả năng chuyển giao các rủi ro giữa các bên liên quan;
b) Trình bày những hạn chế của việc đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư so với các hình thức khác, bao gồm: năng lực quản lý thực hiện dự án của các bên liên quan; tính phức tạp trong việc xây dựng và thực hiện các điều khoản hợp đồng dự án;
c) Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi phải phân tích rõ lợi thế về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của nhà đầu tư; về năng lực, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư; khả năng hoàn vốn, hiệu quả đầu tư và khả năng tiếp nhận các rủi ro.
4. Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển
a) Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung phải phù hợp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung;
b) Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước phải phù hợp với Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Các dự án khác phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành thông tin và truyền thông.
5. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung thiết kế sơ bộ được lập phải phù hợp với quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
6. Đánh giá sự phù hợp, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin cơ quan nhà nước hiện hành tại Việt Nam.
7. Trong trường hợp cần thiết phải áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế hoặc phân kỳ đầu tư nhằm giảm mức độ phức tạp của dự án, tăng tính khả thi và độ hấp dẫn của dự án, cần thuyết minh chi tiết căn cứ vào quy mô dự án, kế hoạch tổng thể thực hiện dự án để phân tích các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.
8. Phân tích rủi ro của dự án và đề xuất ưu đãi đảm bảo đầu tư
a) Xác định các rủi ro chính của dự án, đánh giá tác động đối với dự án trong trường hợp các rủi ro xảy ra để từ đó đề xuất phân chia rủi ro một cách tối ưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro và trách nhiệm của các bên trong việc quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Các nội dung này phải được trình bày dưới dạng bảng tóm tắt các rủi ro của dự án, bao gồm:
- Xác định các rủi ro chính của dự án liên quan đến các khía cạnh như: pháp lý; xã hội; môi trường; thiết kế, xây dựng, sản xuất; chi phí xây dựng, thiết bị và hoàn thiện công trình; tài chính; tình hình kinh tế vĩ mô; nhu cầu của thị trường; vận hành; kết thúc hợp đồng và các rủi ro khác (nếu có).
- Mô tả các rủi ro chính của dự án đồng thời phân tích khả năng xảy ra các rủi ro đó cũng như mức độ ảnh hưởng đối với dự án (về chi phí, tiến độ, thay đổi thiết kế, bố trí vốn...); đánh giá tác động về mặt tài chính đối với dự án nếu rủi ro xảy ra, trong trường hợp cần thiết, cần thử nghiệm các phương án khác nhau trong mô hình tài chính để có thể đánh giá được các tác động đó.
Căn cứ điều kiện cụ thể về mặt kỹ thuật, kinh tế và tài chính của dự án; kết quả phân tích tài chính nhằm đánh giá các tác động của các rủi ro đối với dự án cũng như chi phí và lợi ích của các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Báo cáo nghiên cứu khả thi cần nêu chi tiết việc phân chia rủi ro dự kiến và trách nhiệm của các bên trong việc quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án; kiến nghị cụ thể mức độ hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
b) Căn cứ đánh giá các rủi ro của dự án và tình hình thị trường tài chính hiện tại trong nước và quốc tế, thuyết minh chi tiết về các đề xuất ưu đãi đầu tư, các loại hình bảo lãnh, bảo đảm đầu tư của Chính phủ quy định tại Chương 9 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và điều kiện kèm theo cũng như các nghĩa vụ dự phòng cần thiết trong thời gian thực hiện hợp đồng dự án.
9. Đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư
a) Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; quy định của pháp luật đầu tư, thuế, đất đai và quy định khác có liên quan;
b) Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam; quy định của pháp luật đầu tư, thuế, đất đai và quy định khác có liên quan.
Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 32 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các nội dung như sau:
1. Các căn cứ để xem xét sự phù hợp của loại hợp đồng dự án đã được xác định trong đề xuất dự án được duyệt hoặc để lựa chọn loại hợp đồng dự án khác.
2. Phân tích ưu điểm, nhược điểm của loại hợp đồng dự án được lựa chọn, nhìn nhận từ góc độ phân chia rủi ro và các yếu tố liên quan đến tính khả thi của việc thực hiện dự án.
3. Làm rõ trách nhiệm liên quan đến thực hiện dự án (bao gồm: thiết kế, xây dựng, vận hành, thu xếp vốn) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
4. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đầu tư theo hình thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT), phần vốn đầu tư của Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ phù hợp khả năng cân đối vốn hàng năm và một số nội dung chính sau:
a) Quy mô, phạm vi, khung thời gian, giá thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
b) Thông số kỹ thuật đầu ra của dịch vụ công nghệ thông tin; tiêu chuẩn chất lượng và các chỉ tiêu, yêu cầu đối với dịch vụ; các yêu cầu, điều kiện về khả năng kết nối, liên thông với ứng dụng, hệ thống thông tin khác mà nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng;
c) Quy định về hình thức, phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ; hình thức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng;
d) Yêu cầu và quy trình chuyển giao cho cơ quan nhà nước khi hết thời hạn hợp đồng;
đ) Yêu cầu về an toàn bảo mật, an toàn thông tin; bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ và các yêu cầu khác liên quan đến việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin;
e) Xác định rõ các dịch vụ có thu phí người sử dụng hoặc có thương mại hóa cơ sở dữ liệu phát sinh từ việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hợp đồng (nếu có), các thỏa thuận về nguyên tắc phân chia lợi nhuận, chi phí liên quan giữa các bên;
g) Quyền và nghĩa vụ của từng bên ký kết hợp đồng; thời gian và nguyên tắc thanh toán, quyết toán hợp đồng; các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên ký kết;
h) Điều kiện, cơ chế, trường hợp được điều chỉnh giá thuê cho phù hợp (nếu có).
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư gửi ý kiến về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để được kịp thời hướng dẫn, giải quyết./.