Thông tư 19/2022/TT-BGTVT Quy định về bảo trì công trình hàng hải
26-07-2022
01-10-2022
Bộ Giao thông vận tải Số: 19/2022/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2022 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo trì công trình hàng hải.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về bảo trì công trình hàng hải. Đối với công trình hàng hải phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo trì công trình hàng hải.
1. Công trình hàng hải bao gồm: bến cảng; cầu cảng; khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển; luồng hàng hải; công trình sửa chữa tàu biển; đèn biển (bao gồm nhà trạm gắn với đèn biển); phao, tiêu báo hiệu hàng hải; nhà trạm quản lý, vận hành phao, tiêu báo hiệu hàng hải; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); công trình đê, kè chỉnh trị; hạ tầng mạng viễn thông hàng hải.
2. Bảo trì công trình hàng hải là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì công trình hàng hải có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác, sử dụng công trình đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình.
Điều 3. Trình tự thực hiện bảo trì công trình hàng hải
1. Lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình hàng hải.
2. Lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình hàng hải.
3. Thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì.
4. Đánh giá an toàn công trình hàng hải.
5. Lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình hàng hải.
Điều 4. Quy trình bảo trì công trình hàng hải
Quy trình bảo trì công trình hàng hải thực hiện theo Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 06/2021/NĐ-CP).
Điều 5. Thực hiện bảo trì công trình hàng hải
Thực hiện bảo trì công trình hàng hải theo Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
Điều 6. Chi phí bảo trì công trình hàng hải
1. Chi phí bảo trì công trình hàng hải được thực hiện theo Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì công trình hàng hải thực hiện theo các quy định của pháp luật tương ứng nguồn vốn đảm bảo cho công tác bảo trì công trình hàng hải.
BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI
Điều 7. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý
1. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì công trình hàng hải hàng năm và theo kỳ kế hoạch khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
2. Nội dung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải bao gồm các thông tin cơ bản sau: tên công trình và hạng mục công trình (công việc); đơn vị, khối lượng, dự kiến kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện; mức độ ưu tiên. Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải theo Mẫu số 1A và Mẫu số 1B Phụ lục I Thông tư này.
3. Các nội dung trong kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm, gồm:
a) Công tác bảo dưỡng công trình hàng hải;
b) Công tác sửa chữa định kỳ công trình hàng hải: nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, vùng nước, khu nước; sửa chữa đê, kè chỉnh trị; sửa chữa cầu cảng, bến cảng; các công trình hàng hải khác;
c) Sửa chữa đột xuất công trình hàng hải;
d) Công tác khác, bao gồm: lập, điều chỉnh quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì đối với công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác, sử dụng; kiểm định; quan trắc; đánh giá an toàn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý, bảo trì công trình hàng hải.
4. Trình tự lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm
a) Hàng năm, căn cứ tình trạng kỹ thuật của công trình, các thông tin về quy mô và kết cấu công trình, lịch sử bảo trì công trình, thực tế tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước, các thông tin và dữ liệu khác, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì, định mức kinh tế kỹ thuật, Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, tổng hợp, lập kế hoạch và dự kiến kinh phí nhu cầu bảo trì công trình hàng hải của năm sau trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 30 tháng 5 hàng năm;
b) Bộ Giao thông vận tải rà soát, chấp thuận kế hoạch nhu cầu bảo trì công trình cho năm sau trước ngày 30 tháng 6 hàng năm; tổng hợp kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải;
c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính và kinh phí cho bảo trì công trình hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức rà soát danh mục công trình, hạng mục công trình cần thiết, lập kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì công trình hàng hải, trình Bộ Giao thông vận tải chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải;
d) Bộ Giao thông vận tải tổ chức phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ trình của Cục Hàng hải Việt Nam.
5. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải
a) Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, Cục Hàng hải Việt Nam được điều chỉnh chuẩn tắc nạo vét, khối lượng, kinh phí dự kiến thực hiện của công trình nhưng không tăng quá 20% kinh phí dự kiến của công trình, không làm tăng tổng kinh phí dự kiến trong kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt và đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, khai thác tối đa hiệu quả tuyến luồng, đồng thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc điều chỉnh; tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trước ngày 01 tháng 11 hàng năm;
b) Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình hàng hải trong các trường hợp: điều chỉnh tăng quá 20% kinh phí dự kiến của công trình đã được phê duyệt kế hoạch; tăng tổng kinh phí dự kiến thực hiện; thời gian thực hiện; công trình không thực hiện; bổ sung công trình ngoài kế hoạch bảo trì công trình hàng hải đã được phê duyệt.
6. Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hàng năm được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là một trong những căn cứ để Cục Hàng hải Việt Nam và người quản lý, khai thác sử dụng triển khai thực hiện.
7. Đối với công trình hàng hải đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng công trình thực hiện bảo trì công trình theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành hàng hải và pháp luật có liên quan.
8. Đối với các công trình hàng hải do đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam quản lý
a) Các đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam được giao quản lý, khai thác công trình tổ chức lập dự toán bảo trì cho năm sau và gửi Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 30 tháng 6 hàng năm;
b) Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí bảo trì cho năm sau và tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng
8 hàng năm để thẩm định, giao nguồn vốn thực hiện;
c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo trì hàng năm theo quy định;
d) Việc lập, phê duyệt dự toán và thực hiện bảo trì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 8. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải do các tổ chức, cá nhân khác quản lý, sử dụng
1. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình lập, phê duyệt và thực hiện bảo trì công trình hàng hải theo quy định tại Điều 31, Điều 32 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
2. Sau khi phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải theo quy định tại khoản 1 Điều này, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải khu vực nơi có công trình văn bản phê duyệt và kế hoạch bảo trì công trình hàng hải để tổng hợp, theo dõi.
Điều 9. Quan trắc công trình hàng hải trong quá trình khai thác, sử dụng
1. Công trình hàng hải phải quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng được quy định tại Phụ lục II Thông tư này.
2. Việc quan trắc đối với các công trình quy định tại khoản 1 Điều này được quy định tại khoản 1 Điều này được quy định trong quy trình bảo trì công trình hàng hải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Đối tượng quan trắc: các kết cấu chịu lực chính của công trình;
b) Thông số quan trắc như biến dạng nghiêng, lún, nứt, võng, ... và giá trị giới hạn của các thông số này; thời gian quan trắc; chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác.
3. Yêu cầu chung đối với công tác quan trắc công trình hàng hải trong quá trình khai thác, sử dụng:
a) Nhà thầu quan trắc lập đề cương quan trắc phù hợp với các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chấp thuận;
b) Nhà thầu quan trắc thực hiện quan trắc theo đề cương quan trắc đã được chấp thuận. Các số liệu quan trắc phải được phân tích, đánh giá; kết quả quan trắc phải được so sánh với giá trị giới hạn thiết kế cho phép và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng có liên quan;
c) Trường hợp số liệu quan trắc vượt quá giá trị giới hạn thiết kế cho phép hoặc có dấu hiệu bất thường thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải tổ chức kiểm định, đánh giá nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.
Điều 10. Đánh giá an toàn công trình hàng hải
1. Trình tự, nội dung đánh giá an toàn công trình hàng hải thực hiện theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
2. Trách nhiệm đánh giá và xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình hàng hải
a) Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình hàng hải theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP;
b) Việc xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình hàng hải thực theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
3. Thời hạn đánh giá an toàn công trình thực hiện theo quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác công trình được duyệt; yêu cầu của chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình hoặc quy định của nhà sản xuất thiết bị lắp đặt vào công trình.
4. Tổ chức đủ điều kiện thực hiện đánh giá an toàn công trình hàng hải là tổ chức kiểm định đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP). Phạm vi hoạt động của tổ chức này được thực hiện như đối với tổ chức kiểm định quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
5. Danh mục các công trình phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình được quy định tại Phụ lục III Thông tư này.
Điều 11. Quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình hàng hải
Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình hàng hải theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Kiểm tra sự tuân thủ quy định về bảo trì công trình hàng hải
Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm, đột xuất và tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định về bảo trì công trình hàng hải của Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Thông tư này.
Điều 13. Báo cáo việc thực hiện bảo trì công trình hàng hải
1. Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải được giao khi có yêu cầu.
2. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về kết quả thực hiện bảo trì công trình hàng hải và đánh giá an toàn công trình hàng hải, chi tiết báo cáo như sau:
a) Tên báo cáo: báo cáo thực hiện bảo trì công trình hàng hải và đánh giá an toàn công trình hàng hải;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: tên công việc thực hiện, thời gian thực hiện, phương thức thực hiện, khối lượng thực hiện, nguồn kinh phí thực hiện, chi phí thực hiện (đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước), mức độ hoàn thành;
c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử và được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, gửi qua hệ thống phần mềm, các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
d) Tần xuất báo cáo: định kỳ hàng năm;
đ) Thời hạn gửi báo cáo: chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình gửi báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 17 tháng 12 hàng năm;
e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;
g) Mẫu báo cáo: Theo quy định tại Mẫu số 2 Phụ lục I Thông tư này.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.
2. Thông tư này Thay thế Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng hải và Thông tư số 07/2019/TT-BGTVT ngày 14 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng hải.
3. Bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 34/2020/TT-BGTVT ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng hải.
4. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.