QCVN 01-184:2017/BNNPTNT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA YÊU CẦU VỆ SINH ĐỐI
VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT TINH LỢN
National technical regulation on Hygiene requirements for Boar semen
production stations
Lời nói đầu
QCVN 01-184:2017/BNNPTNT do Cục Chăn nuôi biên soạn,
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt và được ban hành theo Thông tư
số 16/2017/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 8 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA - YÊU CẦU VỆ SINH ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT TINH
LỢN
National technical regulation on Hygiene requirements for Boar semen
production stations.
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định về vệ sinh đối với cơ sở sản xuất tinh lợn trong
phạm vi cả nước.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất tinh lợn (số lượng
lợn đực giống trong một cơ sở thụ tinh nhân tạo không ít hơn 5 con).
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Cơ sở sản xuất tinh lợn là cơ sở nuôi lợn đực giống có hoạt động
khai thác, pha chế và kinh doanh tinh lợn.
1.3.2. Yêu cầu vệ sinh đối với cơ sở sản xuất tinh lợn bao gồm: yêu cầu về
địa điểm; bố trí mặt bằng và thiết kế; trang thiết bị và
dụng cụ, phương tiện bảo quản; vệ sinh an toàn dịch bệnh nhằm tạo
ra sản phẩm an toàn không gây hại cho sức khỏe con người và không gây ô nhiễm
môi trường.
1.3.3. Khu tân đáo: là khu nuôi lợn giống mới nhập để theo dõi trong thời
gian 2 tuần trước khi nhập đàn, tránh lây lan dịch bệnh (nếu có).
2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu về địa điểm
2.1.1. Phải xây dựng tại vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa
phương được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;
2.1.2. Phải cách các khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền công bố; phải cách khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công
nghiệp, bệnh viện, trường học, chợ tối thiểu 500m;
2.1.3. Thoáng mát, không bị ngập lụt, nền chuồng cách mặt nước ngầm tối
thiểu 2m, thuận lợi cho thoát nước;
2.1.4. Thuận tiện cho cung cấp điện, nước từ mạng lưới chung của khu vực
hoặc có khả năng tự cung cấp;
2.1.5. Thuận lợi cho việc vận chuyển lợn đực giống, vật tư, thiết bị, thức
ăn cho lợn và sản phẩm từ cơ sở;
2.1.6. Có đủ diện tích, điều kiện xử lý chất thải rắn, nước thải theo quy
định hiện hành.
2.2. Yêu cầu về bố trí mặt bằng, thiết kế
2.2.1. Bố trí mặt bằng
a) Cơ sở sản xuất tinh lợn phải được thiết kế thành các khu vực riêng biệt:
Khu chăn nuôi lợn đực giống; khu sản xuất tinh lợn; khu cách ly, tân đáo; khu
tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ
khác (nếu có);
b) Khu chăn nuôi lợn đực giống; khu khai
thác, pha chế và bảo quản tinh lợn bố trí ở đầu hướng gió chính. Khu cách ly,
tân đáo; khu tập kết và xử lý chất thải (nhà chứa phân, bể chứa nước thải) phải
đặt ở cuối hướng gió chính;
c) Khu chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh. Giữa các khu vực
trong khu chăn nuôi phải được ngăn cách;
d) Cổng ra vào khu chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng.
Thường xuyên thay thuốc sát trùng ít nhất ngày một lần.
2.2.2. Thiết kế
2.2.2.1. Khu chăn nuôi đực giống
a) Chuồng nuôi lợn đực khai thác tinh lợn phải được xây dựng để đảm bảo
nguyên tắc ấm về mùa đông, mát về mùa hè, đầy đủ ánh sáng, ngăn được mưa, gió;
b) Bề rộng mặt đường giao thông trong khu chăn nuôi phụ thuộc vào phương
tiện vận chuyển nhưng không nhỏ hơn 3,5m. Đường vận chuyển thức ăn cho lợn đực
không được cùng với đường vận chuyển phân;
c) Khoảng cách giữa các chuồng nuôi không nhỏ hơn 7,0m. Chuồng nuôi cách các công trình phục vụ sản xuất và
khu khai thác, pha chế, bảo quản tinh lợn không
nhỏ hơn 15m;
d) Chuồng nuôi lợn đực giống được bố trí
thành các ô riêng biệt. Diện tích chuồng lợn đực nội tối thiểu 5,0m2, lợn đực ngoại tối thiểu 6,0m2. Tường ngăn hoặc song chắn giữa các ô không thấp hơn 1,3m;
đ) Trong chuồng phải có hành lang để vận chuyển thức ăn, chăm sóc và chuyển
lợn đực. Phía sau chuồng có đường vận chuyển phân, chiều rộng của đường và hành
lang phù hợp với thiết bị được sử dụng;
e) Nền chuồng phải có độ nhám đảm bảo để lợn không trơn trượt và có độ dốc
3% đến 5% để dễ thoát nước mỗi khi vệ sinh;
g) Máng ăn, máng uống có kích thước phù hợp và được làm bằng vật liệu bền,
dễ vệ sinh, khử trùng.
2.22.2. Khu sản xuất tinh lợn
a) Nơi huấn luyện và khai thác tinh lợn
- Nơi huấn luyện và khai thác được bố trí ở đầu dãy chuồng, gần chuồng nuôi
lợn đực giống. Tùy theo số lượng lợn đực giống khai thác hàng ngày mà bố trí
diện tích lấy tinh lợn cho phù hợp;
- Nơi huấn luyện và khai thác tinh lợn phải sạch, thoáng, đủ ánh sáng và
không bị ánh nắng chiếu trực tiếp;
- Nơi huấn luyện và khai thác tinh lợn phải chia thành ô với diện tích 4m2
đối với lợn nội và 6m2 đối với lợn ngoại. Mỗi ô phải có giá nhảy để huấn luyện và lấy tinh lợn;
- Mặt nền phải chắc, nhám để chịu được sức nặng của
lợn đực giống và chống trơn trượt. Phía sau giá nhảy đặt một tấm lót để bảo vệ
móng chân lợn đực giống trong suốt quá trình khai thác tinh lợn.
b) Phòng kiểm tra chất lượng và đóng gói tinh lợn
- Tường tiếp giáp với khu vực lấy tinh lợn phải
có hộp chuyển hàng để chuyển dụng cụ sạch (cốc lấy tinh lợn, khăn sạch) từ khu
vực kiểm tra sang khu vực lấy tinh lợn và ngược lại nhận cốc đựng tinh lợn vừa
được khai thác đưa vào phòng kiểm tra;
- Phòng kiểm tra chất lượng và đóng gói
tinh lợn phải có thiết bị, dụng cụ tối thiểu chuyên dụng phục vụ cho việc kiểm
tra, đánh giá tinh lợn trước và sau khi pha loãng tinh dịch; số lượng thiết bị,
dụng cụ phù hợp với công suất sản xuất tinh lợn của cơ sở;
- Diện tích phòng kiểm tra chất lượng và đóng gói tinh lợn không nhỏ hơn
10m2, có bồn rửa đặt tại vị trí thích hợp.
c) Phòng bảo quản tinh lợn
- Phải tránh ánh sáng mặt trời chiếu vào nơi để tinh lợn;
- Phải có tủ lạnh và các phương tiện bảo quản tinh lợn.
2.2.2.3. Khu cách ly, tân đáo
a) Khoảng cách từ khu cách ly, tân đáo đến các công
trình khác tối thiểu 500m;
b) Các tường xây ngăn giữa các ô chuồng và giữa các sân chơi của lợn phải
kín;
c) Phòng xử lý lợn ốm phải được thiết kế về 1
phía đầu hồi của dãy chuồng, diện tích không nhỏ hơn 14m2. Phòng xử
lý lợn ốm phải có bàn mổ chậu rửa, vòi nước và túi đựng mẫu xét nghiệm, các
thiết bị và dụng cụ để đựng bệnh phẩm hoặc xác lợn khi phải khử trùng hoặc tiêu
hủy.
2.2.2.4. Hệ thống thu gom nước thải và chất thải rắn
a) Đường thu gom nước thải, nước vệ sinh của từng dãy chuồng phải được
thiết kế để nước chảy thẳng vào hệ thống xử
lý nước thải và bể chứa không được chảy ngang qua các khu chuồng khác;
b) Hệ thống xử lý chất thải và nước thải trong cơ
sở sản xuất tinh lợn phải được thiết kế ngầm hoặc hở tùy theo từng khu để đảm
bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường;
c) Nơi tập kết rác thải rắn phải tách biệt và được thiết kế để không làm ô
nhiễm chất thải ra môi trường;
2.2.2. Yêu cầu đối với thiết bị, dụng cụ và thuốc thử
2.2.2.1. Giá nhảy phải chắc chắn, không trơn, không có cạnh sắc nhọn không
rộng hơn 40cm; có thể điều chỉnh được độ cao để phù hợp với từng cá thể lợn đực
giống.
2 2.2.2. Chất liệu và cấu tạo của dụng cụ sử dụng để khai thác, kiểm tra
đóng gói, bảo quản tinh lợn phải đảm bảo
không ảnh hưởng tới phẩm chất tinh dịch lợn;
2.2.2.3. Khăn lọc tinh lợn phải sạch và vô trùng trước khi dùng;
2.2.2.4. Thuốc thử sử dụng trong việc kiểm tra và pha loãng tinh lợn phải
có nhãn ghi đầy đủ thông tin kỹ thuật, ngày và nơi sản xuất, hạn sử dụng được
bảo quản đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của sản phẩm;
2.2.2.5. Lọ hoặc tuýp đựng liều tinh lợn phải đảm bảo sạch, vô trùng kín để
không ảnh
hưởng tới chất lượng tinh dịch lợn;
2.2.2.6. Lọ đựng tinh lợn phải được
gắn nhãn ghi đầy đủ thông tin bao gồm số hiệu cá thể, giống, thể tích tinh
dịch; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử
dụng; hướng dẫn bảo quản và sử dụng;
2.2.2.7. Tủ lạnh, tủ bảo ôn phải được
kiểm tra nhiệt độ hàng ngày và bảo trì, hiệu chuẩn
theo quy định.
2.2.2.8. Phải có hồ sơ quản lý thiết bị, dụng cụ và thuốc thử.
2.3. Yêu cầu đối với chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác tinh đối với lợn đực
giống.
2.3.1. Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống, có lý lịch rõ ràng có giấy
kiểm dịch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp (đối với lợn đực giống
được nhập về).
2.3.2. Phải được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác theo quy định
hiện hành, chỉ khai thác tinh lợn, lưu hành và sử dụng tinh lợn đực giống khỏe
mạnh.
2.3.3. Phải có lịch tiêm vaccine phòng bệnh cho
lợn đực giống và thực hiện tiêm phòng đúng lịch.
2.3.4. Phải thực hiện việc nuôi cách ly trước khi nhập đàn ít nhất là 07
ngày đối với lợn đực giống mới nhập về;
kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly và tiêm phòng bổ
sung các bệnh truyền nhiễm tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương.
2.3.5. Phải thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực nuôi cách ly
trước và sau mỗi đợt nhập và xuất lợn đực giống.
2.3.6. Phải có hồ sơ quản lý đực giống.
2.3.7. Phải quản lý thức ăn, nước uống
a) Thức ăn cho lợn đực giống phải đảm bảo chất lượng, thành phần dinh
dưỡng, vệ sinh và an toàn theo quy định hiện hành;
b) Nước uống cho lợn đực giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy
định tại QCVN 01-39:2011/BNNPTNT- về vệ
sinh nước dùng trong chăn nuôi;
c) Phải có hồ sơ quản lý về thức ăn và chất lượng nước.
2.4. Yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh
2.4.1. Cơ sở phải ban hành các quy trình vệ sinh và khử trùng với các đối
tượng sau: khu vực nuôi lợn đực giống; khu vực sản xuất tinh; thiết bị dụng cụ;
hố khử trùng; phương tiện ra vào cơ sở.
2.4.2. Quy trình vệ sinh và khử trùng phải quy định các nội dung sau:
a) Các bước thực hiện;
b) Tần suất thực hiện;
c) Thời điểm thực hiện;
d) Loại hóa chất, nồng độ hóa chất được sử
dụng.
2.4.3. Cơ sở phải thực hiện vệ sinh và khử trùng theo các quy trình quy
định tại mục 2.4.1.
2.4.4. Cơ sở phải ban hành các quy định sau:
a) Vệ sinh đối với công nhân tham gia sản xuất và khách thăm;
b) Thiết bị dụng cụ dùng trong chăn nuôi và việc di chuyển trang thiết bị
dụng cụ đến khu khác hoặc ra ngoài cơ sở chăn nuôi;
c) Thu gom chất thải rắn (không tồn trữ chất thải trên 24 giờ mà không có
biện pháp xử lý);
d) Bảo hộ lao động và sử dụng bảo hộ lao động;
đ) Thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng để đảm bảo vệ
sinh môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; nước thải sau khi xử
lý thải ra môi trường phải đáp ứng QCVN 62-MT:2016/BTNMT về nước thải chăn
nuôi;
e) Kiểm soát, kiểm tra hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng định kỳ hàng quý
hàng năm;
2.4.5. Cơ sở phải thực hiện các quy định tại mục 2.4.4
2.5. Kiểm soát động vật và côn trùng gây hại
Cơ sở sản xuất tinh lợn phải thực hiện kế hoạch kiểm soát động vật loài gặm
nhấm và côn trùng gây hại do cơ sở ban hành.
3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
3.1. Chứng nhận hợp quy
3.1.1. Cơ sở sản xuất tinh lợn phải được chứng nhận hợp quy về yêu cầu vệ
sinh theo quy định tại Quy chuẩn này.
3.1.2. Phương thức đánh giá, chứng nhận hợp quy thực hiện theo phương thức
6 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 về công bố hợp
chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN 31/03/2017 thông tư sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
3.1.3. Tổ chức chứng nhận thực hiện chứng nhận hợp quy: đã đăng ký hoạt
động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và
phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định.
3.1.4. Việc thử nghiệm để phục vụ hoạt động chứng
nhận hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoạt động theo
quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
3.2. Công bố hợp quy
3.2.1. Cơ sở sản xuất tinh lợn quy định tại mục 1.2 của Quy chuẩn này phải
thực hiện công bố và đăng ký hợp quy tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất,
kinh doanh và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
3.2.2. Hoạt động công bố hợp quy phải đáp ứng các yêu cầu về công bố hợp
quy tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký
hoạt động sản xuất, kinh doanh.
4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Các tổ chức, cá nhân đã nêu tại Mục 1.2 phải áp dụng Quy chuẩn này.
4.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Chăn nuôi phổ biến,
hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
4.3. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chịu
trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này theo phân
công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.4. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ
sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định nêu tại văn bản mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành./.