Thông tư 15/2020/TT-BGTVT Quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ
22-07-2020
15-09-2020
Bộ Giao thông vận tải Số: 15/2020/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2020 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG
CỦA TRẠM THU PHÍ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG
BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm
2008;
Căn cứ Nghị định
số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định
số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình
thức đối tác công tư;
Theo đề nghị của
Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ
Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.
1. Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2. Đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là đơn vị thu) là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền thu hoặc cho phép thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Tài sản của trạm thu phí bao gồm: nhà điều hành, nhà bán vé, cổng soát vé, thiết bị kiểm soát và quản lý thu, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe (nếu có), hệ thống thiết bị giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (nếu có) và các công trình phụ trợ, các trang thiết bị khác phục vụ việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
4. Thu điện tử tự động không dừng là hình thức thu tự động, cho phép phương tiện tham gia giao thông không cần phải dừng lại trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua trạm thu phí.
5. Thu một dừng là hình thức thu mà khi qua trạm thu phí, phương tiện tham gia giao thông chỉ phải thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
1. Phải đặt trong phạm vi của dự án.
2. Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.
3. Phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
4. Phải ứng dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại.
5. Phải công khai vị trí trạm thu phí.
6. Đối với dự án trên các tuyến đường địa phương có đấu nối vào phạm vi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên quốc lộ, phải có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải.
HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU PHÍ
Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị thu
1. Xây dựng và phê duyệt quy trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu đang áp dụng tại trạm thu phí và quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu phí để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu phí khi bắt đầu tổ chức thu về thời điểm bắt đầu được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu, phương thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, phương thức thu, đối tượng thu, đơn vị thu phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu trước 30 ngày. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương; đồng thời, gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí, bao gồm: tên dự án, giá trị công trình dự án (trong trường hợp dự án chưa được quyết toán thì công bố theo tổng mức đầu tư), tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm thu phí (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh.
4. Quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý chặt chẽ ấn chỉ, doanh thu; báo cáo thống kê, kế toán, hạch toán, quyết toán doanh thu, kê khai và nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.
6. Định kỳ sao lưu dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý thu bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu về lưu lượng, doanh thu thu phí, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 05 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 01 năm.
7. Quản lý tài sản được giao quản lý, tài sản nhận bàn giao từ nhà nước, tài sản trạm thu phí hình thành trong quá trình đầu tư theo đúng quy định hiện hành và hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Trang bị tài sản, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác thu; nâng cấp, hiện đại hóa trạm thu phí, triển khai thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương thức thu điện tử tự động không dừng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9. Chấp hành việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu và kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chủ trương nâng cấp hệ thống công nghệ thu, triển khai thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, đơn vị thu phải chấp hành thực hiện.
10. Trong trường hợp hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác thu bị trục trặc, hư hỏng, đơn vị thu phải có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; đồng thời, khẩn trương khắc phục các sự cố của hệ thống. Thời gian khắc phục sự cố không quá 48 giờ, kể từ thời điểm hệ thống bị trục trặc, hư hỏng. Trong thời gian khắc phục sự cố, đơn vị thu phải có biện pháp đảm bảo thu nhanh gọn, an toàn, tránh ùn tắc giao thông và có biện pháp giám sát chống thất thoát doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ.
11. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trạm thu phí; đảm bảo tuân thủ phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường đặt trạm thu phí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
12. Nộp phí sử dụng tài sản nhà nước hoặc tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ (nếu có) theo quy định của pháp luật.
13. Bàn giao lại tài sản trạm thu phí cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định khi kết thúc hợp đồng. Tài sản bàn giao phải trong trạng thái hoạt động bình thường theo quy định của hợp đồng.
14. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
15. Không để xảy ra các hành vi sau:
a) Gian lận tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;
b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ;
c) Tổ chức bán vé, soát vé không kịp thời, sách nhiễu đối với người mua vé; không bán đầy đủ hoặc hạn chế, giới hạn thời gian bán các loại vé tháng, vé quý theo quy định; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu phí; thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đúng quy định;
d) Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ mà không giao vé hoặc giao vé không đúng chủng loại phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; để phương tiện giao thông đường bộ (đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm thu phí;
đ) Không thực hiện việc bảo trì tài sản của trạm thu phí; tự ý tháo dỡ, thanh lý, nhượng bán tài sản của trạm thu phí; không thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định đối với nhóm thiết bị cần phải thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định theo quy định.
16. Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
17. Trường hợp đơn vị thu ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đơn vị cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định trong Thông tư này và các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Người lao động làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu phí do đơn vị thu quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của đơn vị thu, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.
1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp dừng thu, tạm dừng thu khi có văn bản của cấp có thẩm quyền).
2. Khi trạm thu phí phải ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng, đơn vị thu phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; đồng thời, phải báo cáo ngay cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
1. Đơn vị thu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu. Kỳ hạn và thời gian nộp báo cáo định kỳ được quy định cụ thể như sau:
a) Báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí: báo cáo định kỳ hàng tháng trước ngày 10 của tháng tiếp theo; báo cáo 06 tháng đầu năm trước ngày 10 của tháng 7 hàng năm; báo cáo năm trước ngày 28 tháng 02 của năm tiếp theo. Mẫu biểu báo cáo quy định tại Mẫu số 1 đến Mẫu số 7 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản: báo cáo 06 tháng đầu năm trước ngày 10 tháng 7 hàng năm; báo cáo năm trước ngày 10 tháng 01 năm kế tiếp. Mẫu biểu báo cáo quy định tại Mẫu số 8 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đơn vị thu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo. Riêng báo cáo cả năm về doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ phải có kiểm toán độc lập kiểm toán hoặc xác nhận của cơ quan thuế.
1. Các trường hợp tạm dừng thu:
a) Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 02 lần kèm theo thời hạn khắc phục. Chi tiết cụ thể về các hành vi vi phạm chất lượng bảo trì công trình được quy định trong Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 01 ngày;
b) Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 02 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 01 ngày;
c) Đơn vị thu có các hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 15 Điều 5 Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong hậu quả của lỗi vi phạm và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại;
d) Đơn vị thu có hành vi vi phạm khoản 8, khoản 9 Điều 5 Thông tư này, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện ít nhất 02 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư hoàn thành các nội dung quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 5 Thông tư này;
đ) Khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng không được khắc phục kịp thời theo quy định tại khoản 10 Điều 5 Thông tư này, thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong sự cố và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại;
e) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có thiên tai, địch họa hoặc phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc thực hiện theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.
2. Các trường hợp trừ thời gian thu:
a) Nhà đầu tư dự án BOT chậm nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình BOT theo quy định. Thời gian thu bị trừ là 01 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 10 đến 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 02 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 16 ngày đến hết 30 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ ngày 31 trở đi, cứ 05 ngày chậm nộp báo cáo quyết toán thì thời gian thu bị trừ 01 ngày;
b) Đơn vị thu không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu hoặc sao lưu dữ liệu không đầy đủ theo quy định tại khoản 6 Điều 5 của Thông tư này. Thời gian thu bị trừ là 02 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 10 đến 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 04 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 16 ngày đến hết 30 ngày; đối với trường hợp không sao lưu dữ liệu từ ngày 31 trở đi, cứ 05 ngày không sao lưu dữ liệu thì thời gian thu bị trừ 02 ngày;
c) Đơn vị thu không thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 8 Thông tư này hoặc không nộp phí sử dụng tài sản nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 02 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 05 ngày. Thời gian thu bị trừ là 01 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 ngày đến 30 ngày; thời gian thu bị trừ 02 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 ngày đến 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 05 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 01 ngày.
3. Trường hợp dự án hết thời gian thu hoàn vốn (bao gồm cả thời gian thu thêm tạo lợi nhuận đối với các dự án có quy định về thời gian thu tạo lợi nhuận), Đơn vị thu phải chủ động dừng thu phí hoặc chấp hành quyết định dừng thu phí của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ).
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu:
a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu đối với các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường bộ do Trung ương quản lý;
b) Đối với các trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định việc tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu theo thẩm quyền.
5. Thời gian do việc tạm dừng thu trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này không được tính để kéo dài thời gian thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
6. Doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được tính bằng doanh thu bình quân một ngày của tháng sau liền kề sau khi tạm dừng thu. Đối với trường hợp đơn vị thu có hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 15 Điều 5 Thông tư này, ngoài việc bị tạm dừng thu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được xác định bằng 03 lần ngày có doanh thu cao nhất của tháng sau liền kề.
Doanh thu bình quân một ngày trong tháng là doanh thu bình quân một ngày của tổng doanh thu vé lượt, vé tháng, vé quý được ghi nhận trong tháng.
7. Trong thời gian tạm dừng thu, đơn vị thu có trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, không được phép gây cản trở, ùn tắc giao thông và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, cũng như công khai tại trạm thu phí.
8. Các trường hợp trừ thời gian thu được tính trừ vào cuối thời điểm hoàn vốn của dự án khi quyết toán hợp đồng dự án.
1. Đơn vị thu phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu phí để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hoạt động của trạm thu phí theo quy định của pháp luật và theo quy định của hợp đồng. Thực hiện công khai kết quả kiểm tra, công khai nội dung trả lời kiến nghị của tổ chức, cá nhân về hoạt động của trạm thu phí trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình.
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường Trung ương quản lý.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của trạm thu phí trên hệ thống đường bộ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với các hợp đồng dự án đang đàm phán, chưa ký kết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào quy định của Thông tư này để rà soát điều chỉnh, cập nhật các điều khoản liên quan trong hợp đồng dự án;
2. Đối với các trạm thu phí đã được xác định vị trí và ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng theo hình thức đối tác công tư đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2020.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.