Thông tư 140/2015/TT-BQP Quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ
140/2015/TT-BQP
Thông tư
Hết hiệu lực
16-12-2015
30-01-2016
Bộ Quốc phòng Số: 140/2015/TT-BQP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2015 |
Thông tư
QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN VÀ GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (sau đây gọi tắt là tuyển quân).
2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức, thực hiện tuyển quân.
1. Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy trình, quy định trong công tác tuyển quân.
2. Tuyển đủ số lượng và bảo đảm chất lượng, dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm.
3. Đề cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển quân.
4. Chú trọng tuyển chọn gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Hằng năm, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ.
2. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số lượng tuyển quân đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
1. Về tuổi đời:
a) Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
b) Công dân nam được đào tạo cao đẳng, đại học đã tạm hoãn gọi nhập ngũ thì tuyển chọn gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
2. Tiêu chuẩn chính trị:
a) Thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị trong tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật và lực lượng vệ binh, kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng về cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội.
3. Tiêu chuẩn sức khoẻ:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng về tiêu chuẩn sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Đối với các đơn vị quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm các tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.
4. Tiêu chuẩn văn hóa:
a) Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao đến thấp. Những địa phương khó khăn, không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
b) Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 ngươi thì được tuyển từ 20% đến 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
Việc tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, như sau:
1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
g) Đang học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
3. Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc được miễn gọi nhập ngũ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.
4. Danh sách công dân được tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ phải được thông báo đến trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, ấp, bản, làng... (sau đây gọi tắt là thôn), gia đình công dân và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức liên quan trước khi phát lệnh gọi nhập ngũ tối thiểu là 20 ngày.
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Chỉ đạo công tác tuyển quân đạt chất lượng và hiệu quả, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự trong nhân dân, nhất là công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
b) Thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự đủ số lượng, đúng thành phần quy định; giao rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương; vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự các cấp và trách nhiệm của trưởng thôn trong tuyển quân.
c) Giao chỉ tiêu tuyển quân cho các địa phương, đơn vị phù hợp với từng địa phương, gắn với địa bàn động viên của đơn vị nhận quân, đảm bảo tất cả các xã, phường, thị trấn đều có công dân nhập ngũ.
d) Thực hiện tuyển quân tròn khâu, tuyển người nào, chắc người đó, không bù đổi; không tổ chức khung thâm nhập (ba gặp, bốn biết).
đ) Chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự và các ban, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện tốt công tác tuyển quân.
e) Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, xử lý nghiêm các sai phạm trong tuyển quân theo đúng quy định của pháp luật và thông báo công khai rộng rãi để giáo dục, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, chống các biểu hiện tiêu cực.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này và chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự, các ban, ngành liên quan thực hiện công tác tuyển quân đạt chất lượng và hiệu quả.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện):
a) Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, điều hành thực hiện công tác tuyển quân; tổ chức tập huấn cho đối tượng tham gia tuyển quân; chỉ đạo thực hiện sơ tuyển, xét duyệt chặt chẽ, đúng quy định; phân công thành viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo một số xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức liên quan và cùng với địa phương nơi được phân công chịu trách nhiệm về chất lượng, chỉ tiêu giao quân.
b) Thành lập Hội đồng khám sức khỏe và các đoàn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bảo đảm đủ thành phần, đủ trang thiết bị theo quy định; tổ chức địa điểm khám sức khỏe phù hợp, phân công rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tham gia xét duyệt, khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự để đảm bảo chất lượng khám tuyển, kết luận chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; trong quá trình khám sức khỏe kết hợp lấy cỡ, số quân trang.
c) Tổ chức xét duyệt việc tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ đúng quy định của Luật nghĩa vụ quân sự. Chốt quân số, phát lệnh gọi nhập ngũ và hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ (gồm cả hồ sơ đảng viên, đoàn viên) của công dân được gọi nhập ngũ bàn giao đầy đủ cho đơn vị nhận quân.
d) Phát lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự phù hợp với từng địa phương; chỉ tiêu nhập ngũ một người thì gọi khám sức khỏe không quá bốn người; phát lệnh gọi nhập ngũ dự phòng không quá 5% so với chỉ tiêu giao quân.
đ) Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình công dân được gọi nhập ngũ với đơn vị nhận quân; nắm chắc và cung cấp cỡ, số quân trang cho đơn vị nhận quân; tổng hợp báo cáo theo quy định.
e) Tổ chức cấp phát một số mặt hàng quân trang cho chiến sĩ mới trước ngày giao, nhận quân bảo đảm thống nhất, đúng quy định theo từng quân, binh chủng và phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu vùng miền.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
a) Trực tiếp sơ tuyển, xét duyệt công dân nhập ngũ, bảo đảm dân chủ, kết quả bình cử, công khai tại thôn. Chịu trách nhiệm về chất lượng, chỉ tiêu giao quân. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định gọi công dân nhập ngũ, tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ. Lập hồ sơ nghĩa vụ quân sự đối với công dân đủ điều kiện gọi nhập ngũ để bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
b) Nắm thông tin và cung cấp kịp thời về những vấn đề mới phát sinh của công dân nhập ngũ để Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và đơn vị nhận quân biết, quản lý. Phối hợp với đơn vị nhận quân giải quyết quân nhân đào ngũ và vi phạm kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.
1. Hiệp đồng chặt chẽ với địa phương giao quân để thống nhất về chỉ tiêu tuyển quân, thời gian nghiên cứu hồ sơ và chốt quân số với địa phương trước 10 ngày kể từ ngày cơ quan quân sự cấp huyện phát lệnh gọi công dân nhập ngũ; phối hợp với địa phương tổ chức và dự lễ giao nhận quân; chuyển quân về đơn vị bằng xe ca hoặc tàu hỏa, tàu thủy bảo đảm an toàn tuyệt đối, không lưu quân dài ngày tại địa phương; chuẩn bị tốt mọi mặt để tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới đúng kế hoạch.
2. Các đơn vị được tổ chức khung thâm nhập (ba gặp, bốn biết) thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
3. Sau khi chiến sĩ mới về đơn vị, tổ chức cấp phát đầy đủ tiêu chuẩn quân trang (những mặt hàng chưa cấp tại địa phương) theo quy định.
4. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày giao nhận quân phải tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả phúc tra; trường hợp không đủ tiêu chuẩn, đơn vị nhận quân thống nhất với cơ quan quân sự cấp huyện và lập văn bản bàn giao công dân cho cơ quan quân sự cấp huyện tại đơn vị.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tuyển quân; thường xuyên nắm chắc tình hình, hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo cho địa phương, đơn vị thực hiện tuyển quân đúng quy định.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì việc tổ chức hiệp đồng giữa địa phương với đơn vị nhận quân để thống nhất về chỉ tiêu, thời gian nghiên cứu hồ sơ, chốt quân số và giao nhận quân, cụ thể như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hiệp đồng với cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương (cấp trực thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ).
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức hiệp đồng với cấp trung đoàn và tương đương (cấp trực thuộc cấp sư đoàn và tương đương).
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo cơ quan quân sự và cơ quan công an cùng cấp phối hợp chặt chẽ trong tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; cơ quan công an và cơ quan quân sự cấp huyện thống nhất về chỉ tiêu, nhân sự gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
3. Địa phương và đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình tuyển nhận và quản lý bộ đội. Đơn vị nhận quân cử cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương hiệp đồng tuyển quân với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương hiệp đồng tuyển quân với Ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu trách nhiệm những nội dung hiệp đồng.
1. Bộ Tư lệnh quân khu phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên địa bàn quân khu, chỉ đạo thống nhất việc tổ chức lễ giao nhận quân cho các đơn vị quân đội và công an trong cùng 01 ngày.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lễ giao nhận quân đúng quy định; biên bản giao nhận giữa địa phương và đơn vị được ký kết ngay sau khi kết thúc lễ giao nhận quân.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 01 năm 2016.
2. Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19 tháng 11 năm 2010 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Tổng Tham mưu trưởng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c Thủ tướng);
- Các Thủ trưởng BQP, Chủ nhiệm TCCT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các BTL: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh;
- Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Các Cục: Tác chiến, Quân huấn, Quân lực, Quân y, Tài chính, Tổ chức, Bảo vệ ANQĐ, Quân nhu, Vận tải và Bộ Tham mưu TCHC;
- Vụ Pháp chế;
- Lữ đoàn 144, Đoàn 781;
- Lưu: VT, THBĐ, NCTH; T229.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ