Thông tư 06/2017/TT-BTTTT Hướng dẫn thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
02-06-2017
16-07-2017
Bộ Thông tin và Truyền thông Số: 06/2017/TT-BTTTT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2017 |
Thông tư
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỰ ÁN TRUYỀN THÔNG VÀ GIẢM NGHÈO VỀ
THÔNG TIN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN
2016 – 2020
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm
2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị quyết số30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ
giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện
nghèo;
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các
Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức
phân bổvốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư
hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện các mục tiêu, nội dung của Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Dự án).
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện Dự án;
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng từ việc thực hiện Dự án.
QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN
HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢM NGHÈO
Điều 2. Nội dung hoạt động truyền thông về giảm nghèo
1. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo
a) Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng: Cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ Trung ương tới cơ sở, cán bộ báo chí, xuất bản.
b) Nội dung thực hiện nhiệm vụ:
- Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo;
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng thông tin, truyền thông giảm nghèo cho các đối tượng thuộc diện được tập huấn, bồi dưỡng.
2. Xây dựng, tổ chức các chương trình thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo
a) Sản xuất, biên tập các sản phẩm thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo bằng các loại hình báo chí và các hình thức thông tin, truyền thông khác (bao gồm cả hình thức sân khấu hóa);
b) Nhân bản, phát sóng, phát hành các sản phẩm thông tin và truyền thông đến khu vực, đối tượng thụ hưởng;
c) Biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng.
3. Tổ chức phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm, gương điển hình về giảm nghèo
a) Tổ chức phổ biến, đối thoại trên báo hình, báo nói và các hình thức truyền thông khác;
b) Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, đối thoại chính sách, phổ biến kinh nghiệm, gương điển hình về giảm nghèo tại cộng đồng dân cư.
4. Phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương
a) Nâng cấp phần cứng, phần mềm, duy trì kết nối của hệ thống Trang thông tin điện tử;
b) Cập nhật tin, bài tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên Trang thông tin điện tử.
HOẠT ĐỘNG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN
Điều 3. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở
1. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng: Cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở (bao gồm cả cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội); Ưu tiên cán bộ cấp xã (cán bộ xã trong biên chế lĩnh vực văn hóa - xã hội, cán bộ các đài truyền thanh cấp xã), trưởng thôn, bản của các xã thuộc khu vực miền núi, hải đảo.
2. Nội dung thực hiện nhiệm vụ:
a) Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền (bao gồm cả hoạt động khảo sát để xác định nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng);
b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng.
1. Nhiệm vụ tăng cường nội dung thông tin
a) Tăng cường nội dung thông tin phổ biến, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác cho xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng;
b) Tăng cường đưa nội dung thông tin thiết yếu đến khu vực thuộc miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Hình thức thực hiện nhiệm vụ
a) Sản xuất mới, biên tập, phát sóng, phát hành các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác (tờ rơi, tờ gấp,...); ưu tiên thực hiện các hình thức, thể loại phù hợp với mục tiêu, đối tượng tuyên truyền, đảm bảo hiệu quả truyền thông.
Trường hợp phổ biến thông tin bằng loại hình báo in thì phải hình thành ấn phẩm, phụ trương riêng; Trường hợp thực hiện bằng loại hình báo hình, báo nói, báo điện tử thì phải tổ chức thành chuyên mục, chuyên trang riêng có thể định lượng, tổng hợp báo cáo. Đối với hoạt động phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phải thực hiện trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá (chọn khung giờ có nhiều người nghe, xem). Nội dung tin, bài, chương trình thông tin không trùng với các sản phẩm báo chí đã công bố ở các sản phẩm báo chí trước đó.
Cơ quan thực hiện nội dung của Dự án không được sử dụng kinh phí của Dự án để đặt mua, phát hành các số báo ra định kỳ của cơ quan báo chí, các xuất bản phẩm có sẵn của các nhà xuất bản để cấp phát cho đối tượng thụ hưởng.
b) Đăng tải sản phẩm tại điểm a khoản này trên trang thông tin điện tử và phương tiện truyền tải thông tin khác.
c) Tổ chức phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác của Dự án tại các điểm đọc sách, báo công cộng.
3. Điều kiện nghiệm thu kết quả hoạt động
a) Trường hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng loại hình báo hình, báo nói: Sản phẩm thông tin được nghiệm thu là sản phẩm đã được phát sóng (phát lần đầu, phát lại) ở ít nhất một cơ quan báo chí, không hạn chế số lần khai thác, phát lại ở các cơ quan báo chí khác.
Trong hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa cơ quan được giao kinh phí với cơ quan phát thanh, truyền hình phải quy định rõ khung giờ phát sóng, số lần phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình.
b) Trường hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng loại hình báo in và xuất bản phẩm: Sản phẩm thông tin được nghiệm thu là sản phẩm đã được phát hành đến địa chỉ phục vụ người đọc hoặc đến đối tượng thụ hưởng.
c) Trường hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng loại hình báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử: Sản phẩm thông tin được nghiệm thu là sản phẩm đã được đăng tải trên chuyên mục cụ thể.
1. Đối tượng được hỗ trợ: Là hộ nghèo (theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020) sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; trong đó ưu tiên hỗ trợ đối với:
a) Hộ nghèo có thành viên đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
b) Các hộ nghèo sống ở đảo xa bờ;
c) Các hộ nghèo có ít nhất 02 thành viên trong hộ là người dân tộc rất ít người: Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, La Hủ, Lự, Mảng, Si La, Cống, La Ha, Ơ Đu, Chứt, Rơ Măm, Brâu, Ngái hoặc là người dân tộc Phù Lá.
2. Loại phương tiện nghe - xem hỗ trợ cho hộ gia đình:
a) Đối với hộ nghèo sống ở xã đảo, hộ nghèo thuộc dân tộc rất ít người hoặc là người dân tộc Phù Lá quy định tại khoản 1 Điều này hỗ trợ 01 ti vi hoặc 01 radio/hộ hoặc cả hai loại phương tiện.
b) Đối với các hộ nghèo khác hỗ trợ 01 ti vi hoặc 01 radio/hộ.
Hộ nghèo được hỗ trợ phương tiện nghe - xem phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Yêu cầu về phương tiện nghe - xem hỗ trợ hộ nghèo:
a) Hỗ trợ ti vi màu cỡ 32 inch, bao gồm: ăng - ten và cáp nối từ ăng - ten vào ti vi. Đối với khu vực chưa có sóng truyền hình mặt đất, cơ cấu thiết bị hỗ trợ ti vi bao gồm ti vi, thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh và cáp nối từ thiết bị thu đến ti vi (trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, nội dung hỗ trợ bao gồm cả hoạt động lắp đặt, hướng dẫn sử dụng tại địa bàn dân cư).
Ti vi phải có khả năng thu xem các chương trình truyền hình số mặt đất DVB-T2 và đáp ứng QCVN 63:2012/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2012/TT-BTTTT ngày 04/12/2012 và Thông tư số 15/2013/TT-BTTTT ngày 01/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; tuân thủ các quy định tại Thông tư 05/2014/TT-BTTTT ngày 19/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Radio phải có khả năng thu nghe các chương trình phát thanh phù hợp với quy hoạch tại Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình đến năm 2020 và Quyết định số 01/2015/QĐ-TTg ngày 07/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Điều kiện hộ nghèo được hỗ trợ
a) Hộ nghèo chưa có phương tiện nghe - xem, có nhu cầu và cam kết sử dụng đúng mục đích phương tiện được trang bị;
b) Đối với hỗ trợ ti vi, địa bàn hộ gia đình sinh sống phải có điện sinh hoạt. Đối với hộ được hỗ trợ radio, địa bàn sinh hoạt hoặc làm việc phải thu được sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc Đài phát thanh địa phương.
1. Đối tượng được trang bị phương tiện tác nghiệp
a) Các huyện miền múi, hải đảo; ưu tiên các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; các huyện nghèo theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ;
b) Các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; xã thuộc huyện nghèo; xã thuộc các huyện được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ như huyện nghèo. Trong đó, ưu tiên các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Xã khu vực III theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 (Theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020); xã an toàn khu, xã biên giới;
c) Điều kiện các huyện, xã quy định tại các điểm a và b khoản này được trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động là các huyện, xã chưa có hoặc đã có trang thiết bị nhưng thiết bị đã lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu hoạt động;
d) Căn cứ các huyện, xã thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b và điều kiện quy định tại điểm c khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn vị cụ thể được trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện tác nghiệp.
2. Yêu cầu về thành phần trang thiết bị
Bộ phương tiện tác nghiệp phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về mức giới hạn của của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm hàng hóa phải tuân thủ, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương. Danh mục thiết bị của bộ phương tiện tác nghiệp trang bị cho cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Hình thức điểm tuyên truyền cổ động cố định trong hoạt động của Dự án là các Bảng tin công cộng (không bao gồm bảng tin công cộng điện tử) được thiết lập tại nơi tập trung đông dân cư trên địa bàn xã, thôn, bản đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin.
2. Điểm tuyên truyền cổ động bằng hình thức Bảng tin công cộng để thể hiện nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc thông tin thiết yếu đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
3. Căn cứ sự cần thiết và thực tế ở cơ sở, các địa phương quy định cụ thể, quyết định việc thiết lập Bảng tin công cộng trên địa bàn và sử dụng ngân sách của địa phương hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện (không sử dụng kinh phí của Dự án thuộc ngân sách Trung ương để thực hiện nội dung này). Việc thiết lập, quản lý nội dung thông tin và hình thức trình bày của Bảng tin công cộng phải thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động thông tin cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Hoạt động này của Dự án được thực hiện khi cơ quan nhà nước các cấp cần tập trung thông tin, tuyên truyền về sự kiện cụ thể trong thời gian nhất định để cung cấp thông tin, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc khi cần cung cấp các thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư.
2. Nội dung chương trình tuyên truyền cổ động được sản xuất theo các chủ đề phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tuyên truyền đối với sự kiện và không vi phạm các quy định của pháp luật.
3. Hình thức sản phẩm thông tin là các tài liệu, hình ảnh, chương trình phát thanh, video, ... phù hợp với hoạt động thông tin cổ động.
4. Cơ quan được giao kinh phí thực hiện Dự án xây dựng kế hoạch sản xuất, chuyển phát đến các đơn vị liên quan để khai thác, sử dụng.
1. Mục tiêu thiết lập: Để cập nhật, quảng bá kịp thời đến cộng đồng dân cư, khách nước ngoài các thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.
2. Địa điểm thiết lập
a) Cửa khẩu quốc tế biên giới trên đất liền, cảng biển và cảng hàng không quốc tế;
b) Trung tâm giao thương: Khu vực tập trung đông dân cư, khách nước ngoài có các hoạt động thương mại, du lịch và di tích lịch sử, có thể đạt hiệu quả cao trong công tác truyền thông.
3. Kết cấu, quy mô và yêu cầu kỹ thuật cụm thông tin cơ sở
Cụm thông tin cơ sở bao gồm hệ thống các thiết bị điện tử màn hình LED cỡ lớn được lắp đặt cố định tại địa điểm thiết lập và hệ thống trang thiết bị nghe nhìn phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, bao gồm:
a) Cụm màn hình LED 01 mặt, 02 mặt, 03 mặt và 04 mặt (bao gồm: bộ máy tính điều khiển và thiết bị phụ trợ kèm theo). Số lượng màn hình xác định tùy theo yêu cầu, phù hợp vị trí lắp đặt, hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại địa điểm thiết lập. Diện tích 01 màn hình từ 30 - 40 m2, được lắp đặt cố định trên trụ đỡ hoặc treo trên khung giàn (tùy theo vị trí lắp đặt), đảm bảo an toàn về thiết bị, an ninh thông tin cho hệ thống máy tính, phần mềm điều khiển và hệ thống kết nối truyền dẫn tới đơn vị quản lý nội dung thông tin, tuyên truyền trên cụm này;
b) Hệ thống trang thiết bị nghe, nhìn bao gồm: Trang âm công suất lớn, các thiết bị nghe, nhìn công nghệ kỹ thuật số, máy phát điện.
Khi bàn giao, nghiệm thu cụm thông tin cơ sở phải có nội dung hướng dẫn kiến thức quản lý kỹ năng sử dụng trang thiết bị để phục vụ được ngay công tác thông tin, tuyên truyền trên cụm thông tin cơ sở.
1. Thiết lập trang thông tin điện tử
a) Cơ quan thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Mục tiêu thiết lập: Trang thông tin điện tử để lưu trữ, quảng bá các tác phẩm báo chí và các sản phẩm thông tin thiết yếu khác sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhu cầu khai thác thông tin chung của xã hội;
c) Nội dung hoạt động:
- Thiết lập trang thông tin điện tử;
- Duy trì hoạt động trang thông tin điện tử: Sưu tầm, phân loại, chọn lọc và cập nhật thường xuyên các tác phẩm báo chí và các sản phẩm thông tin khác sử dụng ngân sách nhà nước trên trang thông tin điện tử phục vụ khai thác, sử dụng.
2. Lưu trữ, khai thác, phát lại các sản phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm thông tin khác phục vụ mục tiêu giảm nghèo về thông tin.
a) Các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án ở Trung ương và địa phương có hoạt động sản xuất các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm thông tin khác thực hiện lưu trữ tại đơn vị theo quy định của pháp luật; đồng thời có trách nhiệm gửi file điện tử về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cổng thông tin điện tử: mic.gov.vn) để phân loại, lưu trữ, quảng bá góp phần nâng cao hiệu quả của Dự án;
b) Các sản phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác sử dụng ngân sách nhà nước thuộc Dự án phải thể hiện trên sản phẩm thông tin: “Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” theo hình thức phù hợp với từng loại hình hoạt động.
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Điều 11. Thiết lập, duy trì trang thông tin điện tử; quản lý, sử dụng trang thiết bị tác nghiệp thông tin cơ sở, Cụm thông tin cơ sở ở địa phương
1. Trường hợp các địa phương có nhu cầu thiết lập Trang thông tin điện tử về giảm nghèo để cập nhật, quảng bá các ấn phẩm báo chí, sản phẩm thông tin sử dụng ngân sách nhà nước theo yêu cầu của địa phương thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử này.
2. Quản lý, vận hành phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các huyện, xã được hỗ trợ trang thiết bị tác nghiệp về quản lý, sử dụng cho công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn, đúng mục đích, có hiệu quả.
3. Quản lý, vận hành các cụm thông tin cơ sở
a) Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý, vận hành Cụm thông tin cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy hiệu quả các thiết bị đã được đầu tư, mua sắm; đảm bảo rõ trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và đảm bảo an toàn nội dung thông tin phát trên các cụm thông tin cơ sở. Các nội dung thông tin phát trên cụm thông tin cơ sở phải phù hợp với quy định của pháp luật;
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, chỉ đạo, giám sát việc xây dựng, biên tập, sản xuất nội dung thông tin phát trên cụm thông tin cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật.
1. Đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ thiết lập điểm tuyên truyền cổ động cố định (Bảng tin công cộng) do cấp xã thực hiện: Căn cứ thực tế quy mô, hình thức và kinh phí thực hiện, các xã quyết định bố trí lồng ghép thành hạng mục của dự án đầu tư khác hoặc quyết định hình thức thực hiện theo thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Các nội dung khác của Dự án (ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này): Căn cứ thực tế, cơ quan được giao kinh phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương thức tổ chức triển khai nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
1. Cơ quan Trung ương thực hiện
a) Khảo sát nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin cơ sở, xây dựng Chương trình khung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin cơ sở: Do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện;
b) Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo: Do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện. Riêng nội dung tập huấn cho phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện;
c) Sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền có nội dung phù hợp với phạm vi toàn quốc hoặc vùng miền: Do các cơ quan Trung ương tham gia Dự án thực hiện.
2. Các địa phương thực hiện
a) Xây dựng bổ sung nội dung tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu đặc thù của địa phương;
b) Sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền theo yêu cầu của địa phương, thiết lập Bảng tin công cộng, tổ chức hoạt động thông tin, truyền thông cổ động tại địa phương;
c) Đối với hoạt động tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực:
Địa phương được phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền chung cho khu vực, xây dựng kế hoạch triển khai gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thỏa thuận trước khi triển khai, thực hiện. Kế hoạch của địa phương phải thể hiện được một số nội dung chính sau: Sự cần thiết; nội dung chủ đề; hình thức thông tin, tuyên truyền; quy mô, phạm vi; phương án phát hành, đăng tải, phát sóng (bao gồm cả ở các địa phương khác thuộc khu vực được hưởng thụ sản phẩm); kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện; phân tích hiệu quả.
3. Đối với việc đầu tư, mua sắm thiết bị chuyên ngành, thiết lập cụm thông tin cơ sở, hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho hộ nghèo
a) Căn cứ quy định tại các Điều 5, 6 và 9 Thông tư này, các địa phương xác định đối tượng, nhu cầu và xây dựng kế hoạch thực hiện (chi tiết theo từng năm) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp. Căn cứ đề xuất của của các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo quy định.
Nội dung đề xuất kế hoạch thực hiện của địa phương phải thể hiện được một số nội dung chính sau: Sự cần thiết, địa điểm, quy mô thực hiện; nguồn kinh phí thực hiện; kế hoạch triển khai; trách nhiệm bố trí kinh phí để duy trì, vận hành; công tác phối hợp giữa các đơn vị ở địa phương; nhiệm vụ quản lý, duy trì, vận hành cụm thông tin cơ sở sau khi thiết lập, hiệu quả về truyền thông của việc thiết lập.
b) Việc triển khai thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 5, 6 và 9 Thông tư này và tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan.
4. Để tránh chồng chéo trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, các Bộ, cơ quan Trung ương được giao kinh phí thực hiện hoạt động “Giảm nghèo về thông tin” có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất về chủ đề, nội dung, hình thức tuyên truyền, quy mô, phạm vi, đối tượng thụ hưởng trước khi triển khai thực hiện.
1. Kế hoạch thực hiện Dự án cả giai đoạn 2016 - 2020
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương căn cứ tình hình thực tế, nội dung hoạt động của Dự án để lập kế hoạch thực hiện Dự án cả giai đoạn 2016 - 2020 gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 31/7/2017. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, tổng hợp kế hoạch và đề xuất giải pháp thực hiện Dự án gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đối với các địa phương, khi lập kế hoạch ngoài việc căn cứ nội dung Dự án, tình hình thực tế của địa phương, cần đảm bảo thực hiện quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế quản lý đầu tư, tài chính của Dự án để lập kế hoạch thực hiện Dự án giai đoạn 2016 - 2020.
2. Kế hoạch thực hiện Dự án hằng năm
Hằng năm, trước ngày 31 tháng 7, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án năm tiếp theo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, tổng hợp kế hoạch và đề xuất giải pháp thực hiện gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
3. Kế hoạch thực hiện Dự án nêu tại khoản 1, 2 Điều này theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Kế hoạch thực hiện Dự án phải kèm theo thuyết minh cụ thể về sự cần thiết; mục tiêu; nội dung thực hiện Dự án; địa bàn, đối tượng thụ hưởng; nhu cầu kinh phí, căn cứ xác định và nguồn kinh phí để thực hiện.
4. Phân bổ kế hoạch thực hiện Dự án:
Hàng năm, các cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện Dự án tổng hợp và gửi báo cáo phân bổ kế hoạch thực hiện Dự án theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trước ngày 31/3 năm kế hoạch.
1. Các Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện Dự án có trách nhiệm bố trí kinh phí bổ sung, lồng ghép việc thực hiện Dự án với các hoạt động khác để thực hiện các nội dung của Dự án.
2. Các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng thực hiện các nội dung của Dự án theo quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Trách nhiệm quản lý, chỉ đạo trực tiếp các nội dung của Dự án:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin;
c) Các Bộ, cơ quan Trung ương: Căn cứ tình hình thực tế, quyết định giao đơn vị chủ trì thực hiện nội dung Dự án;
d) Ở địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất; trong đó:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo.
- Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin.
2. Theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện Dự án:
a) Theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Dự án thực hiện thông qua các hình thức báo cáo:
- Báo cáo kế hoạch, báo cáo kết quả phân bổ và sử dụng nguồn vốn, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và huy động các nguồn vốn huy động thực hiện Dự án của các Bộ, ngành, địa phương.
- Thực hiện báo cáo, đánh giá theo hệ thống chỉ số đánh giá thực hiện Dự án theo quy định.
b) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện Dự án.
c) Tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Dự án.
d) Trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Dự án:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá nội dung hoạt động truyền thông về giảm nghèo, lập báo cáo theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện nội dung này của Dự án;
- Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá nội dung hoạt động giảm nghèo về thông tin của Dự án và tổng hợp chung báo cáo theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện toàn bộ Dự án;
- Các Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện Dự án tổ chức phân công việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện Dự án trong phạm vi mục tiêu, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện.
1. Báo cáo giám sát, báo cáo kết quả thực hiện Dự án được thực hiện định kỳ 6 tháng, cả năm, giữa kỳ và cuối kỳ. Nội dung, mẫu biểu báo cáo theo Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Báo cáo ước thực hiện 6 tháng: chậm nhất là 05 tháng 7 cùng năm;
- Báo cáo cả năm: chậm nhất là 05 tháng 3 năm sau;
- Báo cáo giữa kỳ: chậm nhất ngày 05 tháng 12 năm 2018;
- Báo cáo cuối kỳ: chậm nhất ngày 05 tháng 9 năm 2020.
2. Trách nhiệm báo cáo và nơi nhận báo cáo:
Các cơ quan Trung ương, các địa phương thực hiện Dự án có trách nhiệm báo cáo bao gồm:
a) Cơ quan Trung ương được giao kinh phí thực hiện Dự án gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Các cơ quan ở địa phương được giao kinh phí thực hiện Dự án gửi báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông;
c) Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo ở địa phương gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan ở địa phương theo quy định;
d) Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo gửi Cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2017.
2. Các cơ quan, đơn vị đã quản lý thực hiện nội dung Dự án 4 năm 2016 theo Thông tư liên tịch số 225/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 26/12/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.