Thông tư 04/2014/TT-BGTVT Quy định điều kiện và thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải
26-03-2014
17-04-2014
15-05-2014
Bộ Giao thông vận tải Số: 04/2014/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2014 |
Thông tư
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU PHÁO HIỆU CHO AN TOÀN HÀNG HẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Theo đề nghị của Vụ trường Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định điều kiện và thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về điều kiện và thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải (sau đây gọi tắt là Giấy phép).
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải.
Pháo hiệu dùng cho an toàn hàng hải bao gồm: pháo hiệu dù, đuốc cầm tay và tín hiệu khói nổi thỏa mãn các quy định nêu trong Chương III của Bộ luật quốc tế về trang bị cứu sinh của Tổ chức Hàng hải quốc tế (Bộ luật LSA).
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải phải đáp ứng những điều kiện sau:
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư), trong đó có ngành nghề kinh doanh liên quan đến phương tiện, vật tư, thiết bị ngành hàng hải, đóng tàu.
2. Có Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu dùng cho an toàn hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Nghị quyết MSC.81(70) ngày 11 tháng 12 năm 1998 của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải, trong đó ghi rõ chủng loại, số lượng, nước sản xuất, quy cách sản phẩm, đặc điểm và công dụng, ký mã hiệu, thời hạn sử dụng của từng loại; thời hạn nhập khẩu;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư);
c) Bản dịch có chứng thực Giấy chứng nhận xuất xứ của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu dùng cho an toàn hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Nghị quyết MSC.81(70) ngày 11 tháng 12 năm 1998 của Tổ chức Hàng hải quốc tế;
d) Báo cáo của tổ chức, cá nhân về tình hình thực hiện Giấy phép nhập khẩu của năm trước đó và bản theo dõi Giấy phép nhập khẩu của Chi cục Hải quan cửa khẩu (nếu có).
2. Bộ Giao thông vận tải kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định thì gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng (hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng ủy quyền) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng, nếu Bộ Quốc phòng đồng ý, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân đề nghị. Trường hợp kể từ thời điểm hết hạn gửi văn bản tham gia ý kiến theo quy định tại khoản này mà không nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải căn cứ nhu cầu thực tế của tổ chức, cá nhân, quyết định việc cấp Giấy phép. Nếu không đồng ý cấp, Bộ Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do việc không cấp Giấy phép.
3. Bộ Giao thông vận tải không cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải trong các trường hợp sau:
a) Các loại pháo hiệu cho an toàn hàng hải đã hết thời hạn sử dụng hoặc Giấy chứng nhận xuất xứ của pháo hiệu cho an toàn hàng hải do cơ quan không có thẩm quyền cấp.
b) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có dấu hiệu giả mạo.
c) Bộ Quốc phòng không đồng ý.
d) Bộ Giao thông vận tải có các lý do rõ ràng, hợp lý từ chối việc cấp Giấy phép.
4. Thời hạn hiệu lực của Giấy phép: theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, nhưng không kéo dài sang năm kế tiếp của năm cấp Giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2014 và thay thế Quyết định số 20/2006/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu cho an toàn hàng hải.
1. Vụ Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan tham mưu thực hiện việc cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.