THÔNG BÁO
ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG
BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM VÁN SỢI BẰNG GỖ HOẶC BẰNG CÁC LOẠI VẬT LIỆU
CÓ CHẤT GỖ KHÁC CÓ XUẤT XỨ TỪ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN VÀ MA-LAI-XI-A
(Kèm theo Quyết định số 940/QĐ-BCT ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương)
1. Thông
tin cơ bản
Ngày 23
tháng 10 năm 2018, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương nhận được Hồ
sơ yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số
sản phẩm ván sợi bằng gỗ hoặc bằng các loại vật liệu có chất gỗ khác, đã hoặc
chưa ghép lại bằng keo hoặc bằng các chất kết dính hữu cơ khác, chưa phủ mặt và
chưa gia công1
có các mã HS 4411.12.00, 4411.13.00, 4411.14.00, 4411.92.00, 4411.93.00,
4411.94.00 (“hàng hóa bị điều tra”) có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (Thái
Lan) và Ma-lai-xi-a (Malaysia). Bên yêu cầu trong vụ việc là đại diện của ngành
sản xuất trong nước, gồm 04 công ty: (i) Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha;
(ii) Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang; (iii) Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG
Quảng Trị; và (iv) Công ty Cổ phần Kim Tín MDF.
Cục PVTM đã
có công văn số 963/PVTM-P1 ngày 06 tháng 11 năm 2018 và công văn số 48/PVTM-P1
ngày 16 tháng 01 năm 2019 yêu cầu Bên yêu cầu bổ sung hồ sơ. Ngày 27 tháng 01
năm 2019, Bên yêu cầu đã bổ sung đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Căn cứ
khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (sau đây gọi
tắt là Nghị định 10/2018/NĐ-CP), ngày 01 tháng 02 năm 2019, Cơ quan điều tra có
công văn số 105/PVTM-P1 xác nhận hồ sơ đề nghị đã hợp lệ và đầy đủ các nội dung
được quy định tại Điều 28 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Căn cứ quy
định tại khoản 5 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương, ngày 01 tháng 02 năm 2019,
Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại sứ quán Thái Lan và Đại sứ quán Malaysia tại
Việt Nam thông báo về việc nhận được hồ sơ đề nghị đầy đủ và hợp lệ.
Ngày 18
tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 623/QĐ-BCT về việc gia
hạn thời hạn ra quyết định điều tra vụ việc thêm 30 ngày.
Theo quy
định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng
biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra xác định rằng:
- Bên yêu
cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho
ngành sản xuất trong nước; và
- Có bằng
chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho
ngành sản xuất trong nước.
Cơ quan
điều tra đã lấy ý kiến chuyên môn của một số đơn vị như Bộ Xây dựng (Vụ Vật
liệu xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam về
vấn đề sản phẩm và thông tin về ngành sản xuất trong nước.
Căn cứ Điều
70 Luật Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ
thương mại và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp
dụng biện pháp chống bán phá giá, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ
thương mại (Cơ quan điều tra), Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tiến hành
điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ
Vương quốc Thái Lan và Malaysia (mã vụ việc AD06).
2. Nội
dung điều tra
Các nội
dung điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại
thương về nội dung điều tra áp dụng biện pháp CBPG và Điều 32 Nghị định
10/2018/NĐ-CP về quyết định điều tra áp dụng CBPG, cụ thể như sau:
2.1.
Hàng hóa bị điều tra
a) Mô
tả hàng hóa:
Hàng hóa bị
điều tra là một số mặt hàng ván sợi bằng gỗ hoặc bằng các loại vật liệu có chất
gỗ khác, đã hoặc chưa ghép lại bằng keo hoặc bằng các chất kết dính hữu cơ khác
chưa phủ bề mặt và chưa được gia công tạo hình, được phân loại theo các mã HS
như sau:
Mã số | Mô tả hàng hóa | Thuế ưu đãi | ATIGA |
Phần IX | GỖ VÀ CÁC MẶT HÀNG BẰNG GỖ; THAN TỪ GỖ; LIE VÀ CÁC SẢN PHẨM LÀM BẰNG LIE;
CÁC SẢN PHẨM TỪ RƠM, CÓ GIẤY HOẶC CÁC VẬT LIỆU TẾT, BỆN KHÁC; CÁC SẢN PHẨM
BẰNG LIỄU GAI VÀ SONG MÂY | | |
Chương 44 | Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ | | |
4411 | Ván sợi bằng gỗ hoặc bằng các loại vật liệu có chất gỗ khác, đã hoặc chưa
ghép lại bằng keo hoặc bằng các chất kết dính hữu cơ khác. | | |
| - Ván sợi có tỷ trọng trung bình (MDF): | | |
4411.12.00 | - - Loại có chiều dày không quá 5 mm | 8% | 0% |
4411.13.00 | - - Loại có chiều dày trên 5 mm nhưng không quá 9 mm | 8% | 0% |
4411.14.00 | - - Loại có chiều dày trên 9 mm | 8% | 0% |
| - Loại khác: | | |
4411.92.00 | - - Có tỷ trọng trên 0,8 g/cm3 | 8% | 0% |
4411.93.00 | - - Có tỷ trọng trên 0,5 g/cm3 nhưng không quá 0,8 g/cm3 | 8% | 0% |
4411.94.00 | - - Có tỷ trọng không quá 0,5 g/cm3 | 8% | 0% |
b)
Xuất xứ của hàng hóa bị điều tra: Thái Lan và Malaysia
2.2. Tóm
tắt thông tin về hành vi bán phá giá và thiệt hại
a) Kết
quả thẩm định hồ sơ yêu cầu
Căn cứ vào
hồ sơ yêu cầu và các nguồn thông tin tự thu thập, theo quy định tại Điều 79
Luật Quản lý ngoại thương, Cơ quan điều tra xét thấy:
(i) Về điều
kiện nộp hồ sơ: Sản lượng của Bên yêu cầu và sản lượng của cả Bên yêu cầu và
bên ủng hộ vụ việc lần lượt chiếm 69,06% và 84,42% tổng sản lượng hàng hóa
tương tự sản xuất trong nước trong nước, do đó được xác định đủ điều kiện được
coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước và điều kiện đứng đơn.
(ii) Về
hành vi bán phá giá: Bên yêu cầu cung cấp các cơ sở hợp lý để tính toán biên độ
bán phá giá của hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia.
(iii) Về
thiệt hại: Bên yêu cầu cung cấp được các thông tin hợp lý chứng minh dấu hiệu
về thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, cụ thể như sau:
- Có sự gia
tăng tương đối về lượng nhập khẩu hàng hóa đề nghị điều tra từ Thái Lan và
Malaysia so với tổng tiêu thụ trong nước và xu hướng, khả năng gia tăng sản
phẩm đề nghị điều tra trong thời gian tới;
- Tác động
ép giá của hàng nhập khẩu đối với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;
- Có dấu
hiệu cho thấy sự suy giảm/dấu hiệu tiêu cực trong một số chỉ số của ngành sản
xuất trong nước như: tốc độ tăng trưởng bán hàng; lợi nhuận; tỷ suất lợi nhuận;
tiền lương; công suất thực tế; tồn kho.
Bên cạnh
các chỉ số như trên, một số yếu tố đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất
trong nước đã bắt đầu xuất hiện như: một số nhà máy
nhỏ phải thu hẹp sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động, khả năng sản xuất dư thừa
của các nước xuất khẩu bị điều tra đang gia tăng.
(iv) Về mối
quan hệ nhân quả: Hồ sơ của Bên yêu cầu chứng minh có tồn tại mối quan hệ nhân
quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất
trong nước.
Do đó, Cơ
quan điều tra xác định Hồ sơ của Bên yêu cầu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện
theo quy định pháp luật chống bán phá giá và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương
quyết định tiến hành khởi xướng điều tra.
b) Thời
kỳ điều tra (POI):2
- Thời kỳ
điều tra xác định hành vi bán phá giá: từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31
tháng 12 năm 2018.
- Thời kỳ
điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước:
Năm 1: từ
ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015;
Năm 2: từ
ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016;
Năm 3: từ
ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017;
Năm 4: từ
ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018.
c) Đề
xuất về mức thuế của Bên yêu cầu:3
Bên yêu cầu
đề nghị áp dụng thuế CBPG đối với hàng hóa bị điều tra ở mức 50,6% đối với hàng
hóa có xuất từ Thái Lan và 18,59% đối với hàng hóa có xuất từ Malaysia.
3. Trình
tự, thủ tục điều tra
3.1.
Đăng ký bên liên quan
a) Căn cứ
Điều 5 Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương
mại (sau đây gọi là Thông tư 06/2018/TT-BCT), tổ chức, cá nhân quy định tại
Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ
việc với Cơ quan điều tra để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá
trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến
nội dung điều tra được nêu tại Thông báo này.
b) Tổ chức,
cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại
Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 06/2018/TT-BCT và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa
chỉ được nêu tại Thông báo này trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ban
hành quyết định điều tra bằng cách gửi công văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký
bên liên quan theo một trong hai phương thức sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư
điện tử.
c) Để đảm
bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Cơ quan điều tra khuyến nghị các tổ
chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên
liên quan để thực hiện quyền tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và bày tỏ
quan điểm trong quá trình điều tra của vụ việc.
3.2. Bản
câu hỏi điều tra
Căn cứ Điều
35 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:
Trong thời
hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi
bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng sau đây:
- Bên nộp
hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG;
- Các nhà
sản xuất trong nước khác;
- Bên bị đề
nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG;
- Các nhà
nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;
- Cơ quan
đại diện ngoại giao của quốc gia nơi xuất xứ của hàng hóa bị điều tra;
- Các bên
liên quan khác mà Cơ quan điều tra cho là cần thiết.
3.3.
Chọn mẫu điều tra
Trong
trường hợp số lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu và
nhà sản xuất trong nước quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị yêu cầu áp dụng
biện pháp CBPG quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra. Việc
giới hạn phạm vi điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định
10/2018/NĐ-CP.
3.4.
Tiếng nói và chữ viết
a) Tiếng nói
và chữ viết dùng trong quá trình điều tra là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền
dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có biên
dịch và phiên dịch.
b) Các
thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải
được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác
và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
3.5. Bảo
mật thông tin
Cơ quan
điều tra thực hiện việc bảo mật thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 75
Luật Quản lý ngoại thương và Điều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
3.6. Hợp
tác trong quá trình điều tra
Căn cứ Điều
10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:
a) Bất kỳ
bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần
thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận
điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên các cơ sở thông tin sẵn có.
b) Bất kỳ
bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì
các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận điều tra đối với bên liên
quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.
c) Các bên
liên quan không hợp tác sẽ không được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng
vệ thương mại theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
d) Cơ quan
điều tra khuyến nghị các bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình
vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
4. Các
biện pháp tạm thời
4.1.
Quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra
Kể từ khi
có quyết định điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện
pháp CBPG, Cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu
đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp CBPG để phục vụ công tác điều
tra. Việc khai báo nhập khẩu không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá
hàng hóa nhập khẩu.
Trình tự
thủ tục thực hiện quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện
theo quy định tại Điều 8 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Đơn khai báo tại Phụ lục 2
Thông tư 06/2018/TT-BCT. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường
hợp áp dụng biện pháp này.
4.2. Áp
dụng thuế CBPG tạm thời
Căn cứ kết
luận điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương
quyết định việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Điều 81 Luật Quản
lý ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời
không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.
5. Tham
vấn
Các bên
liên quan có quyền yêu cầu tham vấn riêng với Cơ quan điều tra theo quy định
tại Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP với điều kiện việc tham vấn này không ảnh
hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc.
Trước khi
kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các
bên liên quan. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức tham
vấn cho các bên liên quan chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày tổ chức tham
vấn. Việc tổ chức phiên tham vấn công khai được thực hiện theo thủ tục quy định
tại Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
6. Áp
dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước
a) Trong
trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng
kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ
trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về
trước;
b) Thuế CBPG
được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn
chín mươi (90) ngày trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu
được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá
nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành
điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng
khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
7. Thông
tin liên hệ
Cục Phòng
vệ thương mại - Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25
Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại:
+84(24)73037898
Thư điện
tử:
-
giaovq@moit.gov.vn (Cán bộ điều tra Vũ Quỳnh Giao)
-
trangntph@moit.gov.vn (Cán bộ điều tra Nguyễn Thị Phượng Trang)
Quyết định
và Thông báo về việc điều tra có thể truy cập và tải xuống tại trang thông tin
điện tử của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn;
hoặc Cục
Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc www.pvtm.gov.vn.
1 Cơ quan điều tra xác định phạm vi sản phẩm cho phù hợp với mô tả mã HS theo
Biểu thuế hải quan. Việc xác định phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp CBPG
chính xác (nếu có) sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra chính thức vụ việc.
2 Đây là thời kỳ Cơ quan điều tra thu thập các thông tin, số liệu để xác định
sự tồn tại của hành vi bán phá giá, sự tồn tại của thiệt hại hoặc đe dọa gây
thiệt hại hoặc sự ngăn cản một cách đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất
trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại nêu
trên.
3 Mức thuế này là cáo buộc của Bên yêu cầu, không phải là kết luận của Cơ
quan điều tra.