Quyết định 748/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025 do Th
22-06-2023
22-06-2023
Thủ tướng Chính phủ Số: 748/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2023 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN SAU CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh;
Thực hiện các Quyết định: Số 504/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; số 701/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại các Tờ trình số 4265/TTr-BQP ngày 06 tháng 12 năm 2022 và số 1923/TTr-BQP ngày 10 tháng 6 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và hạn chế cơ bản những ảnh hưởng của bom mìn vật nổ sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn cho nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và giúp đỡ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức
Từ mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hiện nay và kết quả sơ kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010 - 2020 đòi hỏi phải nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương cho phù hợp nhằm phát huy khả năng, huy động, sử dụng các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504).
b) Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách và quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia
- Xây dựng và ban hành Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng.
- Cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các hoạt động khắc phục bom mìn sau chiến tranh theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện trong nước.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ của các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn.
- Điều chỉnh các quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025.
- Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
- Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện phương thức quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh theo nguyên tắc chủ động.
- Nghiên cứu tổng kết Chương trình 504 giai đoạn 2010 - 2025, đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2025 - 2045 định hướng đến 2050.
c) Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế vận động tài trợ
- Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG) nhằm chủ động vận động tài trợ các nguồn lực quốc tế.
- Mở rộng quan hệ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, chủ động hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn có nguyện vọng vào hoạt động ở Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 nhằm thu hút nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các nhà tài trợ quốc tế cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
- Nghiên cứu lồng ghép các mục tiêu rà phá bom mìn vào những hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác như cải thiện nguồn nước, nguồn đất, những dự án hướng tới phát triển xanh và bền vững.
d) Nghiên cứu phát triển
- Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn theo tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế.
- Tăng số lượng nhân lực trong lĩnh vực điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, giáo dục nguy cơ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
- Tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, chế tạo trang thiết bị phục vụ rà phá và xử lý bom mìn vật nổ.
đ) Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu bom mìn quốc gia
Triển khai hoạt động điều tra, khảo sát ô nhiễm bom mìn (giai đoạn 2) và thu thập thông tin, dữ liệu để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về các vùng ô nhiễm, các khu vực đã dò tìm xử lý bom mìn, dữ liệu nạn nhân bom mìn và các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên phạm vi toàn quốc.
e) Rà phá bom mìn
Triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân, chỉ tiêu khoảng 500 nghìn hec-ta.
g) Tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
- Tích cực triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.
- Thực hiện Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ bom mìn thống nhất và hiệu quả.
- Lập và triển khai thực hiện các dự án tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tại các địa phương ô nhiễm nặng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi.
h) Hỗ trợ nạn nhân bom mìn
- Nghiên cứu, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển dịch vụ công về công tác xã hội và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn; nghiên cứu, xây dựng và nâng cấp phần mềm đăng ký và quản lý thông tin nạn nhân bom mìn, bảo đảm cơ sở hạ tầng đáp ứng quản lý cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn; hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình sinh kế, đào tạo nghề, việc làm cho nạn nhân bom mìn và gia đình nạn nhân bom mìn; nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên về công tác hỗ trợ nạn nhân, người dân trên địa bàn bị ô nhiễm; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, đường dây tư vấn hotline cho các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội phục vụ tư vấn, tiếp nhận và trợ giúp nạn nhân bom mìn; hỗ trợ một số cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng trợ giúp nạn nhân bom mìn.
- Đầu tư nâng cấp ít nhất 05 cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng khu vực, xây dựng tối thiểu 15 mô hình trạm y tế cấp xã trợ giúp nạn nhân bom mìn (ưu tiên tại các vùng bị ô nhiễm nặng); tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế bền vững. Nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và nhân viên chỉnh hình, phục hồi chức năng hỗ trợ nạn nhân bom mìn; xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
3. Số lượng và danh mục nhiệm vụ cụ thể: Tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
4. Tiến độ thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2025.
5. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước (chi đầu tư và chi thường xuyên) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, phù hợp với khả năng cân đối trong từng thời kỳ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định về phân cấp.
- Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo quy định của pháp luật.
6. Giải pháp thực hiện
a) Về tổ chức và quản lý thực hiện kế hoạch
- Xây dựng ban hành quy chế, giao trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan quản lý, cơ quan điều phối, cơ quan và đơn vị thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
- Tổ chức điều hành hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh một cách chủ động trên cơ sở quản lý các khu vực ô nhiễm.
b) Về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực
- Xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn vốn ODA để thúc đẩy tiến độ triển khai Chương trình 504.
- Đầu tư ngân sách trực tiếp cho Chương trình 504 để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thông qua các kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương. Thực hiện xã hội hóa nguồn lực (ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ quốc tế, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước) để thực hiện Chương trình.
- Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.
- Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định liên quan quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quy định về quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
c) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn trong nhân dân để hạn chế ảnh hưởng của bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Tăng cường và mở rộng các hình thức thông tin tuyên truyền về thành tựu và nhu cầu khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để tranh thủ sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.
d) Mở rộng hợp tác quốc tế
- Đưa nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào các chương trình nghị sự, các cuộc họp, làm việc cấp cao, các diễn đàn song phương và đa phương. Tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương đối với vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức như trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển. Tăng cường thể chế hóa sự hỗ trợ của các nước và đối tác tiềm năng trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ thông qua việc ký kết các văn bản hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
đ) Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
- Tăng cường tiềm lực cho các cơ sở nghiên cứu và các đơn vị huấn luyện để nghiên cứu, chế tạo các thiết bị nâng cao hiệu suất và bảo đảm an toàn trong hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao và phát triển công nghệ dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ, quản lý thông tin dữ liệu và quy trình rà phá bom mìn.
1. Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
- Quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ trên toàn quốc.
- Nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu, các cơ sở sản xuất phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo trang thiết bị rà phá và xử lý bom mìn, tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc Chương trình 504.
- Xây dựng chiến lược quốc gia về truyền truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ.
- Tổ chức điều hành hoạt động Nhóm MAPG nhằm vận động tài trợ cho thực hiện chương trình, kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện Chương trình 504 báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Tổ chức xây dựng và ban hành Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các hoạt động khắc phục bom mìn sau chiến tranh; điều chỉnh các quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình hành động quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện phương thức quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh theo nguyên tắc chủ động.
- Nâng cao năng lực toàn diện cho Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC). Chỉ đạo VNMAC tổng hợp, quản lý, điều phối thực hiện kế hoạch, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và vận động tài trợ.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai vận động, đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế được giao và tổ chức tiếp nhận các nguồn lực thực hiện kế hoạch.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn trên toàn quốc. Phối hợp với VNMAC để thường xuyên cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.
- Tổ chức hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ của các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
3. Bộ Ngoại giao
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành, địa phương liên quan đưa nội dung hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Chính phủ và các tổ chức quốc tế hoặc các diễn đàn quốc tế, khu vực phù hợp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và VNMAC trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền quốc tế về Chương trình 504 để tạo sự đồng thuận trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tham gia của Việt Nam vào các công ước quốc tế có liên quan.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Tổng hợp các dự án thuộc Chương trình 504 vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ quốc tế; chủ trì xây dựng chính sách thu hút ODA phục vụ thực hiện Chương trình 504.
- Đưa các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VNMAC cân đối, bố trí các nguồn vốn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, bảo đảm thực hiện Chương trình giai đoạn 2023 - 2025.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan trong vận động nguồn tài trợ quốc tế, bố trí vốn đối ứng hỗ trợ thực hiện kế hoạch đã phê duyệt.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các nhà tài trợ duy trì hoạt động của Nhóm MAPG để thực hiện chiến lược vận động tài trợ.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
5. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng cân đối, bố trí ngân sách nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để thực hiện kế hoạch; bố trí kinh phí cho hoạt động thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 701, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và VNMAC.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng định hướng, cơ chế, kế hoạch huy động các nguồn lực thực hiện kế hoạch; tham gia đề xuất ký kết các nguồn vốn vay, vay ưu đãi để thực hiện kế hoạch theo quy định hiện hành.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về công tác khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh; ứng dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền về Chương trình 504, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
7. Bộ Công an
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ triển khai nhiệm vụ của Chương trình 504 theo kế hoạch. Bảo đảm về mặt an ninh đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các đối tượng lợi dụng việc triển khai khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh để xâm phạm an ninh, trật tự.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khi có tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh xảy ra, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bom mìn vật nổ sau chiến tranh gây ra.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động và phối hợp với cơ quan quân sự từ cấp huyện, đơn vị quân đội cấp Trung đoàn trở lên trong tổ chức thu gom bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh do người dân giao nộp.
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh theo thẩm quyền.
8. Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ ngành liên quan tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác và vận động các nguồn tài trợ phi chính phủ nước ngoài thực hiện kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân các nước, bạn bè tiến bộ quốc tế, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
9. Các bộ ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện các dự án, nhiệm vụ liên quan của Chương trình 504.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Đưa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và thực hiện hỗ trợ đối với các nạn nhân bom mìn theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với VNMAC xây dựng, rà soát, điều chỉnh nhu cầu khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại địa phương phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh và phối hợp với VNMAC để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương hàng năm theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn tại địa phương.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành liên quan xúc tiến công tác vận động tài trợ nước ngoài thực hiện kế hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại địa phương để bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
- Tổ chức, triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành liên quan thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo 701, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và VNMAC chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.