Quyết định 626/QĐ-VPCP Phê duyệt Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia
626/QĐ-VPCP
Quyết định
Còn hiệu lực
01-08-2019
01-08-2019
Văn phòng Chính phủ Số: 626/QĐ-VPCP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRỤC LIÊN THÔNG VĂN BẢN QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kếhoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;
Căn cứ Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;
Căn cứ Quyết định số 43/QĐ-VPCP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ năm 2019;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính,
QUYẾTĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia, với những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Cung cấp giải pháp tổng thể tích hợp, liên thông dữ liệu văn bản từ các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của các bộ, ngành, địa phương, là tiền để để xây dựng, phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ và các cơ quan hành chính các cấp, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý văn bản, công việc trên môi trường điện tử.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giảm thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, giảm 80% thời gian gửi, nhận văn bản giữa các bộ, ngành, địa phương.
b) Năm 2019, kết nối 100% các hệ thống phần mềm QLVB&ĐH của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức Chính trị, Xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện công nghệ, kỹ thuật theo quy định.
c) Đến tháng 6 năm 2020, theo lộ trình thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, các hệ thống QLVB&ĐH nội bộ của các bộ, ngành, địa phương liên thông, kết nối với nhau, kết nối tới Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; phấn đấu 100% văn bản điện tử liên thông gửi, nhận 04 cấp chính quyền.
d) Hình thành cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, ứng dụng, bảo mật thông tin phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử hướng tới hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong năm 2019 (được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 03 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025)
e) Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối tới hệ thống tham vấn chính sách, hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, HTTT báo cáo quốc gia, bảo đảm dữ liệu được tích hợp, chia sẻ giữa các HTTT (khi các hệ thống này đã sẵn sàng).
3. Phạm vi của Đề án
Hệ thống được triển khai phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật, công nghệ quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI TRỤC LIÊN THÔNG VĂN BẢN QUỐC GIA (HỆ THỐNG)
1. Yêu cầu về kiến trúc Hệ thống
- Hệ thống được thiết kế nhằm kết nối tất cả các Hệ thống QLVB&ĐH của các bộ, ngành, địa phương; có khả năng chịu tải bảo đảm liên thông văn bản điện tử bốn cấp hành chính trên quy mô toàn quốc. Trường hợp các bộ, ngành, địa phương đã có Hệ thống QLVB&ĐH thống nhất, thực hiện kết nối, liên thông với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia. Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa triển khai kết nối liên thông 4 cấp có thể kết nối các Hệ thống QLVB&ĐH của các đơn vị trực thuộc trực tiếp trên Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
- Hệ thống được thiết kế độc lập nhằm mục đích cho phép các phần mềm quản lý văn bản với nhiều kiến trúc, nền tảng và chuẩn giao tiếp khác nhau có thể liên kết trao đổi thông tin với nhau theo mô hình phân tán nhằm linh hoạt trong quá trình triển khai.
- Hệ thống cung cấp kênh truyền dữ liệu, dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn và an toàn đồng thời có thể chuyển đổi thành nhiều loại dữ liệu đích cho các dịch vụ khác nhau khai thác.
- Hệ thống hỗ trợ cho phép gửi Fax văn bản đến các hệ thống máy Fax của các bộ, ngành, địa phương trong trường hợp xảy ra lỗi trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử.
- Hệ thống có khả năng đáp ứng hiệu năng cao, ổn định và khả năng mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng số lượng kết nối.
2. Yêu cầu về khả năng mở rộng kết nối liên thông
- Hệ thống có khả năng mở rộng kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu cho các HTTT, CSDL quốc gia, hệ thống CSDL chuyên ngành khác khi có yêu cầu kết nối.
3. Yêu cầu về tổ chức kết nối liên thông
- Hệ thống cho phép kết nối trực tiếp đến các phần mềm QLVB&ĐH của các đơn vị trực thuộc của các bộ, ngành, địa phương để gửi, nhận văn bản liên thông.
- Hệ thống cho phép kết nối tới các hệ thống trung gian, trục tích hợp nội bộ của các bộ, ngành, địa phương để gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cấp chính quyền.
- Hệ thống cho phép truyền tải văn bản điện tử kịp thời từ bên gửi tới bên nhận trong khoảng thời gian nhanh nhất (tối đa 03 phút giữa 02 hệ thống phần mềm QLVB&ĐH).
- Hệ thống bảo đảm tính xác thực, toàn vẹn, an toàn thông tin dữ liệu của văn bản điện tử được khởi tạo từ bên gửi, bảo đảm bên nhận nhận đúng thông tin gửi.
- Hệ thống hỗ trợ tính năng định tuyến để gửi, nhận văn bản điện tử đúng cấp hành chính và đúng thẩm quyền; bảo đảm phát hiện, xử lý gói tin lặp, gói tin bất thường; hỗ trợ chức năng lọc để bảo đảm không có các văn bản điện tử không phù hợp, có nguy cơ mất an toàn an ninh được chuyển qua Hệ thống.
- Hệ thống hỗ trợ chức năng ghi lịch sử tất cả các giao dịch; có giải pháp, công cụ thu thập, xác thực, chứng thực, phân tích để đưa ra các cơ sở, chứng cứ nhằm phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, kiểm chứng dữ liệu, nguồn gốc, phát hiện các thay đổi, lỗi xảy ra; chống chối bỏ, phủ nhận dữ liệu gửi, nhận văn bản.
- Hệ thống cung cấp giải pháp lưu trữ tạm thời văn bản điện tử và thông tin liên quan theo quy định; dữ liệu lưu trữ phải bảo đảm đúng khuôn dạng được khởi tạo trong quá trình gửi, nhận; được dùng để tham chiếu trong những trường hợp cần thiết như kiểm chứng, đối chiếu, xác định bên gửi, bên nhận, thời gian gửi, nhận văn bản.
4. Yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin
- Hệ thống bảo đảm đáp ứng khả năng an toàn, bảo mật theo nhiều mức (hạ tầng, hệ thống, định danh đơn vị, cá nhân, xác thực đến thiết bị,...). Tất cả các truy xuất vào kênh truyền dữ liệu đều phải được an toàn, dữ liệu phải bảo đảm toàn vẹn, bảo mật trên đường truyền. Hệ thống hỗ trợ cơ chế bảo vệ dữ liệu; có hiệu năng cao, không bị trễ và chạy ổn định.
- Đồng bộ thời gian gửi, nhận văn bản điện tử giữa các Hệ thống QLVB&ĐH của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ theo múi giờ Việt Nam (Tiêu chuẩn ISO 8601).
- Áp dụng các công nghệ xác thực, cơ chế kiểm soát quyền truy cập và cơ chế ghi lịch sử hoạt động của Hệ thống để quản lý, sẵn sàng cho kiểm tra, kiểm soát khi cần thiết.
- Hệ thống hỗ trợ công cụ theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, an ninh thông tin.
- Áp dụng giải pháp phân tích, đánh giá, đưa ra phương án khắc phục sự cố mất an toàn an ninh thông tin với thời gian nhanh nhất.
- Triển khai các biện pháp, giải pháp phòng chống mã độc; áp dụng các biện pháp hành chính, kỹ thuật để tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát trong gửi, nhận văn bản điện tử. Có cơ chế kiểm soát, giới hạn phạm vi truy cập của các đơn vị tham gia liên thông, lập báo cáo định kỳ.
- Hệ thống được thực thi bảo vệ theo quy định của Pháp luật về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ, tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảrn an toàn HTTT theo cấp độ và các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11930:2017 được công bố kèm theo Quyết định số 2582/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 9 năm 2017;
- Phương án bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống đáp ứng các yêu cầu an toàn tối thiểu tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT, yêu cầu an toàn cơ bản tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017;
- Phương án giám sát an toàn thông tin được triển khai trước khi đưa hệ thống vào sử dụng và đáp ứng các yêu cầu an toàn quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy định hoạt động giám sát an toàn HTTT và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám định an toàn không gian mạng trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Hệ thống được kiểm tra, đánh giá và quản lý rủi ro trước khi đưa vào sử dụng, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật;
- Kế hoạch ứng phó sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Hệ thống đáp ứng các yêu cầu tại Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12 tháng 9 năm 2017;
Hệ thống Trục liên thông văn bản Quốc gia được xem xét đề xuất ở hệ thống cấp độ 4 theo phân cấp cấp độ tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2016.
5. Yêu cầu về hạ tầng thiết bị phục vụ hệ thống
Hệ thống được triển khai tại ít nhất 02 Trung tâm dữ liệu (đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước) tại 02 địa điểm khác nhau (bảo đảm tính dự phòng) của các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín; kết nối Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia đến Hệ thống QLVB&ĐH trong nội bộ các bộ, ngành, địa phương qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước (mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I); kết nối Hệ thống QLVB&ĐH trong nội bộ các bộ, ngành địa phương qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng áp II hoặc mạng diện rộng nội bộ (WAN) của các bộ, ngành, địa phương hoặc mạng Internet nếu bảo đảm các điều kiện về an toàn, an ninh thông tin; bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định 24/7.
6. Yêu câu về nghiệp vụ liên thông văn bản
Hệ thống cần đáp ứng các nghiệp vụ liên thông văn bản theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 07 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ, gồm: nghiệp vụ gửi, nhận văn bản điện tử; nghiệp vụ thu hồi văn bản; nghiệp vụ từ chối nhận (trả lại) văn bản; nghiệp vụ cập nhật, thay thế văn bản...
7. Các yêu cầu khác
- Hệ thống hỗ trợ quản lý dữ liệu lớn, dễ dàng sao lưu, phục hồi, có khả năng chịu tải lớn, hỗ trợ phân tải khi có yêu cầu.
- Hệ thống được thiết kế theo hướng các thành phần có thể được cài đặt và cập nhật độc lập.
- Hệ thống hỗ trợ thông báo (qua SMS, Email...) tới các đầu mối khi có vấn đề phát sinh liên quan đến phần mềm ứng dụng, phần cứng của các bộ, ngành địa phương cũng như tình hình liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.
III. CÁC CHỨC NĂNG CHÍNH CỦA HỆ THỐNG TRỤC LIÊN THÔNG VĂN BẢN QUỐC GIA
Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia bao gồm các chức năng theo các nhóm sau:
1. Nhóm chức năng chứng thực, xác thực: Tạo khóa; quản lý các khóa để truy cập dịch vụ của các đơn vị liên thông; dịch vụ chứng thực, kiểm tra yêu cầu truy vấn thông tin, truy cập dịch vụ.
2. Nhóm chức năng quản lý gói tin gửi, nhận: quản lý thông tin và trạng thái của các gói tin trên Hệ thống.
3. Nhóm chức năng quản lý kết nối liên thông: Quản lý danh sách các đơn vị liên thông kết nối; quản lý lịch sử kết nối của các đơn vị; quản lý thông tin, thời gian các đơn vị kết nối; theo dõi hoạt động gửi, nhận văn bản; quản lý lịch sử gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị.
4. Nhóm chức năng thống kê, báo báo: Thống kê, báo cáo số lượng, tình trạng hoạt động hạ tầng máy chủ của các đơn vị; thống kê việc gửi, nhận dữ liệu của từng đơn vị; thống kê, báo cáo thời điểm các đơn vị kết nối và ngắt kết nối tới Hệ thống.
5. Nhóm chức năng quản trị: Quản lý thông tin cá nhân; quản lý tài khoản; quản lý đơn vị kết nối; cấu hình hệ thống tham số hệ thống.
6. Nhóm chức năng cảnh báo giám sát gửi, nhận văn bản: Cho phép gửi cảnh báo (qua SMS, email...) tới các đơn vị về tình hình lỗi trong quá trình gửi, nhận văn bản; cung cấp giao diện điều khiển, giám sát hoạt động của Hệ thống cũng như các điểm kết nối tới Hệ thống để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra;
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Hoàn thành đưa vào sử dụng Trục Liên thông văn bản quốc gia trong năm 2019 (có vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức).
V. KINH PIIÍ
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí theo quy định;
- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Hình thức thực hiện: Thuê dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác xây dựng hệ thống trên cơ sở yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và cho Văn phòng Chính phủ thuê lại, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có trách nhiệm bảo mật, bảo đảm an toàn HTTT.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng quy định.
b) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ sử dụng đối với các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
c) Trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế vận hành, quản lý, sử dụng Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia khi đưa vào sử dụng.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
đ) Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương.
e) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kết nối Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia với hệ thống tham vấn chính sách, HTTT phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, HTTT báo cáo quốc gia (khi các hệ thống đã sẵn sàng).
2. Vụ Hành chính
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của
Văn phòng Chính phủ, bảo đảm phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn.
b) Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ.
3. Vụ Tổ chức cán bộ
a) Hoàn thiện Hệ thống phần mềm QLVB&ĐH phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 01/2019/TT-BNV và Thông tư 02/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ, kết nối với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia và phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong Văn phòng chính phủ.
b) Phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kết nối, liên thông HTTT phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
c) Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số cho cán bộ Lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị; các cán bộ, công chức, viên chức phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.
4. Trung tâm tin học
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giám sát an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành, triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin; xây dựng, triên khai thực hiện phương án ứng phó, khắc phục sự cố an toàn, an ninh mạng, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đối với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm an toàn Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ kết nối, liên thông các phần mềm QLVB&ĐH với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
c) Thực hiện trách nhiệm của đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của chủ quản HTTT theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ.
5. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Đầu mối phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác vận hành kỹ thuật (không bao gồm ứng dụng) Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
6. Vụ Kế hoạch Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
7. Các Vụ, Cục, đơn vị
Phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án.