Quyết định 588/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025
588/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
17-05-2019
17-05-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 588/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI HỖ TRỢ TRẺ EM CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THUỘC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2019 – 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV;
Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
Vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm:
1. Cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học.
2. Hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí.
3. Hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Tăng cường công tác truyền thông, vận động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân đóng góp nguồn lực cho việc thực hiện Đề án.
2. Vận động, hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện Đề án. Thường xuyên cung cấp cho các nhà tài trợ kế hoạch, nhu cầu cần hỗ trợ của các địa phương.
3. Điều phối việc hỗ trợ cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi về khám chữa bệnh, dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; vui chơi, giải trí cho trẻ em; đồ ấm cho trẻ em phù hợp theo độ tuổi.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể là:
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực. Điều phối, vận động và lồng ghép, sử dụng các nguồn lực một cách công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành, các cấp.
- Đa dạng hóa nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ. Tiếp nhận, phân phối và triển khai các hoạt động hỗ trợ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của các địa phương và đối tượng hưởng lợi.
- Rà soát nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
5. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp, vận động nguồn lực thực hiện Đề án.
III. NGÂN SÁCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Vận động từ các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai các hoạt động của Đề án.
2. Ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước phục vụ chi cho công tác quản lý, điều phối thực hiện Đề án.
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì triển khai vận động các nguồn lực để thực hiện Đề án có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Hướng dẫn các địa phương đánh giá nhu cầu của trẻ em; điều phối việc vận động nguồn lực và triển khai hỗ trợ trẻ em.
b) Chủ trì triển khai các hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực thực hiện Đề án; xây dựng mạng lưới các nhà tài trợ hỗ trợ thực hiện Đề án.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực và điều phối việc hỗ trợ trẻ em.
d) Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động nguồn lực tương ứng với các hoạt động chủ yếu của Đề án.
đ) Tổng hợp các nguồn lực huy động từ các tổ chức và số trẻ em được hỗ trợ của Đề án.
e) Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện triển khai Đề án; tổ chức đánh giá hằng năm và tổng kết việc thực hiện Đề án; biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc vận động nguồn lực thực hiện Đề án.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án. Trách nhiệm cụ thể của một số bộ, ngành, cơ quan như sau:
a) Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm chuyên môn về dinh dưỡng, khám chữa bệnh cho trẻ em; phối hợp hướng dẫn thực hiện việc đánh giá nhu cầu về dinh dưỡng, khám chữa bệnh cho trẻ em.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hướng dẫn về tiêu chuẩn, chất lượng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn việc sử dụng các cơ sở giáo dục cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng, hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em tại các lớp học, điểm trường, trường mầm non, trường tiểu học.
d) Ủy ban Dân tộc chủ động triển khai, vận động nguồn lực thực hiện theo các nhiệm vụ được giao trong Đề án; phối hợp với các địa phương trong việc đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ cho trẻ em để triển khai thực hiện.
3. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan liên quan triển khai vận động nguồn lực hỗ trợ đồ ấm và các hỗ trợ khác; hằng năm sử dụng một phần Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ thực hiện Đề án.
4. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia vận động nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động về dinh dưỡng, khám, chữa bệnh cho trẻ em; xây dựng kế hoạch vận động, thông tin kết quả vận động nguồn lực gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất trong Kế hoạch chung hằng năm triển khai Đề án; định kỳ gửi báo cáo thực hiện về cơ quan chủ trì Đề án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia vận động nguồn lực hỗ trợ bảo đảm quyền vui chơi, giải trí cho trẻ em; xây dựng kế hoạch vận động, thông tin kết quả vận động nguồn lực gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất trong Kế hoạch chung hằng năm triển khai Đề án; định kỳ gửi báo cáo thực hiện về cơ quan chủ trì Đề án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tham gia hỗ trợ, vận động nguồn lực để thực hiện Đề án; tích cực truyền thông về Đề án; định kỳ hằng năm thông tin kết quả vận động nguồn lực về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Vận động các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, quỹ tài chính, các cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ tài chính để thực hiện Đề án.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận hỗ trợ:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ động bố trí kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, điều phối thực hiện Đề án tại địa phương.
b) Hằng năm, xây dựng kế hoạch, vận động nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án; đánh giá, đề xuất nhu cầu cần hỗ trợ về khám chữa bệnh, dinh dưỡng, vui chơi, giải trí, đồ ấm mùa đông cho trẻ em thuộc đối tượng của Đề án; thường xuyên kiểm tra, đánh giá và định kỳ hằng năm gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.