Quyết định 498/QĐ-BGTVT Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Giao thông Vận tải
21-03-2019
21-03-2019
- Trang chủ
- Văn bản
- 498/QĐ-BGTVT
- TẢI VỀ
- THUỘC TÍNH
Bộ Giao thông vận tải Số: 498/QĐ-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2019 |
Quyết định
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ
TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 5 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Chánh
Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Giao thông vận tải”.Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2995/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Giao thông vận tải.Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng Tổng cục trưởng, các Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và Người phát ngôn của Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ; Công đoàn GTVT VN;
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ GTVT;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, P. Truyền thông (Hảo).
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
QUY CHẾ
PHÁT NGÔN
VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành
kèm theo Quyết định số 498/QĐ-BGTVT ngày 21/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; quyền và trách nhiệm của người phát ngôn và cung cấp thông tin, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí.
2. Quy chế này áp dụng với các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Điều 2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ GTVT gồm:
a) Bộ trưởng Bộ GTVT;
b) Chánh Văn phòng Bộ GTVT là Người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí (sau đây gọi là Người phát ngôn);
c) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GTVT ủy quyền phát ngôn cho người có trách nhiệm thuộc Bộ (sau đây được gọi là Người được ủy quyền phát ngôn) để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được Bộ trưởng giao.
2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục Đường bộ VN gồm:
a) Tổng cục trưởng;
b) Tổng cục trưởng có thể giao Phó Tổng cục trưởng làm Người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí.
3. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Cục thuộc Bộ gồm:
a) Cục trưởng;
b) Cục trưởng có thể giao Phó Cục trưởng làm Người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí.
4. Chỉ những người có thẩm quyền phát ngôn quy định tại khoản 1 Điều này mới được nhân danh Bộ GTVT để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin do những người này cung cấp là thông tin chính thức về hoạt động của Bộ GTVT.
5. Chánh Văn phòng Bộ, Người được ủy quyền phát ngôn, người được giao trách nhiệm phát ngôn quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 điều này không được ủy quyền phát ngôn tiếp cho người khác; trường hợp không thể thực hiện được việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền cho người khác thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
6. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của Người phát ngôn được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan.
7. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, Trang thông tin của cơ quan, đơn vị trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.
8. Thành lập bộ phận giúp việc về công tác truyền thông của Bộ trưởng. Bộ phận giúp việc này làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 3. Quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GTVT trong việc cung cấp thông tin cho báo chí
1. Các cơ quan, đơn vị nêu tại Điều 3 của Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT; các Ban Quản lý dự án; các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước do Bộ GTVT là đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm chủ động cung cấp cho báo chí thông tin trong phạm vi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo lĩnh vực được giao thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trường hợp cung cấp thông tin về những vấn đề quan trọng, nhạy cảm ví dụ như: cơ chế, chủ trương, chính sách mới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, đề án đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất; công tác tổ chức, cán bộ; các vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều thì phải báo cáo Bộ trưởng và trao đổi với Người phát ngôn của Bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi cung cấp thông tin cho báo chí.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của Bộ GTVT được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh Bộ GTVT.
3. Việc cung cấp thông tin phải tuân thủ quy định của Luật Báo chí và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Người cung cấp thông tin không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật nhà nước, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; phải trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan về nội dung thông tin đã cung cấp.
Chương II
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ
1. Hình thức cung cấp thông tin:
a) Tổ chức họp báo;
b) Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử;
c) Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu;
d) Mời các cơ quan thông tấn báo chí tham dự các cuộc họp;
đ) Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn;
e) Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; gửi thông tin lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
g) Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
2. Nội dung cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí:
a) Kế hoạch, chương trình công tác của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Các hoạt động chủ yếu của Lãnh đạo Bộ;
b) Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và tình hình, kết quả hoạt động của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT;
c) Quan điểm và ý kiến giải quyết của Lãnh đạo Bộ GTVT đối với các vấn đề quan trọng, được dư luận báo chí và xã hội quan tâm;
d) Các nội dung khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khi cần thiết.
3. Việc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí được thực hiện như sau:
a) ít nhất 03 tháng một lần, Bộ GTVT tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí do Lãnh đạo Bộ chủ trì;
b) Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thường xuyên cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan mình theo quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
c) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định hiện hành;
d) Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ mời các cơ quan thông tấn báo chí tham dự các cuộc họp để cung cấp thông tin;
đ) Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi lĩnh vực phụ trách của mình phát hành thông cáo báo chí định kỳ hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc họp giao ban do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và tại các buổi họp báo Chính phủ thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức;
e) Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm trả lời phỏng vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Điều 5. Họp báo và trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo
1. Lãnh đạo Bộ chủ trì họp báo, Người phát ngôn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của phóng viên tham dự buổi họp báo. Trường hợp thấy nội dung câu hỏi vượt quá thẩm quyền hoặc chưa rõ, cần phải tham khảo thêm thì được phép không trả lời ngay và hẹn sẽ trả lời các nội dung này vào thời gian thích hợp.
2. Trong trường hợp họp báo có nội dung về các vấn đề chuyên môn, Lãnh đạo Bộ chủ trì họp báo, Người phát ngôn mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan cùng tham gia buổi họp báo và trả lời yêu cầu của báo chí liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị được mời không được cử cán bộ cấp dưới đi thay.
3. Nội dung thông tin cung cấp tại buổi họp báo được đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và Báo Giao thông.
Điều 6. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường
Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải kịp thời, chính xác trong các trường hợp đột xuất sau đây:
1. Khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận; thông tin về quan điểm và cách xử lý của Bộ GTVT đối với các sự kiện, vấn đề đó.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của Bộ GTVT thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn (đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thì Thủ trưởng hoặc Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn) có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.
2. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn và cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu tại khoản 1 Điều này.
3. Ngay sau các cuộc họp do Lãnh đạo Bộ chủ trì có nội dung liên quan đến những vấn đề được dư luận quan tâm, đơn vị được giao chủ trì chuẩn bị nội dung cuộc họp có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng dự thảo thông cáo báo chí trình Lãnh đạo Bộ chủ trì cuộc họp phê duyệt ban hành để chủ động trong công tác truyền thông và định hướng dư luận.
4. Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật thuộc lĩnh vực do Bộ GTVT quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, Bộ trưởng Bộ GTVT, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết trong thời hạn quy định tại Luật Báo chí.
Điều 7. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp để xây dựng Thông cáo báo chí đối với văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành
1. Vụ Pháp chế là đầu mối cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp luật cho Bộ Tư pháp để phục vụ việc xây dựng Thông cáo báo chí theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BTP ngày 07/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Vụ Pháp chế trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành.
Điều 8. Các trường hợp từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
1. Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
2. Thông tin liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cần thông tin trên báo chí những vấn đề giúp cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tiến hành thuận lợi, khách quan, đúng pháp luật.
3. Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố.
4. Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
5. Những thông tin về quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, kỷ luật cán bộ chưa công bố.
6. Những thông tin công dân không được tiếp cận theo quy định của pháp luật
Điều 9. Quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ, ủy quyền cho Thứ trưởng hoặc lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Quy chế này
2. Chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các thông tin và chế độ phát ngôn của Bộ GTVT.
Điều 10. Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn
1. Được nhân danh Bộ GTVT (hoặc nhân danh cơ quan mình đối với Tổng cục, Cục thuộc Bộ) để thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Quy chế này. Duy trì mối quan hệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời về ngành GTVT.
2. Có quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc Bộ GTVT (hoặc cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc cơ quan mình đối với Tổng cục, Cục thuộc Bộ) cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại các Điều 4, 5 và 6 của Quy chế này để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật.
3. Đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm như quy định tại Điều 3 khoản 1 Quy chế này, phải báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực về nội dung phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trước khi công bố.
4. Từ chối cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ GTVT về nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 11. Chia sẻ thông tin
1. Nội dung cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn của Lãnh đạo Bộ GTVT và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ GTVT về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm phải được chia sẻ kịp thời cho Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan biết để nắm thông tin về cùng một vấn đề.
2. Việc chia sẻ thông tin nêu tại Khoản 1 Điều này được thực hiện chậm nhất là ba (03) giờ sau khi cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn và được thực hiện bằng nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, email, gửi văn bản hoặc các hình thức phù hợp khác bảo đảm thuận tiện, kịp thời, chính xác.
3. Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông của Bộ trưởng Bộ GTVT là đầu mối tiếp nhận thông tin và chia sẻ thông tin nêu tại Khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp Lãnh đạo Bộ cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn tại buổi làm việc, công tác ở ngoài trụ sở Bộ GTVT mà không có Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông tham dự thì cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu trong buổi làm việc, đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ phải bố trí người ghi chép đầy đủ nội dung cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn của Lãnh đạo Bộ đối với những vấn đề nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm và gửi ngay về Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông để thực hiện việc chia sẻ thông tin.
Chương III.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 12. Trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ
1. Bộ trưởng giao một Thứ trưởng phụ trách chung công tác truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ GTVT.
2. Các Thứ trưởng phải chịu trách nhiệm chính đối với nội dung cung cấp thông tin cho báo chí trong lĩnh vực mình phụ trách.
Điều 13. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ
1. Xây dựng Kế hoạch truyền thông hàng năm của Bộ. Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.
2. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ việc tổ chức thông tin các sự kiện đặc biệt nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm thành lập ngành GTVT, các dự án, đề án lớn của Bộ GTVT.
3. Trực tiếp chỉ đạo Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông trong thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 15 Quy chế này.
4. Tổ chức các buổi họp báo và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung trả lời các câu hỏi của báo chí.
5. Tổ chức cho báo chí tham dự các cuộc họp hoặc tiếp xúc phỏng vấn Lãnh đạo Bộ.
Điều 14. Trách nhiệm của Báo Giao thông và Cổng thông tin điện tử của Bộ
1. Chủ động phối hợp với Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn và Văn phòng Bộ cập nhật thông tin về các hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Lãnh đạo Bộ; chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao thông vận tải, tình hình hoạt động của ngành GTVT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ngành, giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu biết sâu sắc hơn về ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2. Thiết lập kênh thông tin với bạn đọc và báo chí để tiếp nhận thường xuyên phản ánh của xã hội về các vấn đề liên quan đến Ngành GTVT.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông
1. Tham mưu cho Bộ trưởng về quan hệ với báo chí và xử lý các vấn đề về truyền thông trong hoạt động của Bộ.
2. Theo dõi báo chí tiếp xúc phỏng vấn Lãnh đạo Bộ, tham dự các cuộc Lãnh đạo Bộ trả lời phỏng vấn báo chí.
3. Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp nhận thông tin và chia sẻ thông tin theo quy định tại Điều 11 Quy chế này.
4. Lập dự báo và đề xuất phương hướng truyền thông hàng tuần của Bộ (trên cơ sở các hoạt động trong tuần của Bộ dự báo sẽ được báo chí quan tâm, phản ứng của giới truyền thông về các hoạt động của Bộ, kết quả khảo sát ý kiến bạn đọc về các chính sách, chủ trương mới của Bộ...). Tham mưu xử lý thông tin báo chí hàng ngày liên quan đến ngành giao thông vận tải.
Điều 16. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơquan, đơn vị thuộc Bộ
1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các nội dung thông tin phục vụ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đề nghị của Người phát ngôn của Bộ, Người được ủy quyền phát ngôn của Bộ.
2. Thường xuyên theo dõi các bài viết được đăng tải trên báo chí về những vấn đề liên quan tới các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để kiểm tra, giải quyết bất cập (nếu có). Đối với những bài có quan điểm, nhận định không đúng với quan điểm của Bộ hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật thì cần xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và kịp thời thông tin lại nhằm định hướng đúng cho dư luận xã hội.
3. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, quy hoạch... có cơ chế, chủ trương, chính sách mới, phải phối hợp với Báo Giao thông, Cổng thông tin điện tử của Bộ để tổ chức khảo sát ý kiến bạn đọc, tổng hợp kết quả khảo sát báo cáo trong Hồ sơ trình văn bản quy phạm pháp luật, Đề án, Quy hoạch....
4. Chủ động đề xuất tham gia các buổi họp báo của Bộ để trao đổi, trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và giải đáp pháp luật về những vấn đề xã hội quan tâm thuộc chức năng quản lý của đơn vị. Chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế tổ chức các hoạt động truyền thông, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực giao thông vận tải do cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo.
5. Cung cấp thông tin, nội dung trả lời phỏng vấn của Lãnh đạo đơn vị mình về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm và gửi Bộ phận giúp việc về công tác truyền thông để thực hiện việc chia sẻ thông tin theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này.
6. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ GTVT chủ động xây dựng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện.
7. Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động có liên quan để giúp Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
8. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị mình, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Xử lý vi phạm
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này tới cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý; chịu trách nhiệm liên đới nếu cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm, đồng thời phản ánh, kiến nghị sửa đổi Quy chế nếu cần thiết.
2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện Quy chế này, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ những vấn đề vướng mắc phát sinh; trường hợp cần thiết, đề xuất Lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
Tệp tin văn bản
Mục lục
So sánh văn bản
...Đang xử lý dữ liệu...