KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN 1.000 NHÂN LỰC AN TOÀN THÔNG TIN CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-BTTTT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hình thành và phát triển đội ngũ nhân
lực chuyên nghiệp làm nòng cốt để bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia và
trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, các tập đoàn, tổng
công ty, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp
(gọi tắt cơ quan) và cộng đồng.
- Hoàn thiện kiến thức, kỹ năng chuyên sâu
của đội ngũ nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp trong các cơ quan hướng
tới đáp ứng cơ bản quy định về an toàn thông tin của Thông tư số
17/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ
sung một số điều Thông tư số 11/2015/TT-BTTTT ngày 05/5/2015 của Bộ Thông tin và
Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp
(Thông tư số 17/2021/TT-BTTTT).
- Góp phần tích cực triển khai Quyết định
số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo
và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” và Thông
tư số 17/2021/TT-BTTTT.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ phạm vi triển khai, danh
sách đội ngũ nhân lực và phương thức tổ chức triển khai ngay từ đầu để có kế
hoạch triển khai rõ ràng, đồng bộ và thông suốt trong cả giai đoạn thực hiện.
- Đổi mới hình thức, thực hiện chất lượng,
hiệu quả các nội dung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực; tổ chức
sát hạch nghiêm túc để đánh giá kết quả đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực.
- Ứng dụng tối đa công nghệ số, nền tảng số vào các hoạt động đào tạo, phát
triển đội ngũ nhân lực.
- Khuyến khích tận dụng các nguồn lực xã
hội để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của
cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chuyên gia an toàn thông tin và các tổ chức, cá
nhân có liên quan.
II. MỤC TIÊU
- Phát triển tối thiểu 1.000 nhân lực an
toàn thông tin chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản yêu cầu về kiến thức, kỹ năng
chuyên sâu của chuẩn kỹ năng an toàn thông tin quy định tại Thông tư số
17/2021/TT-BTTTT, trở thành nòng cốt bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt
động của các cơ quan, tổ chức nói riêng và góp phần bảo đảm an toàn thông tin
quốc gia nói chung.
- Hình thành Mạng lưới quốc gia về nhân
lực an toàn thông tin chuyên nghiệp với sự tham gia đông đảo, tích cực của các
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Nâng cao năng lực các thành viên Mạng
lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Các hình thức đào tạo, phát triển
- Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và
on-the-job training.
- Tổ chức các chương trình diễn tập thực
chiến, huấn luyện quốc gia và thúc đẩy các cơ quan, lĩnh vực tổ chức diễn tập
thực chiến, huấn luyện trong phạm vi cơ quan, lĩnh vực.
- Tổ chức các chương trình hội nghị, hội
thảo, tọa đàm, cuộc thi, tham quan trực tiếp cho đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp
huy động sự tham gia của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp an toàn thông tin mạng
và các tổ chức, cá nhân khác.
- Tổ chức các chương trình, chiến dịch
quốc gia đào tạo kiến thức và phát triển kỹ năng an toàn thông tin cho doanh
nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) và người sử dụng Internet với sự tham
gia của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp an toàn thông tin mạng, doanh nghiệp
viễn thông và đội ngũ nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp.
- Hình thành Mạng lưới quốc gia về nhân
lực an toàn thông tin chuyên nghiệp và tổ chức các Nhóm nhân lực an toàn thông
tin chuyên nghiệp theo lĩnh vực để chia sẻ, đồng hành liên tục trong quá trình
đào tạo, phát triển và công tác thực tế.
- Định hướng cho các doanh nghiệp an toàn
thông tin mạng giải quyết các vấn đề quốc gia hoặc vấn đề ảnh hưởng rộng rãi
đến cộng đồng người sử dụng về an toàn thông tin mạng.
- Nâng cao năng lực an toàn thông tin mạng
của các nhà mạng và thúc đẩy sứ mệnh của doanh nghiệp viễn thông giải quyết bài
toán lớn của đất nước về an toàn thông tin mạng.
- Đôn đốc, kiểm tra hoạt động phát triển
nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp của các cơ quan.
- Các nhiệm vụ khác theo tình hình thực
tiễn.
2. Nội dung thực hiện năm 2022
- Rà soát hiện trạng, xây dựng Danh sách
tối thiểu 1.000 nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp để tập trung đào tạo,
phát triển.
- Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về an
toàn thông tin.
- Định kỳ tổ chức Webminar (Hội thảo trực
tuyến chuyên sâu) cho đội ngũ nhân lực an toàn thông tin mạng của các bộ,
ngành, địa phương và thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
quốc gia.
- Tổ chức Security BootCamp quy mô quốc
gia với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia an
toàn thông tin.
- Hình thành Mạng lưới quốc gia về nhân
lực an toàn thông tin chuyên nghiệp và tổ chức các Nhóm nhân lực an toàn thông
tin chuyên nghiệp theo lĩnh vực để chia sẻ, đồng hành liên tục trong quá trình
đào tạo, phát triển và công tác thực tế.
3. Kế hoạch triển khai chi tiết như tại
Phục lục kèm theo.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Cục An toàn thông tin là đầu mối tổ
chức triển khai, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, tổ
chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong việc triển khai Kế hoạch này;
tổng hợp tình hình, kết quả triển khai và báo cáo Lãnh đạo Bộ Thông tin và
Truyền thông.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách
nhiệm bố trí, hướng dẫn, phân bổ
kinh phí hàng năm để triển khai Kế hoạch này.
3. Các đơn vị chuyên trách về công nghệ
thông tin/an toàn thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở
Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu:
- Phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn thông
tin trong việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch này, đặc biệt là hoạt động
xây dựng Danh sách nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp để đào tạo, phát
triển và tạo điều kiện để nhân sự tham gia các hoạt động thuộc Kế hoạch này.
- Trên cơ sở Kế hoạch này, tham mưu cho
Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương các hoạt động triển khai tại cơ quan, địa phương để phát triển đội ngũ
chuyên gia nòng cốt bảo đảm an toàn thông tin.
- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo Bộ Thông tin và Truyền
thông (qua Cục An toàn thông tin) tình hình, kết quả triển khai Kế hoạch này./.
PHỤ LỤC
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHI TIẾT
(Kèm theo Kế hoạch Phát triển
1.000 nhân lực an toàn thông tin chuyên nghiệp)
Stt | Nhiệm vụ | Thời hạn | Chủ trì | Phối hợp |
1 | Xây dựng và ban hành Kế hoạch | 01/2022 | Cục ATTT | Các đơn vị liên quan |
2 | Xây dựng Danh mục hiện trạng đào tạo, phát triển cán bộ về an toàn thông
tin theo Đề án 99 | 01/2022 | Cục ATTT | |
3 | Xây dựng văn bản hướng dẫn lựa chọn 1.000 nhân lực an toàn thông tin
chuyên nghiệp | 02/2022 | Cục ATTT | |
4 | Phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xác định Danh
sách 1.000 cán bộ để đào tạo, phát triển thành nhân lực an toàn thông tin
chuyên nghiệp | 02/2022 | Cục ATTT | Đơn vị chuyên trách về ATTT của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan
liên quan |
5 | Trình phê duyệt Danh sách 1.000 cán bộ để đào tạo, phát triển thành nhân
lực an toàn thông tin chuyên nghiệp | 02/2022 | Cục ATTT | |
6 | Tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo, phát triển 1.000 chuyên gia | 04-12/2022 và giai đoạn 2023-2025 | Cục ATTT | Đơn vị chuyên trách về ATTT của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan
liên quan |
7 | Định kỳ tổ chức Webminar (Hội thảo trực tuyến chuyên sâu) cho đội ngũ nhân lực an toàn
thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương và thành viên Mạng lưới ứng cứu
sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia | Hàng tháng từ 04-12/2022 | Cục ATTT | Đơn vị chuyên trách về ATTT của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan
liên quan |
8 | Tổ chức Security BootCamp quy mô quốc gia với sự tham gia của các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia an toàn thông tin | Quý III (dự kiến tháng 7) | Cục ATTT | Hiệp hội Internet Việt Nam và các đơn vị liên quan |