Quyết định 4201/QĐ-BNN-KHCN Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
04-11-2019
04-11-2019
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Số: 4201/QĐ-BNN-KHCN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2020 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo;
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2025;
Căn cứ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đã được ban hành theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011;
Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cài cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016- 2020;
Căn cứ Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 5134/QĐ-BNN-KHCN ngày 11/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử;
Căn cứ Quyết định số 4332/QĐ-BNN-KHCN ngày 30/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Căn cứ Quyết định số 5378/QĐ-BNN-KHCN ngày 22/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành “Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phiên bản 1.0” và Quyết định 5753/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phiên bản 1.0;
Căn cứ Quyết định số 1061/QĐ-BNN-VP ngày 29/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2025;
Căn cứ Công văn số 2055/BTTTT-THH ngày 27/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Kế hoạch, Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cụ thể:
1. Tăng cường ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ nhằm tăng hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động.
2. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử của Bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, chuyển đổi số tạo nền tảng phát triển Chính phủ số. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ liên thông với nhau, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ với các Bộ, cơ quan ngành Bộ và địa phương. Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
3. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử, văn bản điện tử; Mở rộng kết nối liên thông việc gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị thuộc Bộ trên hệ thống VPĐT với trục liên thông văn bản quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố.
II. NỘI DUNG
1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước
- Nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng phạm vi kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ (văn phòng điện tử) tới các Viện trực thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và PTNT đảm bảo thông suốt để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, các chế độ báo cáo, chỉ đạo điều hành, trao đổi thông tin qua môi trường mạng; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
- Phấn đấu đưa tỷ lệ trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính của Bộ (trừ văn bản mật theo quy định pháp luật) dưới dạng điện tử lên 90%; tối thiểu 80% Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ.
- Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cán bộ, tài chính, pháp chế, khoa học công nghệ và môi trường, thư viện điện tử, hệ thống thống kê ngành, an toàn thực phẩm...
- Mở rộng các hệ thống báo cáo trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tại các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT: ưu tiên cho các lĩnh vực chưa có hệ thống báo cáo trực tuyến như chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật.
- Tăng cường trao đổi văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ dưới dạng điện tử, văn bản điện tử; ứng dụng chữ ký số chuyên dùng.
2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp
- 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có Cổng/Trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin (theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin), duy trì cập nhật, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm hiểu trình tự, tải về biểu mẫu của các thủ tục hành chính.
- Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng hệ thống cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4) phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng hiệu quả (tiết kiệm thời gian, chi phí,...), tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 40% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến tại mức độ 3, 30% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến tại mức độ 4; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ.
- Tỷ lệ Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công cấp Bộ và các nội dung liên quan theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
- Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, kết nối mạng thông tin phục vụ công việc này theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Xây dựng các hướng dẫn thực hiện các giao dịch qua mạng điện tử đối với các DVCTT và Cơ chế hải quan một cửa tại Bộ.
3. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
- Xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 khi được ban hành; Cụ thể hóa các nhiệm vụ ứng dụng CNTT thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ khi cập nhật mới.
- Xây dựng, hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của Bộ để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và giữa các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, các CSDL ngành, lĩnh vực và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử; tập trung triển khai các CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; các HTTT, CSDL chuyên ngành trên quy mô toàn quốc. Xây dựng CSDL bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ đã ban hành và theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với các CSDL quốc gia và danh mục các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi triển khai từ Trung ương đến địa phương do các Bộ, ngành triển khai đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trên Trang thông tin điện tử của Bộ và của Cục Tin học hóa theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014 để tránh đầu tư trùng lặp.
- Xây dựng các phần mềm quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành sản xuất của Bộ, các cơ quan và đơn vị thuộc Bộ.
4. Phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo, tập huấn về xây dựng, triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử cấp Bộ;
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức về kỹ năng sử dụng, khai thác các HTTT;
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về CNTTcác nội dung chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống; triển khai văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng; dịch vụ công trực tuyến và cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại Bộ; an toàn, an ninh thông tin, ...
5. Phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng LAN cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và kết nối WAN giữa cụm các đơn vị tại Số 2 Ngọc Hà, 10 Nguyễn Công Hoan và 16 Thụy khuê, tận dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc kết nối các mạng LAN của các Cục chuyên ngành trên địa bàn Hà Nội, các Sở Nông nghiệp và PTNT tạo thành mạng WAN thống nhất của Bộ làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng CNTT của Bộ được thống nhất, thông suốt, đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đều có thể truy cập, kết nối, chia sẻ thông tin, giao dịch thư điện tử công vụ, tra cứu thông tin và khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử.
- Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, dịch vụ công trực tuyến đặt tại Trung tâm Tin học và Thống kê.
- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật kết nối, trục liên thông giữa hệ thống Văn phòng điện tử của Bộ với trục liên thông văn bản quốc gia, trục liên thông văn bản nội bộ của Bộ và trục liên thông văn bản với các địa phương.
6. Bảo đảm an toàn thông tin
- Xây dựng kế hoạch và tăng cường trang thiết bị cho hệ thống an toàn an ninh thông tin mạng chung của Bộ, trang bị phần mềm rà soát, giám sát bảo mật, hệ thống sao lưu dữ liệu cho hạ tầng mạng chung của Bộ đảm bảo cho tất cả các giao dịch trên mạng của Bộ được diễn ra an toàn.
- Đề ra các giải pháp tăng cường triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng CNTT.
- Các cơ quan, đơn vị kiện toàn, bố trí cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn thông tin cho đơn vị.
- Tiếp tục duy trì sự phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, A68 - Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc diễn tập, phòng, chống và khắc phục những hậu quả do việc mất an toàn an ninh gây ra nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị nhà nước trực thuộc Bộ được diễn ra an toàn, hiệu quả và thông suốt.
- Thực hiện theo các văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông.
IV. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp môi trường chính sách
- Tăng cường chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020, đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ và chất lượng; gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ ứng dụng CNTT với việc xét thi đua, khen thưởng đối với Thủ trưởng, tập thể và cá nhân thuộc các đơn vị.
- Rà soát, ban hành các quy định, quy chế về ứng dụng CNTT gắn với việc cải cách hành chính nhằm quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin chuyên ngành trên môi trường mạng phục vụ quản lý, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc. Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định trong việc khai thác và sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Xây dựng, ban hành các chính sách, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc phát triển và ứng dụng CNTT của Bộ như thực hiện chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; ban hành các chuẩn thông tin; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT của Bộ.
- Việc xây dựng, xét duyệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án ứng dụng CNTT phải đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ của Bộ, đáp ứng nội dung của Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ giai đoạn 2016¬-2020 và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đảm bảo kế thừa được kết quả của các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được triển khai trước đó để đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng CNTT, tương thích về công nghệ phát triển, tránh tình trạng phân tán, xung đột về thông tin, dữ liệu.
2. Giải pháp tài chính
Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước như: Đầu tư phát triển trung hạn 2016-2020, Chính phủ điện tử, Chương trình Mục tiêu quốc gia về CNTT, nguồn kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên, sự nghiệp khoa học công nghệ, cải cách hành chính.
3. Giải pháp gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính
- Thực hiện Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020 (Văn bản số 3035/CTPH-BTTTT-BNV ngày 22/8/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ); Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 (Văn bản số 4631/QĐ-BNN-TCCB ngày 09/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Thực hiện chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện các nội dung khác để gắn kết chặt chẽ các hoạt động ứng dụng CNTT với hoạt động cải cách hành chính.
4. Giải pháp tổ chức, triển khai
Tăng cường vai trò người đứng đầu các cơ quan nhà nước; phát huy tối đa vai trò quản lý nhà nước, tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ.
Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ, bảo đảm tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử đã ban hành.
Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với CCHC, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp;
5. Các giải pháp kỹ thuật công nghệ và các giải pháp khác
Căn cứ thực tế, tình hình triển khai để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), phát triển ứng dụng trên các nền tảng di động (mobility),...
V. DANH Mục NHIỆM VỤ, DỰ ÁN
(Chi tiết xem tại Phụ lục kèm theo)
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
- Đầu mối, tham mưu, hướng dẫn, theo dõi tổng hợp, đôn đốc triển khai, kiểm tra việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2020 của Bộ và các đơn vị theo kế hoạch được phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch trong xây dựng kế hoạch, thẩm định và bố trí nguồn vốn cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT.
2. Các Vụ: Kế hoạch, Tài chính:
- Đầu mối, tham mưu, hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, dự án CNTT được phê duyệt theo quy định.
- Phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm định các dự án theo chức năng được giao.
3. Trung tâm Tin học và Thống kê:
Tham mưu, xây dựng và triển khai về mặt kỹ thuật các nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Kế hoạch ứng dụng CNTT để đảm bảo sự thống nhất, tránh xung đột và đạt hiệu quả cao.
Giám sát việc triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, cho ý kiến về sự phù hợp, tuân thủ Kiến trúc Chính phử điện tử của Bộ đối với các hệ thống thông tin, các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT thuộc phạm vi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ:
- Căn cứ Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ năm 2020, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung/nhiệm vụ kế hoạch ứng dụng CNTT được giao.
- Xây dưng kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2020 của đơn vị xây dưng các đề án, dư án (nếu có) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả
- Báo cáo tình hình, tiến độ, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch theo báo cáo định kỳ ứng dụng CNTT hoặc đột xuất (nếu có) về Bộ (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để tổng hợp báo cáo theo quy định.