Quyết định 3733/QĐ-BCT Về việc phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020
16-12-2019
16-12-2019
Bộ Công thương Số: 3733/QĐ-BCT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2019 |
Quyết định
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CUNG CẤP ĐIỆN VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia;
Xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 6826/EVN-KH ngày 16 tháng 12 năm 2019 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020 (Phương án cơ sở) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập với các nội dung chính như sau:
1. Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2020 là 261,456 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 126,014 tỷ kWh và mùa mưa là 135,442 tỷ kWh.
2. Công suất cực đại (Pmax) toàn quốc năm 2020 là 41.237 MW.
3. Thông số đầu vào cơ bản để lập Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020 bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tần suất nước về các hồ thủy điện, mực nước đầu tháng của các hồ thủy điện trong năm 2020 được xác định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này.
4. Cơ cấu sản xuất điện theo các loại nguồn điện, dự kiến điện năng sản xuất của các nhà máy điện và điện nhập khẩu các tháng năm 2020 cụ thể như sau:
a) Điện năng sản xuất theo loại nguồn điện và nhập khẩu của toàn hệ thống điện quốc gia năm 2020 (chi tiết tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định này);
b) Điện năng sản xuất của mỗi nhà máy điện hàng tháng trong năm 2020 (chi tiết tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Quyết định này). Trong đó:
- Các đơn vị phát điện có trách nhiệm chủ động thực hiện công tác chuẩn bị phát điện, bao gồm đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy và chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) cho phát điện hàng tháng trong năm 2020;
- Sản lượng mua bán điện của các nhà máy điện (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện.
5. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện mới (bao gồm cả các nguồn điện mặt trời, gió và thủy điện nhỏ) dự kiến được đưa vào vận hành năm 2020 dự kiến là 4.329,4 MW. Danh mục các dự án nhà máy điện mới dự kiến được đưa vào vận hành năm 2020 trong Phụ lục 5 ban hành kèm theo Quyết định này.
1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần trong năm 2020 cho toàn hệ thống điện quốc gia dựa trên Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020 được duyệt và diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia; Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực xây dựng kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần để thực hiện cung cấp điện ổn định, an toàn và tin cậy;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các phương án đảm bảo cung cấp điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2020. Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) trước ngày 15 tháng 3 năm 2020 về kế hoạch đảm bảo cung cấp điện của từng địa phương trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp để thực hiện;
c) Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông số đầu vào cơ bản tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này. Trường hợp có những thay đổi đáng kể so với dự kiến ban đầu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) để xem xét, chỉ đạo;
d) Chủ động báo cáo và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh có hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện tại miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện theo quy định tại các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả;
đ) Nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý vận hành kể cả các nguồn điện chạy dầu (FO, DO), các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năm 2020. Đặc biệt, chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo năng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các nhà máy điện để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện miền Nam, góp phần giảm điện năng huy động từ các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao;
e) Chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện khẩn trương ký Hợp đồng cung cấp than với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than hợp pháp khác, đảm bảo cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý vận hành phát điện trong năm 2020 vả các năm tiếp theo;
g) Chủ động thực hiện và chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 3:
- Chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than để đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện các nhà máy điện Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 Mở rộng, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng trong năm 2020 và các năm tiếp theo;
- Chủ động xây dựng các phương án để chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tiếp nhận than (cầu cảng, nạo vét luồng, thiết bị bốc dỡ, kho bãi tiếp nhận than,....) và duy trì sẵn sàng, đầy đủ lượng than dự trữ định mức trong kho đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp than cho sản xuất điện năm 2020 của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Trung tâm Điện lực Duyên Hải;
h) Chỉ đạo các Đơn vị phát điện quản lý, vận hành các nhà máy điện chạy dầu Thủ Đức, Cần Thơ, Ô Môn đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý cụm nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau để đảm bảo khả năng sẵn sàng và thực hiện chuyển đổi sang chạy dầu DO theo nhu cầu phụ tải điện toàn hệ thống, đặc biệt trong thời gian bảo dưỡng sửa chữa hoặc sự cố các hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, Cửu Long, PM3-CAA;
i) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc rà soát, nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm phụ tải điện tự dùng của các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý trong năm 2020;
k) Chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC):
- Lập phương thức hợp lý để huy động cao các nguồn điện, kể cả huy động các nguồn điện chạy dầu và các nguồn điện dự phòng của khách hàng thuộc quyền điều khiển (khi cần thiết) đề đảm bảo cung cấp đủ điện năm 2020;
- Phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110kV; kiểm tra, rà soát lại chỉnh định sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện, hệ thống rơ le sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81) nhằm ứng phó với những sự cố nghiêm trọng trên lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam khi đang truyền tải cao, loại trừ nguy cơ tan rã các hệ thống điện miền;
- Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) để đảm bảo công tác chạy thử, nghiệm thu theo đúng quy định hiện hành và đấu nối, vận hành an toàn, ổn định, tin cậy trong hệ thống điện quốc gia. Thường xuyên cập nhật tiến độ các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến vào vận hành trong năm 2020 để cập nhật và lập phương thức vận hành hợp lý để khai thác tối ưu, hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo;
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Khí Việt Nam, các đơn vị phát điện sử dụng khí Đông Nam Bộ để thường xuyên cập nhật khả năng cấp khí, sản lượng điện phát dự kiến của các nhà máy điện sử dụng khí Đông Nam Bộ, đảm bảo khai thác tối đa và hiệu quả nguồn khí Đông Nam Bộ và vận hành phát điện các nhà máy điện sử dụng nguồn khí này.
l) Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các Tổng công ty Điện lực:
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng thiết bị trên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, khắc phục kịp thời các tồn tại của thiết bị đang vận hành trên lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia;
- Lập kế hoạch đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định, tin cậy và liên tục;
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, Trạm biến áp 220kV Bảo Thắng, ... để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra hành lang lưới điện và chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
m) Đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch cung cấp điện năm 2020, tình hình diễn biến thủy văn, những khó khăn trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia để toàn xã hội biết, hiểu và chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả; Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các phương án giảm nhu cầu sử dụng điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện tức thời;
n) Thực hiện và chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy. Trong đó, thực hiện quyết liệt các Chương trình Điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện (DR) phi thương mại, chủ động đề xuất và thực hiện Chương trình DR theo cơ chế thương mại từ nguồn quỹ của EVN và các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực phù hợp với quy định hiện hành;
р) Khẩn trương tính toán, xác định nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện và báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) về kết quả đánh giá nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Thông tư số 23/2017/TT-BCT).
2. Các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực có trách nhiệm:
a) Căn cứ kế hoạch cung cấp điện năm 2020 và hàng tháng của EVN, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2020 và hàng tháng cho Tổng công ty Điện lực, kể cả phương án đối phó với tình huống xảy ra sự cố hoặc mất cân bằng cung cầu;
b) Đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực. Trong đó, thực hiện quyết liệt các Chương trình Điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện (DR) phi thương mại, chủ động đề xuất và thực hiện Chương trình DR theo cơ chế thương mại từ nguồn quỹ của Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực phù hợp với quy định hiện hành; Tăng cường tuyên truyền về kế hoạch cung cấp điện năm 2020, thực hiện tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả trong phạm vi cả nước;
с) Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá và giới thiệu cho các khách hàng sử dụng điện trong phạm vi quản lý về nội dung, mục tiêu và lợi ích của các chương trình điều chỉnh phụ tải điện theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BCT. Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện và báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) về kế hoạch thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong năm 2020 theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BCT;
d) Đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch cung cấp điện năm 2020, những khó khăn trong việc cung cấp điện để khách hàng biết, hiểu và chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả;
đ) Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các phương án giảm nhu cầu sử dụng điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện; phối hợp với các khách hàng sử dụng điện thuộc phạm vi quản lý để hỗ trợ và huy động các nguồn điện dự phòng của khách hàng (khi cần thiết) góp phần đảm bảo cung cầu điện năm 2020.
3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm:
a) Phối hợp với nhà thầu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ vào khai thác của mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt trước Quý IV năm 2020.
b) Tiếp tục phối hợp với các đối tác liên quan để hạn chế việc điều chỉnh kế hoạch sửa chữa các nguồn khí, rút ngắn tối đa thời gian ngừng cấp khi khi thực hiện bảo dưỡng các hệ thống khí Nam Côn Sơn, Cửu Long và PM3-CAA, đặc biệt không thực hiện các công tác gây giảm cấp khí trong mùa khô;
c) Tiếp tục tìm kiếm, thực hiện công tác đấu nối bổ sung các nguồn khí mới để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng của các nguồn khi hiện hữu do suy giảm;
d) Chỉ đạo Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trực thuộc:
- Đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn, Cửu Long, PM3-CAA ở mức cao nhất trong điều kiện kỹ thuật cho phép. Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện, cần thiết có thể giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác (khí cấp cho nhà máy đạm, hộ thấp áp...) để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 30 tháng 01 năm 2019 về việc đảm bảo cung cấp khí cho phát điện năm 2019 và các năm sau;
- Phối hợp với EVNNLDC để sử dụng khí PM3-CAA một cách hợp lý trong điều kiện kỹ thuật cho phép của hệ thống cung cấp khí và vận hành an toàn hệ thống điện, đảm bảo vận hành kinh tế hệ thống điện và vận hành an toàn hệ thống cung cấp khí;
- Định kỳ hàng tháng cập nhật cho EVNNLDC và các đơn vị phát điện có liên quan về kế hoạch khai thác khí của các nguồn khí cho phát điện (Nam Côn Sơn - Cửu Long, PM3-CAA,...) để có cơ sở tính toán giá trần bản chào và giá chào của các nhà máy nhiệt điện khí trên thị trường phát điện cạnh tranh;
đ) Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) chủ động phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị cung cấp than hợp pháp khác để ký Hợp đồng cung ứng than nhằm đảm bảo đủ than cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phát điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo;
e) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng các phương án chuyển đổi chạy dầu các tổ máy tuabin khí do Tập đoàn đầu tư, quản lý theo chỉ huy, điều độ của EVNNLDC;
g) Phối hợp chặt chẽ với EVN/EVNNLDC tuân thủ thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa năm 2020 được duyệt tại các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý, đảm bảo độ khả dụng của các tổ máy phát điện ở mức cao nhất trong năm 2020;
h) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc rà soát, nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm phụ tải điện tự dùng của các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý.
4. Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm:
a) Tăng cường năng lực sản xuất than, cân đối lại các nguồn than hiện có để ưu tiên cung cấp than cho sản xuất điện. Rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng, kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để chủ động nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than đảm bảo cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là trong các trường hợp: i) khi nhu cầu sử dụng than cho phát điện tăng cao; ii) khi xảy ra thiên tai mưa bão, lũ lụt,...;
b) Căn cứ kế hoạch huy động các nhà máy nhiệt điện than trong hệ thống điện quốc gia, khẩn trương hoàn thành thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp than với các nhà máy nhiệt điện than có nhu cầu và thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2020 và các năm sau. Chủ động lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện năm 2020;
c) Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực khai thác than; đa dạng hóa phương thức sàng tuyển, chế biến, pha trộn than để sản xuất tối đa các chủng loại than cho sản xuất điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và các năm tiếp theo theo cam kết/hợp đồng; phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan xác định tỷ lệ than trộn sử dụng để làm cơ sở xác định chi phí nhiên liệu than trong các hợp đồng mua bán than và mua bán điện;
d) Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để nghiên cứu, sử dụng than pha trộn, xác định tỷ lệ than trộn phù hợp cho từng dây chuyền công nghệ phát điện để vận hành nhà máy an toàn, ổn định, tin cậy, đảm bảo hiệu quả kinh tế và các yếu tố về môi trường theo quy định;
đ) Chủ động làm việc với các chủ đầu tư nhà máy điện than BOT về khả năng sử dụng than trộn trên nguyên tắc đảm bảo các điều kiện kỹ thuật;
e) Phối hợp chặt chẽ với EVN/EVNNLDC tuân thủ thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa năm 2020 được duyệt tại các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý, đảm bảo độ khả dụng của các tổ máy phát điện ở mức cao nhất trong năm 2020;
g) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc rà soát, nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm phụ tải điện tự dùng của các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản lý.
5. Tổng công ty Đông Bắc có trách nhiệm:
a) Căn cứ kế hoạch huy động các nhà máy nhiệt điện than trong hệ thống điện quốc gia, khẩn trương hoàn thành thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp than với các nhà máy điện có nhu cầu và thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2020 và các năm sau. Chủ động lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện năm 2020;
b) Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam trong việc rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực miền Trung và miền Nam để chủ động nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho trung chuyển dự trữ than đảm bảo cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam trong các trường hợp: i) khi nhu cầu sử dụng than cho phát điện tăng cao; ii) khi xảy ra thiên tai mưa bão, lũ lụt...;
c) Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực khai thác than; đa dạng hóa phương thức sàng tuyển, chế biến, pha trộn than để sản xuất tối đa các chủng loại than cho sản xuất điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và các năm tiếp theo theo cam kết/hợp đồng;
d) Chủ động phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện lớn để nghiên cứu, thí nghiệm sử dụng than trộn, xác định tỷ lệ than trộn phù hợp cho từng dây chuyền công nghệ phát điện.
6. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước, đặc biệt tại miền Nam trong năm 2020 và tổ chức, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện tại địa phương;
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực. Công ty Điện lực tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2018;
c) Phối hợp với EVNNPT, Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo đúng thẩm quyền quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
d) Giám sát Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương trong việc thực hiện cung cấp điện, giải quyết các khiếu nại của khách hàng sử dụng điện về tình trạng cung cấp điện không tuân thủ các quy định trên địa bàn và các chương trình điều chỉnh phụ tải điện:
đ) Phối hợp với Cục Điều tiết điện lực tổ chức kiểm tra thực tế việc chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện tại một số tỉnh, thành phố trước và trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
7. Vụ Dầu khí và Than có trách nhiệm:
a) Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cung cấp than và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện;
b) Chủ trì, phối hợp Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực trình Bộ trưởng phê duyệt Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2020 và dài hạn theo quy định để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện;
c) Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc xây dựng phương án đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy điện theo nguyên tắc ổn định, lâu dài;
d) Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Phối hợp với nhà thầu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ vào khai thác của mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt trước Quý IV/2020;
- Thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo sản lượng khí Nam Côn Sơn, PM3-CAA ở mức cao nhất trong điều kiện kỹ thuật cho phép, đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện trong năm 2020.
8. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực và Vụ Dầu khí và Than nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước;
b) Tăng cường, đẩy mạnh và phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại miền Nam để góp phần đảm bảo cung cấp điện trong năm 2020.
9. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có trách nhiệm:
a) Đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kế xây dựng các công trình nguồn điện và các công trình lưới điện giúp tăng cường khả năng truyền tải công suất các dự án gió, mặt trời theo quy định; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình điện theo thẩm quyền;
b) Theo dõi, giám sát và kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành ổn định các nguồn điện, lưới điện truyền tải góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020 và các năm sau;
c) Cập nhật, rà soát và đôn đốc các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đảm bảo vào vận hành đáp ứng tiến độ theo quy hoạch được duyệt, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020 và các năm sau;
d) Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn EVN, chủ đầu tư các nhà máy điện BOT và PVN/PV GAS sửa đổi các hợp đồng GSA và PPA để bổ sung các nguồn khi mới cho các nhà máy điện BOT;
đ) Đấu mối thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến khả năng tăng sản lượng mua điện từ nước ngoài trong dài hạn.
10. Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực có trách nhiệm:
Phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và các đơn vị liên quan đôn đốc quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các nguồn nhiệt điện than mới vào vận hành, đặc biệt là các nhà máy điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Duyên Hải 3 MR để đảm bảo cung cấp điện cho năm 2020 và các năm sau.
11. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm:
a) Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2020;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra thực tế việc chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện tại một số tỉnh, thành phố trước và trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;
c) Cập nhật thường xuyên tình hình cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia. Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản có những thay đổi đáng kể, báo cáo và đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh, cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020;
đ) Chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tăng cường thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực;
đ) Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát định kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch cung cấp điện của EVN, EVNNPT, các đơn vị phát điện và các Tổng công ty Điện lực trong năm 2020, đặc biệt trong các tháng mùa khô; báo cáo Bộ Công Thương về kết quả thực hiện;
e) Trong trường hợp nhu cầu điện tăng cao đột biến hoặc mực nước đầu kỳ hàng tháng của các hồ thủy điện quá thấp so với kế hoạch hoặc xảy ra các yếu tố bất thường có nguy cơ gây mất cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia, báo cáo và đề xuất với Bộ Công Thương các giải pháp chỉ đạo, điều hành hoặc điều chỉnh các quy định liên quan.