Quyết định 2529/QĐ-TTg Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020
31-12-2015
31-12-2015
Thủ tướng Chính phủ Số: 2529/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG CẦU DÂN SINH ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6năm 2014;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 14547/TTr-BGTVT ngày 02 tháng 11 năm 2015 và Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7437/BKHĐT-KCHTĐT ngày 09 tháng 10 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020 (sau đây được gọi là Chương trình) với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU ĐẦU TƯ
1. Mục tiêu tổng quát
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
- Xóa bỏ chia cắt cộng đồng, giúp kết nối liên vùng nhằm đảm bảo phát triển bền vững để thực hiện mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ; đáp ứng cơ bản nhu cầu kết nối giữa các loại đường trong hệ thống giao thông nông thôn.
- Nâng cao nhận thức, năng lực cho các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng dân tộc nhằm kéo dài tuổi thọ công trình và tiết kiệm kinh phí đầu tư.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các xã, thôn, bản; các tuyến đường giao thông đi được quanh năm đến trung tâm các xã; xây dựng các cầu có quy mô nhỏ kết nối liên vùng góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số đến năm 2020 đạt 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, bản được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật đối với vùng dân tộc và miền núi theo quy hoạch phát triển bền vững.
- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực, đảm bảo an ninh lương thực; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
- Trên cơ sở nhu cầu xây dựng và kinh phí cần thiết, xây dựng kế hoạch thực hiện và cơ chế quản lý để định hướng đầu tư xây dựng cầu dân sinh vùng dân tộc và miền núi.
II. PHẠM VI ĐẦU TƯ
Chương trình thực hiện trên phạm vi 5.237 xã thuộc 450 huyện của 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc miền núi, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Turn, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang. Trong đó ưu tiên đối với 63 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.
Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.
III. TỔNG VỐN ĐẦU TƯ
1. Tổng vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư để thực hiện Chương trình: 8.338,98 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
Hạng mục | Số lượng cầu (chiếc) | Tổng chiều dài cầu (m) | Chiphí đầu tư (tỷ đồng ) |
Cầu cứng | 3.664 | 120.181 | 5.616 |
Cầu treo | 295 | 18.426 | 1.791,28 |
Cộng | 3.959 | 138.607 | 7.407,28 |
Cầu treo (đã thực hiện giai đoạn 1) | 186 | 14.351 | 931,70 |
Tổng cộng | 4.145 | 152.958 | 8.338,98 |
2. Cơ cấu nguồn vốn
- Vốn ngân sách Trung ương: 931,7 tỷ đồng (chiếm 11,2%) để thực hiện 186 cầu treo giai đoạn 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28 tháng 4 năm 2014.
- Vốn vay ODA: 5.625 tỷ đồng, chiếm 67,5%.
- Vốn ngân sách địa phương: 1.000 tỷ đồng, chiếm 11,9%.
- Vốn xã hội hóa: 782,28 tỷ đồng, chiếm 9,4%.
IV. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ
1. Giai đoạn 1 (2014-2015)
- Đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu cấp thiết về đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28 tháng 4 năm 2014.
- Tổng kinh phí đầu tư: 931,7 tỷ đồng.
2. Giai đoạn 2 (2015 - 2020)
Toàn bộ cầu cứng và số cầu treo còn lại sẽ được phân kỳ để thực hiện trong 4 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 như sau:
Phân kỳ đầu tư | Cầu cứng (chiếc) | Cầu treo (chiếc) | Tổng chiều dài cầu (m) | Chi phí đầu tư (tỷ đồng) |
2015 - 2016 |
| 150 | 9.369 | 910,82 |
2016 - 2017 |
| 145 | 9.057 | 880,46 |
2017 - 2018 | 1.222 |
| 40.082 | 1.873 |
2018 - 2019 | 1.222 |
| 40.082 | 1.873 |
2019 - 2020 | 1.220 |
| 40.017 | 1.870 |
Tổng cộng | 3.664 | 295 | 138.607 | 7.407,28 |
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Giao thông vận tải
- Chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và đầu tư công. Chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình và tiến độ thực hiện Chương trình đầu tư.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp thực hiện Chương trình, tổ chức lực lượng, huy động nguồn lực xây dựng các hạng mục liên quan đảm bảo khai thác đồng bộ công trình.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm theo tiến độ Chương trình; thực hiện quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết theo thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Định kỳ hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
- Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng phạm vi Chương trình đối với các địa phương khác nếu cần thiết.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình.
- Chủ trì chuẩn bị nội dung, tổ chức vận động và điều phối các nguồn ODA; tổng hợp, lập kế hoạch giải ngân vốn ODA, xây dựng kế hoạch vốn đối ứng hàng năm và xử lý các nhu cầu đột xuất trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
- Theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
3. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư theo quy định.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch giải ngân vốn ODA, kế hoạch vốn đối ứng hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.
4. Ủy ban Dân tộc
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, điều phối nguồn lực Chương trình 135 tham gia thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư theo kế hoạch hàng năm.
- Theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả Chương trình theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh kèm theo Quyết định này có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức, triển khai Chương trình; lồng ghép Chương trình này với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện; tiếp nhận và tổ chức quản lý các công trình của Chương trình sau khi hoàn thành.
- Lựa chọn vị trí xây cầu; tổ chức giải phóng mặt bằng, trong đó có việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong phạm vi xây dựng công trình cầu; bố trí ngân sách địa phương để xây dựng đường kết nối với cầu; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải huy động nguồn vốn khác để triển khai các hạng mục liên quan nhằm khai thác đồng bộ, hiệu quả công trình.