QUY CHẾ
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số
22/QĐ-BGDĐT ngày 08tháng 01năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các quy định
của pháp luật về báo chí hiện hành.
2. Quy chế này được áp dụng cho các Vụ,
Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan (viết tắt là các đơn
vị).
Điều 2. Người phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin
chính thức cho báo chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm:
a) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Một đồng chí Thứ trưởng được Bộ trưởng
giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí (sau đây
gọi là Người phát ngôn);
Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ
email của Người phát ngôn được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ
quan quản lý nhà nước về báo chí và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử
Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng phát
ngôn theo lĩnh vực được phân công phụ trách; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
phát ngôn theo lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị (sau đây gọi là Người được
ủy quyền phát ngôn). Người được ủy quyền phát ngôn phối hợp với Người phát ngôn
trong quá trình phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm
trước Bộ trưởng về nội dung thông tin.
Cụ thể như sau:
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của
ngành về tổ chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức, người lao động đối với
các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về công tác kế hoạch, tài chính là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục mầm non là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục tiểu học là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục trung học, bao gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông
là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục đại học và đào tạo giáo viên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại
học;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục thường xuyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục dân tộc là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên và công tác
quân sự, quốc phòng, an ninh là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh;
- Lĩnh quản lý nhà nước và hoạt động của
ngành về giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên là Vụ trưởng Vụ
Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về giáo dục thể chất; hoạt động thể dục thể thao; công tác y tế
trường học, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng chống tai nạn thương tích là Vụ
trưởng Vụ Giáo dục Thể chất;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường là Vụ trưởng Vụ
Khoa học, công nghệ và môi trường.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành bằng pháp luật trong ngành giáo dục và tổ chức thực hiện công tác
pháp chế là Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về công tác thi đua, khen thưởng là Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen
thưởng;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về công tác thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng; thanh tra
chuyên ngành; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo
là Chánh Thanh tra Bộ;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của ngành về công tác
đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; thi và đánh giá chất lượng giáo dục;
quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ là Cục trưởng Cục Quản
lý chất lượng;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là
Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động
của ngành về công nghệ thông tin trong ngành giáo dục là Cục trưởng Cục Công
nghệ thông tin;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của ngành về
cơ sở vật chất và thiết bị trường học là Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất;
- Lĩnh vực về khoa học giáo dục là Viện
trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Ngoài các lĩnh vực nêu trên, khi cần Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định Thủ trưởng thuộc một đơn vị liên quan
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
2. Bộ trưởng ủy quyền cho các Thứ trưởng
và Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trong việc phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí. Trong trường hợp cần phải làm rõ, giải trình thông tin trên
các phương tiện thông tin đại chúng, Thứ trưởng và Thủ trưởng đơn vị được giao
cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các đơn vị liên
quan để xử lý kịp thời.
Điều 3. Hình thức
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Tổ chức họp báo.
2. Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp
thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng
vấn của nhà báo, phóng viên.
4. Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời
cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
5. Cung cấp thông tin qua trao đổi trực
tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do Trung ương, địa phương tổ chức khi
được yêu cầu.
6. Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo
chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí mà báo chí đã đăng không
chính xác như thông tin đã được cung cấp.
Chương II
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 4. Phát ngôn
và cung cấp thông tin định kỳ
1. Định kỳ 3 tháng một lần tổ chức họp báo
để cung cấp thông tin cho báo chí. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo quy định
hiện hành.
2. Trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và
Đào tạo tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông
tin trực tiếp tại các cuộc giao ban hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương phối
hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
3. Văn phòng chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan chuẩn bị nội dung cung cấp thông tin cho báo chí. Nội dung phát
ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí phải trình Lãnh đạo Bộ duyệt trước khi
công bố.
Điều 5. Phát ngôn
và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất
1. Người phát ngôn hoặc Người được ủy
quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính
xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất sau đây:
a) Khi thấy cần thiết phải thông tin trên
báo chí về sự kiện, hoặc vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của ngành giáo dục nhằm cảnh báo kịp thời và định
hướng thông tin, định hướng dư luận;
Trường hợp xảy ra sự kiện cần có ngay ý
kiến ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy
quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo
chí trong thời gian chậm nhất là 6 tiếng, kể từ khi sự kiện xảy ra;
b) Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ
đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn và cung cấp thông tin về
các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo
đã được nêu trên báo chí;
c) Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải
thông tin sai sự thật thuộc lĩnh vực do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, Người
phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải
đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
2. Việc tổ chức phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí trong trường hợp đột xuất, bất thường được thực hiện
thông qua một hoặc một số hình thức sau:
a) Thông tin trên Cổng thông tin điện tử
của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Tổ chức họp báo;
c) Thông tin bằng văn bản hoặc trả lời
phỏng vấn cho cơ quan báo chí.
Điều 6. Quyền và
trách nhiệm của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn
1. Người phát ngôn, Người được ủy quyền
phát ngôn được nhân danh, đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
2. Người phát ngôn, Người được ủy quyền
phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông
tin cho báo chí theo quy định.
3. Người phát ngôn, Người được ủy quyền
phát ngôn có trách nhiệm từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo
chí trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
4. Người phát ngôn, Người được ủy quyền
phát ngôn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước pháp
luật về nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 7. Trách nhiệm
của các đơn vị trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Trách nhiệm của Văn phòng (Trung tâm
Truyền thông Giáo dục)
a) Theo dõi, tổng hợp thông tin trên các
phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội liên quan tới các lĩnh vực, hoạt
động thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo
lãnh đạo Bộ xem xét, xử lý;
b) Là đơn vị đầu mối đôn đốc, tham mưu, tư
vấn cho các đơn vị thực hiện Kế hoạch truyền thông, cung cấp thông tin cho các
cơ quan báo chí;
c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn
vị có liên quan tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để Người phát ngôn cung
cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của ngành giáo dục;
d) Tổ chức cung cấp, thông tin các sự kiện
đặc biệt nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày truyền thống ngành giáo dục và các sự
kiện khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;
đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý
những thông tin báo chí viết về ngành giáo dục; yêu cầu cơ quan báo chí cải
chính về việc đăng tải thông tin sai sự thật về việc thực hiện chức năng quản
lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật về báo chí;
đồng thời phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, định
hướng nội dung thông tin cho báo chí;
e) Chịu trách nhiệm đăng tải thông tin trên
Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định hiện hành.
g) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên
quan trong việc xem xét, đánh giá khi xét tặng các danh hiệu thi đua, khen
thưởng cho các tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí.
2. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ
Chủ trì phối hợp với Thanh tra, Vụ Thi đua
- Khen thưởng và các đơn vị liên quan để xử lý, kỷ luật đối với những cán bộ vi
phạm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan
a) Báo Giáo dục và Thời đại và Tạp chí
Giáo dục có trách nhiệm đăng tải các thông tin chính xác, kịp thời; chủ động
cung cấp thông tin cho báo chí, góp phần định hướng dư luận. Các nội dung đăng
tải này phải đại diện cho tiếng nói chung của toàn ngành Giáo dục;
b) Các Vụ, Cục, Thanh tra, các đơn vị
thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp
với Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn và Văn phòng cung cấp thông
tin cho cơ quan báo chí theo quy định;
c) Trường hợp đặc biệt, khi được lãnh đạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền, các đơn vị có thể cung cấp thông tin liên quan
đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các
hoạt động chuyên môn của đơn vị nhưng phải thống nhất nội dung với Văn phòng
trước khi cung cấp cho cơ quan báo chí.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Căn cứ vào Quy chế này, Thủ trưởng các
đơn vị có trách nhiệm thường xuyên phổ biến, quán triệt các nội dung được quy định trong Quy
chế này tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề
phát sinh, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Văn phòng để tổng hợp báo cáo Bộ
trưởng.
3. Định kỳ 3 tháng kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị mình,
tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện (gửi về
Văn phòng).
Điều 9. Giám sát
thực hiện
1. Văn phòng chủ trì việc giám sát việc
thực hiện Quy chế tại các đơn vị, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo định
kỳ 6 tháng, 1 năm và trong trường hợp đột xuất để có mức độ khen thưởng và kỷ
luật phù hợp với Quy chế làm việc của cơ quan Bộ.
2. Văn phòng là đầu mối tổng hợp,
nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế này và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo xem xét, quyết định trong trường hợp cần thiết./.