QUY TRÌNH
XỬ LÝ THÔNG
TIN BÁO CHÍ CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số
179/QĐ-TCHQ ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi áp dụng: Quy trình này quy
định về cách thức, trình tự xử lý thông tin báo chí của Tổng cục Hải quan.
Thông tin báo chí là các tin, bài được
đăng tải trên báo giấy, báo điện tử, tin, bài trên Truyền hình, Đài Phát thanh
của các cơ quan ngôn luận, cơ quan báo chí chính thống, thông tin phản ánh qua
đường dây nóng, phản ánh những sự kiện, nội dung liên quan đến công tác Hải
quan.
2. Đối tượng điều chỉnh: Quy trình này
áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải
quan.
Điều 2. Nguyên tắc xử lý thông tin báo chí
1. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nghiêm
túc, trách nhiệm, chuẩn mực, nhất quán trong hoạt động phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí.
2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo
chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông để góp phần nâng cao hiệu quả thông tin
cung cấp, phản hồi.
3. Chuyên nghiệp hóa công tác phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao kỹ năng, tính nhanh nhạy trong phản
ứng, phản hồi ý kiến trước thông tin báo chí và vấn đề được dư luận xã hội quan
tâm.
4. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo
chí phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục; xác định rõ
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả thực hiện với
người có thẩm quyền.
Điều 3. Phân công trách nhiệm xử lý thông tin báo chí
1. Trách nhiệm của Văn phòng Tổng cục:
a) Là đầu mối theo dõi, tiếp nhận thông
tin báo chí.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền của Tổng cục Hải quan.
c) Phối hợp với các đơn vị liên quan để
tham mưu, đề xuất phương án xử lý thông tin báo chí.
d) Theo dõi, đôn đốc các đơn vị được
phân công xử lý thông tin báo chí thực hiện đúng trách nhiệm, thời hạn xử lý
thông tin báo chí theo quy định; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Lãnh
đạo Tổng cục.
2. Trách nhiệm của Tổ Tham mưu xử lý
tình huống truyền thông:
a) Tiếp nhận thông tin, các tình huống
“nóng” liên quan đến công tác hải quan được phản ánh trên các phương tiện thông
tin đại chúng từ các nguồn khác nhau (chỉ đạo từ Bộ Tài chính, thông qua điểm
báo hàng ngày, từ các nguồn trong và ngoài ngành khác).
b) Trao đổi, phân tích, đánh giá tình
huống, đề xuất trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan phương án xử lý kịp thời theo
chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
c) Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ
chuẩn bị nội dung để trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, báo cáo Bộ Tài chính
và/hoặc phản hồi thông tin báo chí theo hình thức phù hợp.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và
trực thuộc Tổng cục Hải quan:
a) Phân công và thông tin về đầu mối
tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí của đơn vị cho Văn phòng Tổng cục.
b) Nghiên cứu, kiểm tra, theo dõi, tham
mưu Lãnh đạo Tổng cục về việc xử lý thông tin báo chí đối với thông tin được
phân công.
c) Báo cáo, cập nhật kết quả xử lý thông
tin báo chí:
Đơn vị được phân công xử lý thông tin
báo chí có trách nhiệm xây dựng báo cáo về việc xử lý thông tin báo chí (đối
với trường hợp Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu báo cáo), trong đó nêu
rõ: (i) Tình hình giải quyết vấn đề/vụ việc báo phản ánh; (ii) Kết quả thông
tin phản hồi báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục (kèm các tài liệu có
liên quan); (iii) Đề xuất khác liên quan đến vụ việc (nếu có). Báo cáo kết quả
xử lý thông tin báo chí và các tài liệu có liên quan đồng thời gửi về Văn phòng
Tổng cục để tổng hợp, theo dõi chung.
Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Tổng cục cập nhật tình hình xử lý thông
tin báo chí phục vụ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục.
Điều 4. Quy trình xử lý thông tin báo chí
1.
Bước 1: Tiếp nhận, phân loại và đề xuất đơn vị xử lý thông tin báo chí
a) Đối với thông tin báo chí thông
thường và yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin của cơ quan báo chí:
a1) Thông tin báo chí được Tổng cục tiếp
nhận từ các nguồn: (i) Điểm báo hàng ngày do Văn phòng Tổng cục thực hiện; (ii)
Thực hiện các ý kiến chỉ đạo xử lý thông tin báo chí của Lãnh đạo Bộ Tài chính,
Lãnh đạo Tổng cục; (iii) Thông tin báo chí do Văn phòng Bộ Tài chính chuyển
đến; (iv) Công văn yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí,
nhà báo đến làm việc với Tổng cục Hải quan.
a2) Văn phòng Tổng cục đề xuất với Lãnh
đạo Tổng cục phân công đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan thụ lý giải quyết, xử lý
thông tin báo chí theo nội dung vụ việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
a3) Thời hạn thực hiện: 1/2 ngày làm
việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin báo chí.
b) Đối với những thông tin báo chí gây
ảnh hưởng lớn được dư luận xã hội quan tâm:
Căn cứ nội dung thông tin báo chí phản
ánh về những vấn đề gây ảnh hưởng lớn được dư luận xã hội quan tâm, Chánh Văn
phòng Tổng cục có trách nhiệm tiếp nhận và thông báo đến thành viên của Tổ tham
mưu truyền thông Tổng cục Hải quan thông qua hình thức: Triệu tập cuộc họp đột
xuất để trao đổi trực tiếp, thông qua điện thoại, thư điện tử để các thành viên
nắm bắt vấn đề.
2.
Bước 2: Thụ lý giải quyết, xử lý thông tin báo chí
a) Đối với thông tin báo chí thông
thường và yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin của cơ quan báo chí:
a1) Ngay sau khi Lãnh đạo Tổng cục cho ý
kiến chỉ đạo phân công đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục xử lý thông tin báo
chí tại văn bản đề xuất của Văn phòng Tổng cục, Văn phòng Tổng cục có trách
nhiệm chuyển nội dung chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục đến các đơn vị thuộc và
trực thuộc Tổng cục để xử lý.
a2) Đối với những thông tin báo chí chỉ
đưa tin, phản ánh những vấn đề chung hoặc nêu vướng mắc trong thực tiễn, kiến
nghị của người khai hải quan, người nộp thuế, doanh nghiệp…, đơn vị được phân
công xử lý có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất và tham mưu cho
Lãnh đạo Tổng cục trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành chung của Tổng
cục.
a3) Đối với yêu cầu, đề nghị cung cấp
thông tin của cơ quan báo chí thông thường, đơn vị được phân công xử lý có
trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, tổng hợp thông tin gửi cho Văn phòng Tổng cục
để tổng hợp gửi cho các cơ quan báo chí.
a4) Thời hạn xử lý thông tin báo chí:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc (thông tin phức tạp không quá 4 ngày làm việc),
kể từ khi nhận được văn bản phân công xử lý, các đơn vị được phân công có trách
nhiệm xử lý thông tin báo chí, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục.
a5) Trường hợp cần thiết, thời hạn xử lý
thông tin báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục trên cơ sở đề xuất của Văn
phòng Tổng cục.
b) Đối với những vấn đề gây ảnh hưởng
lớn được dư luận xã hội quan tâm:
b1. Tổ tham mưu truyền thông Tổng cục
Hải quan:
- Đánh giá tính xác thực, mức độ nghiêm
trọng của thông tin ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành.
- Trao đổi, thảo luận để xác định các
vấn đề và phương án cần xử lý.
- Tùy theo từng tình huống cụ thể, đề
xuất một hoặc nhiều hình thức phản hồi, lộ trình các bước xử lý (Cần xác định
kênh thông tin phản hồi chủ chốt để đề xuất phương án phản hồi phù hợp).
- Chánh Văn phòng Tổng cục: báo cáo Lãnh
đạo Tổng cục các nội dung đã thống nhất để xin ý kiến chỉ đạo và đề xuất giao
đơn vị chuyên môn liên quan đến thông tin báo, đài phản ánh, chuẩn bị nội dung
báo cáo/phản hồi theo từng tình huống cụ thể.
b2) Đối với các vấn đề gây ảnh hưởng lớn
được dư luận xã hội quan tâm do các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải
quan thụ lý giải quyết:
- Đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
được phân công xử lý thông tin báo chí có trách nhiệm xây dựng báo cáo trình
Lãnh đạo Tổng cục về nội dung vụ việc, kết quả xử lý và đề xuất hướng giải
quyết.
- Thời hạn thực hiện: Không quá 01 ngày
làm việc, kể từ ngày được phân công.
b3) Đối với những vấn đề gây ảnh hưởng
lớn được dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
được phân công xử lý báo chí là đầu mối trình Lãnh đạo Tổng cục ban hành văn
bản chỉ đạo, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố giải quyết, báo cáo đối
với những vụ việc liên quan đến hoạt động của đơn vị hoặc liên quan đến cán bộ,
công chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đó mà báo chí phản ánh.
Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 1
ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phân công xử lý, đơn vị thuộc và
trực thuộc Tổng cục là đầu mối trình Lãnh đạo Tổng cục ban hành văn bản chỉ
đạo, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố giải quyết, báo cáo đối với những
vụ việc liên quan đến hoạt động của đơn vị hoặc liên quan đến cán bộ, công chức
thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đó mà báo chí phản ánh.
Thời gian yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố liên quan báo cáo tùy thuộc vào nội dung, tính chất vụ việc được phản
ánh, nhưng trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo của đơn vị đầu mối.
Trường hợp cần thiết, đơn vị được phân
công thực hiện ngay, có báo cáo nhanh Lãnh đạo Tổng cục.
b4) Các trường hợp khác, thời hạn xử lý
thông tin báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục trên cơ sở đề xuất của Văn
phòng Tổng cục.
3.
Bước 3: Tổng hợp, báo cáo
Sau khi hoàn thành việc giải quyết, xử
lý thông tin báo chí, các đơn vị được phân công thực hiện gửi báo cáo kết quả
về cho Văn phòng Tổng cục để tổng hợp, theo dõi chung, xử lý bước tiếp theo.
Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm:
a) Tổng hợp, chuẩn bị các nội dung về xử
lý thông tin báo chí phục vụ họp báo định kỳ hàng tháng của Chính phủ và họp
giao ban Bộ Tài chính;
b) Cập nhật kết quả giải quyết, xử lý
thông tin báo chí kịp thời, đầy đủ; Đôn đốc các đơn vị được phân công chủ trì
thực hiện đúng nội dung, thời hạn xử lý thông tin báo chí theo quy định;
c) Xây dựng báo cáo Lãnh đạo Bộ, văn bản
thông tin cho báo chí (trong trường hợp cần thiết) theo chỉ đạo của Lãnh đạo
Tổng cục.
4.
Bước 4: Cung cấp thông tin cho báo chí
a) Đối với thông tin báo chí thông
thường và yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ
khi nhận được báo cáo của đơn vị được phân công xử lý thông tin báo chí, Văn
phòng Tổng cục có trách nhiệm chuyển nội dung trả lời đến cơ quan báo chí (khi
có đề nghị) đồng thời gửi cho báo Hải quan để nắm bắt tình hình và có bài viết
(nếu cần thiết).
b) Đối với những vấn đề gây ảnh hưởng
lớn được dư luận xã hội quan tâm:
Căn cứ vào đề xuất của Tổ tham mưu
truyền thông Tổng cục Hải quan trên cơ sở được sự phê duyệt của Lãnh đạo Tổng
cục, Lãnh đạo Bộ Tài chính (trường hợp được yêu cầu), Văn phòng Tổng cục thực
hiện việc cung cấp thông tin phản hồi theo một trong các hình thức sau:
- Phối hợp xử lý thông tin nội bộ, cung
cấp nhanh thông tin xử lý ban đầu cho các cơ quan báo chí đồng thời đăng tải
trên Báo Hải quan (báo giấy và báo điện tử); Cổng Thông tin điện tử Tổng cục
Hải quan, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (nếu cần thiết);
- Làm việc với cơ quan báo chí, phóng
viên viết bài để làm rõ thông tin;
- Viết tin, bài, đăng tải nội dung thông
tin phản hồi trên các ấn phẩm báo chí ngành Hải quan (bằng hình thức báo giấy
và/hoặc báo điện tử), Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan, Cổng Thông tin
Bộ Tài chính và các báo, đài khác;
- Thông cáo báo chí, Thông tin báo
chí... để làm rõ thông tin, định hướng dư luận, bảo vệ uy tín của Ngành, kịp
thời chấn chỉnh những sai phạm trong công tác Hải quan (nếu có).
- Họp báo chuyên đề.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan có
trách nhiệm giúp Lãnh đạo Tổng cục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy trình
này.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phổ biến, tổ chức thực hiện nội dung Quy
trình này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ
quan.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan có trách
nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại quy trình này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất, thủ trưởng các đơn vị kịp thời
phản ánh về Văn phòng Tổng cục để tổng hợp, báo cáo Tổng cục xem xét, sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp.
Điều 6. Khen thưởng và kỷ luật
Đơn vị, cá nhân thực hiện tốt quy trình
này được tổng hợp chung vào thành tích hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn
để biểu dương, khen thưởng. Trường hợp đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng quy
trình, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định./.
SƠ ĐỒ XỬ LÝ
THÔNG TIN BÁO CHÍ CỦA NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TCHQ
ngày 25/01/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Sơ đồ xử lý thông tin báo chí
Chú giải:
Trách nhiệm | Trình tự thực hiện | Thời gian | Ghi chú |
Lãnh đạo Văn phòng Tổng cục | Tiếp nhận, phân loại, đề
xuất, trình Lãnh đạo Tổng cục; trình Lãnh đạo Tổng cục xem xét, chỉ đạo, phân
công đơn vị thụ lý giải quyết, xử lý thông tin báo chí | 1/2 ngày làm việc | |
Lãnh đạo Tổng cục | Xem xét, phân công đơn vị
chủ trì thực hiện | 1/2 ngày làm việc | |
Lãnh đạo đơn vị được phân công thực hiện | Tiếp nhận, tổ chức thực
hiện xử lý thông tin báo chí | Quy định theo tính chất vụ việc | |
Văn phòng Tổng cục | Theo dõi, tổng hợp, báo cáo
tình hình xử lý thông tin báo chí tại Tổng cục; Xây dựng văn bản báo cáo Bộ
về vụ việc cần “nóng” cần quan tâm chỉ đạo, thông tin cho báo chí trong trường
hợp cần thiết theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục; chuẩn bị các nội dung về xử
lý thông tin báo chí phục vụ họp giao ban của Bộ, của Tổng cục và họp báo
thường kỳ của Bộ | Thường xuyên; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh
đạo Tổng cục | |
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố | Báo cáo về vụ việc báo chí
phản ánh liên quan tới đơn vị | Chủ động báo cáo; báo cáo theo yêu cầu của Tổng cục | |
Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | Phản ánh những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình | Khi phát sinh khó khăn, vướng mắc | |