KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ CHXHCN VIỆT NĂM
VÀ CHÍNH PHỦ MÔNG CỔ VỀ CÙNG BẢO VỆ VÀ TRAO ĐỔI TIN MẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của
Thủ tướng Chính phủ)
Hiệp định giữa Chính phủ
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ về cùng bảo vệ và trao
đổi tin mật (Hiệp định) được ký ngày 10/7/2019 tại U-lan Ba-to, Mông Cổ và có
hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2019. Để triển khai, thực hiện Hiệp định kịp
thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện
như sau:
I.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động triển khai có
hiệu quả Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính
phủ Mông Cổ về cùng bảo vệ và trao đổi tin mật.
- Nâng cao nhận thức và
trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương trong triển khai thực hiện Hiệp định.
- Tăng cường, phối hợp
nhanh chóng, có hiệu quả việc bảo vệ tin mật với cơ quan có thẩm quyền của phía
Mông Cổ.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực
hiện Hiệp định phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; bảo đảm các yêu cầu
về nghiệp vụ, chính trị, ngoại giao, trên cơ sở bảo đảm đường lối, chủ trương,
chính sách và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tinh
thần hợp tác giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ
Mông Cổ.
- Các bộ, ban, ngành
trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên
quan phải tích cực, nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả
nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Hiệp định, pháp luật của Việt Nam về
bảo vệ bí mật nhà nước và Kế hoạch này.
II.
LỘ TRÌNH, NỘI DUNG, CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH
1. Lộ trình thực hiện
Hiệp định và phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức
thực hiện Hiệp định
a) Giai đoạn I (từ nay đến hết năm 2021)
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ,
công chức làm việc trực tiếp liên quan đến bảo vệ và trao đổi tin mật về những
nội dung cơ bản của Hiệp định.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông
tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
b) Giai đoạn II (từ năm 2022 - 2024)
Thu thập thông tin số liệu, tài liệu về việc bảo vệ và
trao đổi tin mật giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt
Nam tại Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.
c) Giai đoạn III (từ sau năm 2024)
Hàng năm rà soát, tổng kết thực tiễn hoạt động bảo vệ
và trao đổi tin mật tại mỗi nước để nhanh chóng tìm ra các giải pháp nhằm tháo
gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các yêu cầu về bảo vệ
và trao đổi tin mật cụ thể.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn
bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định
Nội dung Hiệp định được xây dựng theo hướng quy định
cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hai Bên; trình tự, thủ tục bảo vệ và chuyển
giao tin mật nên sau khi có hiệu lực sẽ áp dụng trực tiếp toàn bộ các quy định
của Hiệp định, không cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm
pháp luật trong nước để thực hiện.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nội dung Hiệp
định
Các bộ, ban, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quán triệt nội dung Hiệp định đến
các đơn vị, cá nhân làm công tác hợp tác quốc tế hoặc được phân công thực hiện
nhiệm vụ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào
tạo... với Chính phủ Mông Cổ, giúp cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị nắm
vững yêu cầu, nội dung bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm
vụ.
4. Các biện pháp thực hiện Hiệp định
- Xác định những tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật
nhà nước đã và sẽ được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép trao đổi với các
cơ quan chức năng của Mông Cổ; những tin, tài liệu mà phía Mông Cổ trao đổi yêu
cầu cần giữ bí mật. Quá trình trao đổi tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước phải
chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong
quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Các cơ quan có thẩm quyền cho
phép trao đổi thông tin mật đề xuất nội dung, biện pháp cụ thể để bảo vệ tin,
tài liệu mật trong quá trình trao đổi cho nhau hoặc tin, tài liệu mật được tạo
lập giữa hai Bên trong quá trình hợp tác.
- Khi phát hiện tin, tài liệu mật thuộc phạm vi Hiệp
định của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trao đổi với các cơ quan chức năng của
Mông Cổ hoặc tin, tài liệu mật của cơ quan chức năng của Mông Cổ trao đổi với
các cơ quan, tổ chức của Việt Nam bị lộ, mất phải kịp thời trao đổi với Bộ Công
an hoặc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để phối hợp thẩm tra
xác minh, xác định nguyên nhân và khắc phục hậu quả.
- Cử cán bộ, chuyên gia của hai nước tham gia các
chương hình tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt
động trao đổi và bảo vệ thông tin mật của mỗi nước.
- Rà soát, tổng kết thực tiễn hoạt động trao đổi và
bảo vệ tin mật với Mông Cổ để nhanh chóng tìm ra các giải phập nhằm tháo gỡ
những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các yêu cầu trao đổi và
bảo vệ thông tin mật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bổ sung nhiệm
vụ thực thi Kế hoạch này vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.
- Bộ Công an là cơ quan đầu mối thực hiện Hiệp định;
phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện; đôn đốc,
kiểm tra và báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch này.
- Chế độ thông tin, báo cáo: các bộ, ngành, địa phương
thực hiện nghiêm chế độ thông tin, định kỳ hàng năm báo cáo về kết quả thực
hiện hoạt động bảo vệ và trao đổi tin mật với Chính phủ Mông Cổ.
- Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương được phân
công trong Kế hoạch này chủ động lập dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng
năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công an
định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiệp định, kịp thời phát hiện những
vấn đề phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hai nước,
định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này./.