Quyết định 146/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát
01-02-2019
01-02-2019
Thủ tướng Chính phủ Số: 146/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỐNG KÊ KHU VỰC KINH TẾ CHƯA ĐƯỢC QUAN SÁT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 9047/TTr-BKHĐT ngày 20 tháng 12 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” (Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
a) Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
b) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế.
c) Góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.
2. Quan điểm
a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án để phục vụ biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta.
b) Tuân thủ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án đổi mới Quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 và các văn bản pháp lý khác về công tác thống kê.
c) Dựa trên phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008 (SNA2008) và các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ khác của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSD) về đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; tiếp thu nghiệp vụ thống kê tiên tiến; kinh nghiệm thành công của các quốc gia, vùng lãnh thổ; thực trạng nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế chưa được quan sát nói riêng ở nước ta.
d) Phù hợp với điều kiện và nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi; triển khai thực hiện với lộ trình hợp lý, đạt kết quả thiết thực, xác định được kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát, cập nhật biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.
3. Nội dung
a) Nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát
- Nghiên cứu nắm vững phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và các tài liệu hướng dẫn khác; cập nhật đầy đủ kết quả các công trình khoa học về đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; rút kinh nghiệm từ các quốc gia có nền kinh tế tương đồng với nền kinh tế nước ta.
- Phổ biến kịp thời, đầy đủ và rộng rãi kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế tới nhiều đối tượng nhằm tạo ra sự thống nhất về nhận thức và nâng cao hiệu quả vận dụng trong việc xây dựng chính sách và quản lý kinh tế.
b) Khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế; xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế phản ánh phạm vi, quy mô của khu vực kinh tế này đáp ứng các yêu cầu sau:
- Có tính hệ thống, bao gồm đầy đủ các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm không bị bỏ sót hoặc tính trùng.
- Được rà soát thường xuyên, kịp thời bổ sung những hoạt động mới xuất hiện, loại bỏ những hoạt động không còn tồn tại.
- Phân chia chính xác các hoạt động kinh tế theo đúng bản chất kinh tế, hình thành 5 nhóm, phù hợp với phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 đang được nhiều nước vận dụng, bao gồm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
c) Phương pháp đo lường
- Sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp để đo lường kết quả sản xuất kinh doanh của các hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê trong nền kinh tế nhằm nâng cao tính chính xác.
- Sử dụng phương pháp thống kê gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô để đo lường hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
- Sử dụng phương pháp sản xuất để cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác. Trường hợp cần thiết, áp dụng phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập theo từng thành tố, yếu tố của khu vực kinh tế để lấy kết quả so sánh, đối chiếu.
d) Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, hằng năm tiến hành đo lường chính thức, cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác theo phương pháp sản xuất. Các số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức; các kỳ biên soạn, công bố, phổ biến quý I, quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm của các chỉ tiêu này thực hiện theo Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015 và các văn bản liên quan khác.
4. Giải pháp chủ yếu
a) Khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
b) Xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng: thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập. Định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.
c) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
d) Tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương.
đ) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.
e) Tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
(Chương trình hành động thực hiện các giải pháp chủ yếu tại Phụ lục)
1. Lộ trình thực hiện
a) Năm 2019 hoàn thành nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
b) Năm 2020 bắt đầu đo lường chính thức; hằng năm sẽ cập nhật kết quả đo lường biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan. Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và các phân tích, đánh giá khác về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm tính thống nhất về phạm vi tính toán, so sánh.
2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế này.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành đo lường thử nghiệm năm 2019; đo lường chính thức năm 2020 và các năm tiếp theo. Cập nhật kết quả đo lường chính thức hằng năm biên soạn, công bố, phổ biến số liệu tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan. Đồng thời xây dựng, hướng dẫn phương pháp tính số liệu năm 2020 không bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án của Hệ thống thống kê tập trung.
d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nội dung, kế hoạch triển khai Đề án; đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện; định kỳ tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Trách nhiệm các bộ, ngành khác
a) Phân công đơn vị chịu trách nhiệm; bố trí nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác triển khai những hoạt động của Đề án thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành.
b) Xác định phạm vi, quy mô các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và cập nhật Danh mục các hoạt động này thuộc lĩnh vực trực tiếp quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổng hợp chung.
c) Thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu được phân công trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; cung cấp, chia sẻ thông tin khác liên quan đến khu vực kinh tế này với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).
d) Rà soát cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung và khu vực kinh tế chưa được quan sát nói riêng thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
đ) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động triển khai thực hiện Đề án của Hệ thống thống kê tập trung; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, triển khai thực hiện Đề án theo sự phân công, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chỉ đạo sở, ban, ngành, chủ thể tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về các hoạt động kinh tế chưa được quan sát để Cục Thống kê tổng hợp, báo cáo Tổng cục Thống kê theo quy định.
b) Rà soát cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung và khu vực kinh tế chưa được quan sát nói riêng trên địa bàn quản lý, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
c) Thống nhất sử dụng số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn đã cập nhật khu vực kinh tế chưa được quan sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) biên soạn, cung cấp và công bố.
5. Kinh phí thực hiện Đề án
Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.