Quyết định 1069/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020
1069/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
04-07-2014
Thủ tướng Chính phủ Số: 1069/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2014 |
Quyết định
VỀ VIỆC
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TÌM KIẾM VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM
2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ
Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ
Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ
Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm
2020;
Căn cứ
Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 -
2020;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ về Việt Nam cần tập trung ưu tiên công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo định hướng chính sách và chiến lược phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc gia; hướng tới việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Nhà nước tổ chức tìm kiếm và hỗ trợ chuyển giao công nghệ nước ngoài; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tìm kiếm và chuyển giao công nghệ.
II. Mục TIÊU
Tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Đến năm 2020, phấn đấu đạt 60% số công nghệ do mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ giới thiệu về Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Xây dựng mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ:
a) Lựa chọn chuyên gia tìm kiếm công nghệ:
- Lựa chọn và xác định các chuyên gia tìm kiếm công nghệ ở trong nước và nước ngoài có hiểu biết chuyên sâu và khả năng phân tích công nghệ; có khả năng đánh giá, tư vấn định giá công nghệ và hình thức chuyển giao công nghệ về Việt Nam;
- Chuyên gia tìm kiếm công nghệ có nhiệm vụ xây dựng báo cáo về thông tin công nghệ quốc tế, hồ sơ công nghệ quốc tế và các báo cáo khác liên quan đến xu hướng phát triển công nghệ ở nước sở tại và thế giới.
b) Tổ chức mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ:
- Tổ chức nhóm chuyên gia theo từng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên của quốc gia, kết hợp giữa chuyên gia công nghệ với chuyên gia quản trị công nghệ. Thành lập nhóm công tác trong trường hợp thực hiện các đơn đặt hàng tìm kiếm công nghệ cụ thể;
- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; sinh hoạt chuyên đề, giao lưu giữa các nhóm chuyên gia tìm kiếm công nghệ với các doanh nghiệp, tổ chức cơ quan trong nước có nhu cầu tìm kiếm công nghệ nước ngoài.
c) Cử các nhà khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam vào làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ của thế giới theo khuôn khổ Đề án thí điểm cử cán bộ khoa học và công nghệ đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ở nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Tìm kiếm công nghệ:
a) Xây dựng danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm:
- Tổng hợp nhu cầu đặt hàng tìm kiếm công nghệ từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp đối với một số công nghệ cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Xây dựng yêu cầu đặt hàng tìm kiếm công nghệ bao gồm: nhu cầu về kỹ thuật, quy trình công nghệ; mục đích sử dụng công nghệ cần tìm; nguồn sở hữu công nghệ đang tìm kiếm (quốc gia, chủ sở hữu công nghệ, đặc tính công nghệ); năng lực tiếp thu của đơn vị tiếp nhận công nghệ.
b) Tổ chức tìm kiếm công nghệ:
- Tiến hành nghiên cứu, tổ chức tìm kiếm và xây dựng báo cáo hồ sơ công nghệ quốc tế đối với các nội dung thuộc danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm;
- Tiến hành hoạt động hỗ trợ tìm kiếm công nghệ thông qua các hình thức: tổ chức hội thảo khoa học chuyên sâu, tổ chức trình diễn công nghệ; cử chuyên gia đi tham dự các triển lãm, hội chợ công nghệ, đi đào tạo chuyên sâu tại cơ sở sở hữu công nghệ cần chuyển giao; thuê chuyên gia công nghệ, tư vấn công nghệ; phân tích bằng sáng chế và một số hoạt động khác.
3. Chuyển giao công nghệ:
a) Lập dự án chuyển giao công nghệ:
- Trên cơ sở nội dung báo cáo hồ sơ công nghệ quốc tế đã được tìm kiếm, thẩm định, các tổ chức, doanh nghiệp đề xuất đặt hàng tìm kiếm công nghệ thống nhất, xây dựng thuyết minh dự án chuyển giao công nghệ;
- Dự án chuyển giao công nghệ phải bảo đảm có ít nhất 02 doanh nghiệp và 01 nhóm nhà khoa học và công nghệ thuộc tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam tham gia; có năng lực khoa học và công nghệ, có kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ và tổ chức kinh doanh sản phẩm; có cam kết nguồn kinh phí từ tổ chức, doanh nghiệp chủ trì bảo đảm chi phí thực hiện dự án.
b) Hỗ trợ thực hiện dự án chuyển giao công nghệ:
- Chương trình hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chủ trì một phần chi phí xây dựng thuyết minh dự án và một phần kinh phí thực hiện đối với dự án chuyển giao công nghệ có tính khả thi;
- Ưu tiên hỗ trợ một số nội dung chính của dự án chuyển giao công nghệ như huấn luyện chuyên sâu, tham quan khảo sát, nghiên cứu công nghệ; làm vật mẫu (prototype), thử nghiệm, kiểm tra, kiểm định chất lượng, sản xuất ở quy mô thử nghiệm tại Việt Nam; thuê chuyên gia tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ; tổ chức hội thảo khoa học chuyên sâu liên quan đến công nghệ chuyển giao.
4. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và thông tin dữ liệu:
a) Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và chuyển giao công nghệ;
b) Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho việc chi trả cho chuyên gia tìm kiếm công nghệ, cộng tác viên, tài trợ cho việc huấn luyện đào tạo và cử các nhà khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam vào làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới; hỗ trợ cho các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam của Chương trình;
c) Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài;
d) Hình thành, xây dựng ngân hàng dữ liệu về chuyên gia tìm kiếm công nghệ, thông tin công nghệ quốc tế, hồ sơ công nghệ quốc tế và thuyết minh dự án chuyển giao công nghệ.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm các nguồn:
1. Ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ, các quỹ khoa học và công nghệ.
2. Nguồn vốn tài trợ, hợp tác nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo từ nước ngoài.
3. Nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
4. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình: lựa chọn, đào tạo huấn luyện chuyên gia và tổ chức mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ; thẩm định, phê duyệt danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo cơ quan đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài xây dựng mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ, tổ chức tìm kiếm công nghệ, triển khai các dự án chuyển giao công nghệ;
d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án thí điểm cử cán bộ khoa học và công nghệ đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ở nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất thống nhất phương án cân đối, phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình;
e) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, điều chỉnh bổ sung nội dung của Chương trình khi cần thiết.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Các Bộ, ngành, địa phương:
a) Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp nhu cầu, danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; căn cứ vào nội dung Chương trình và chức năng, nhiệm vụ được phân công, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình;
b) Thực hiện cơ chế, chính sách chung đã đề ra, đồng thời tạo điều kiện về mọi mặt để triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình;
c) Chỉ đạo việc triển khai ứng dụng công nghệ được tìm kiếm, chuyển giao vào Việt Nam theo đặt hàng của Bộ, ngành, địa phương.