Nghị định 26/2022/NĐ-CP Về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam
14-04-2022
01-06-2022
Chính phủ Số: 26/2022/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2022 |
Nghị định
VỀ VIÊN CHỨC LÃNH SỰ DANH DỰ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
Chính phủ ban hành Nghị định về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan lãnh sự do viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam, viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chấp thuận và hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nước cử là nước ủy nhiệm cho một cá nhân làm viên chức Lãnh sự danh dự để thực hiện một hoặc một số chức năng lãnh sự trên lãnh thổ Việt Nam và được Bộ Ngoại giao chấp thuận.
2. Cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam do viên chức lãnh sự danh dự đứng đầu là cơ quan lãnh sự đứng đầu bởi viên chức Lãnh sự danh dự được Nước cử ủy nhiệm đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đây gọi là Cơ quan lãnh sự danh dự.
3. Viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam là người được Nước cử ủy nhiệm để thực hiện một hoặc một số chức năng lãnh sự của nước đó tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam và được Bộ Ngoại giao chấp thuận bằng văn bản, sau đây gọi là Lãnh sự danh dự.
4. Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự là văn bản của Nước cử gửi Bộ Ngoại giao về việc ủy nhiệm cho một cá nhân thực hiện chức năng của Lãnh sự danh dự đối với Nhà nước, pháp nhân và công dân Nước cử đó tại khu vực lãnh sự nhất định.
5. Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự là văn bản của Bộ Ngoại giao chấp thuận một cá nhân được Nước cử ủy nhiệm làm Lãnh sự danh dự nước ngoài tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam.
6. Chứng minh thư Lãnh sự danh dự là giấy tờ tùy thân do Bộ Ngoại giao cấp xác nhận thân phận của người được bổ nhiệm là Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
1. Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam.
2. Lãnh sự danh dự thực hiện một số hoặc toàn bộ chức năng lãnh sự quy định tại Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, theo sự ủy nhiệm của Nước cử và được Bộ Ngoại giao chấp thuận.
3. Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nước cử và Việt Nam.
4. Lãnh sự danh dự có thể đồng thời thực hiện chức năng lãnh sự được Nước cử ủy nhiệm và thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lợi của cá nhân tại Việt Nam; phù hợp với quy định tại các điều ước quốc tế mà Nước cử và Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam.
5. Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Lãnh sự danh dự ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự hoặc khi thực hiện các công việc kinh doanh, thương mại của cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và không được sử dụng danh nghĩa lãnh sự danh dự cho hoạt động nghề nghiệp thương mại của cá nhân hoặc ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự.
THỦ TỤC CHẤP THUẬN, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH SỰ DANH DỰ
Điều 4. Chấp thuận việc thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự
1. Nước cử gửi công hàm trực tiếp đến Bộ Ngoại giao đề nghị chấp thuận việc thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam. Trong công hàm nêu rõ nhu cầu của việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam, dự kiến khu vực lãnh sự và tên gọi của Cơ quan lãnh sự danh dự.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được công hàm, Bộ Ngoại giao có văn bản xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về chủ trương cho phép lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam. Ý kiến của các cơ quan gửi về Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao.
3. Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan, Bộ Ngoại giao quyết định cho phép thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự trên cơ sở các quy định của pháp luật, mức độ quan hệ lãnh sự trong khu vực; tính chất quan hệ và đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trường hợp giữa các cơ quan liên quan có các ý kiến khác nhau về vấn đề này hoặc việc thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự cần được cân nhắc thêm từ góc độ an ninh quốc phòng, Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
4. Bộ Ngoại giao thông báo cho Nước cử biết quyết định về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
1. Sau khi nhận được chấp thuận của Bộ Ngoại giao về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam, Nước cử gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo 01 bộ hồ sơ của Lãnh sự danh dự theo quy định tại Điều 7, dự kiến nơi đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và các chức năng lãnh sự mà Nước cử ủy nhiệm.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu Nước cử bổ sung các thông tin liên quan khác.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công hàm và đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc chấp thuận Lãnh sự danh dự để đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Ý kiến của các cơ quan gửi về Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao.
Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan, Bộ Ngoại giao sẽ quyết định chấp thuận hay không chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự.
3. Sau khi thông qua ứng cử viên Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Nước cử và yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự để Bộ Ngoại giao cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Hai bên trao đổi thống nhất về thời điểm tiếp nhận Giấy ủy nhiệm lãnh sự và trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
4. Sau khi tiếp nhận Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự và trong thời hạn 05 ngày sau khi trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thông tin về Lãnh sự danh dự của Nước cử mới được chấp thuận tại Việt Nam bao gồm thông tin về cá nhân Lãnh sự danh dự, khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và thời hạn nhiệm kỳ.
5. Nước cử có thể gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao trao đổi ý kiến về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam đồng thời với việc đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo hồ sơ lý lịch của Lãnh sự danh dự. Trong trường hợp này, hồ sơ gửi kèm phải phù hợp với các quy định Khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 của Nghị định này.
6. Trường hợp Nước cử đã được chấp thuận thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam và ủy nhiệm một người mới làm Lãnh sự danh dự thì không phải trao đổi lại ý kiến với Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
Người được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có quốc tịch Nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam. Trường hợp là người có quốc tịch của nước thứ ba hoặc người có hai hay nhiều quốc tịch thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao theo trình tự thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 5. Sự đồng ý về quốc tịch này có thể bị rút lại vào bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm thông báo đến Nước cử.
2. Thường trú tại Việt Nam hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 01 năm tại khu vực lãnh sự.
3. Không phải là cán bộ công chức, viên chức hoặc người lao động nhận lương từ ngân sách nhà nước của bất kỳ nước nào.
4. Bố trí trụ sở làm việc hoặc nơi cư trú trong khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu.
5. Có lý lịch tư pháp rõ ràng.
6. Có khả năng tài chính, uy tín trong xã hội.
1. Công hàm của Nước cử gửi Bộ Ngoại giao trong đó nêu cụ thể việc đề cử một cá nhân làm Lãnh sự danh dự, dự kiến đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự.
2. Sơ yếu lý lịch có ảnh.
3. Bản sao hộ chiếu.
4. Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thời hạn không quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ xin chấp thuận.
1. Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Thời hạn nhiệm kỳ hoạt động chấm dứt và Nước cử không thông báo về việc gia hạn tư cách Lãnh sự danh dự của người này.
b) Lãnh sự danh dự bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
c) Lãnh sự danh dự có nguyện vọng thôi không làm Lãnh sự danh dự và được Nước cử chấp thuận.
d) Lãnh sự danh dự bị Bộ Ngoại giao thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Việc thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự có thể được Bộ Ngoại giao thực hiện bất kỳ lúc nào mà không cần nêu rõ lý do.
đ) Nước cử có công hàm thông báo Cơ quan lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động.
2. Trừ trường hợp nêu tại điểm a và d khoản 1 Điều này, Nước cử sẽ thông báo chính thức đến Bộ Ngoại giao về việc chấm dứt hoạt động của Cơ quan Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự. Trên cơ sở này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ ra quyết định chấm dứt hoạt động của Cơ quan Lãnh sự danh dự và/hoặc Lãnh sự danh dự.
3. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều này, các ưu đãi miễn trừ và quyền được hưởng các ưu đãi miễn trừ đối với Cơ quan Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự theo quy định tại Nghị định này, pháp luật có liên quan cũng chấm dứt.
4. Ngay sau khi ra quyết định chấm dứt hoạt động của Cơ quan Lãnh sự danh dự và/hoặc Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về việc này theo thủ tục quy định tại khoản 4 Điều 5.
Lãnh sự danh dự có trách nhiệm dỡ bỏ biển trụ sở, quốc kỳ quốc huy của Nước cử tại trụ sở hoạt động của Cơ quan lãnh sự danh dự, trên phương tiện giao thông và hoàn trả lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 của Nghị định này.
Chuong III
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH SỰ DANH DỰ
1. Khu vực lãnh sự của Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam do Nước cử đề xuất và phải được Bộ Ngoại giao chấp thuận sau khi trao đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Khu vực lãnh sự được xác định bởi phạm vi đơn vị hành chính theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam mà Lãnh sự danh dự được thực hiện chức năng lãnh sự của mình.
Sau khi xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao quyết định chấp thuận khu vực lãnh sự trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế, mức độ quan hệ lãnh sự trong khu vực, nguyên tắc có đi có lại, tính chất quan hệ và đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục và thông báo đến Nước cử. Việc xin ý kiến về khu vực lãnh sự được thực hiện đồng thời với trao đổi ý kiến về việc thành lập Cơ quan Lãnh sự danh dự nêu tại Điều 4 của Nghị định này.
Đối với các khu vực lãnh sự có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, hoặc đối với các khu vực mà các cơ quan có ý kiến khác nhau, Bộ Ngoại giao sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
2. Khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự danh dự không được trùng với khu vực lãnh sự quy định đối với cơ quan lãnh sự chuyên nghiệp trong trường hợp Nước cử có cơ quan lãnh sự chuyên nghiệp tại Việt Nam.
3. Trong trường hợp cần thiết, Lãnh sự danh dự có thể thực hiện chức năng lãnh sự của mình ở ngoài khu vực lãnh sự nếu được sự đồng ý, chấp thuận trước bằng văn bản của Bộ Ngoại giao.
4. Trong trường hợp Nước cử có Công hàm đề nghị, Bộ Ngoại giao có thể xem xét quyết định việc thực hiện chức năng lãnh sự ở ngoài khu vực lãnh sự; quyết định thay đổi khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự danh dự. Việc quyết định cho phép thực hiện chức năng ngoài khu vực lãnh sự, quyết định thay đổi khu vực lãnh sự căn cứ vào các yếu tố quan hệ đối ngoại, kinh tế, nguyên tắc đối đẳng và nhu cầu thực hiện chức năng lãnh sự của Nước cử tại khu vực đó và theo thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và Điều 4 của Nghị định này.
Trong khi thực hiện chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có các quyền sau đây:
1. Trực tiếp liên hệ, làm việc với các cơ quan địa phương của Việt Nam trong khu vực lãnh sự của mình.
2. Thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của Nước cử tại Việt Nam (nếu có) để liên hệ, làm việc với các cơ quan trung ương của Việt Nam. Trong trường hợp không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam thì Lãnh sự danh dự có thể thông qua Bộ Ngoại giao Nước cử để liên hệ.
3. Sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc như thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax thông qua hệ thống bưu chính viễn thông của Việt Nam.
4. Tuyển dụng lao động để phục vụ cho công tác lãnh sự trên cơ sở tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam.
5. Treo quốc kỳ, quốc huy của Nước cử tại trụ sở của Cơ quan lãnh sự danh dự và trên phương tiện giao thông của Lãnh sự danh dự, khi những phương tiện này được sử dụng cho công việc chính thức dùng để thực hiện chức năng lãnh sự trong khu vực lãnh sự của mình.
6. Được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chức năng của mình, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoặc theo thỏa thuận với Nước cử trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
7. Lãnh sự danh dự là người nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
8. Được cấp, cấp lại, gia hạn Chứng minh thư Lãnh sự danh dự.
9. Các quyền khác phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Trong khi thực hiện chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có các nghĩa vụ sau đây:
1. Tôn trọng pháp luật, tập quán của Việt Nam.
2. Thu xếp trụ sở làm việc của Cơ quan lãnh sự danh dự, cơ sở vật chất và các phương tiện khác phục vụ việc thực hiện chức năng lãnh sự danh dự của mình và tự chịu các chi phí liên quan.
3. Thông báo cho cơ quan ngoại vụ địa phương 07 ngày trước khi tổ chức hoạt động lễ tân.
4. Phân định rõ trụ sở làm việc của Cơ quan lãnh sự danh dự với trụ sở phục vụ công việc kinh doanh thương mại của cá nhân mình.
5. Không dùng trụ sở của Cơ quan lãnh sự danh dự vào các mục đích không phù hợp với việc thực thi chức năng lãnh sự của mình.
6. Bảo mật các thông tin và tài liệu phục vụ thực hiện chức năng lãnh sự của mình và tách bạch, tránh để lẫn các thông tin, tài liệu này với tài liệu phục vụ công việc cá nhân của bản thân.
7. Định kỳ hàng năm gửi thông tin cho Bộ Ngoại giao kết quả công việc thực hiện trong năm để phục vụ cho việc phối hợp công tác. Thời gian thông tin là trước ngày 15 tháng 01 của năm liền kề.
1. Nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự trên cơ sở ủy nhiệm của Nước cử và được Bộ Ngoại giao đồng ý.
2. Khi kết thúc nhiệm kỳ, theo đề nghị của Nước cử, Lãnh sự danh dự có thể được Nước cử bổ nhiệm lại và được phía Việt Nam chấp thuận. Trình tự, thủ tục chấp thuận Lãnh sự danh dự được bổ nhiệm lại thực hiện theo quy định tại Điều 5, 6, 7 của Nghị định này.
1. Thời hạn của Chứng minh thư Lãnh sự danh dự
Chứng minh thư Lãnh sự danh dự lần đầu có thời hạn tối đa là 03 năm và trước khi hộ chiếu hết hạn 30 ngày.
Chứng minh thư Lãnh sự danh dự gia hạn có thời hạn tối đa là 01 năm/lần.
2. Thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc cấp, gia hạn, cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự
a) Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao tiếp nhận và giải quyết đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự đối với Lãnh sự danh dự tại Hà Nội và các tỉnh, thành từ thành phố Huế trở ra phía Bắc.
b) Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh thuộc Bộ Ngoại giao (sau đây gọi tắt là Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận và giải quyết đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự cho Lãnh sự danh dự tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở vào phía Nam.
3. Trình tự thủ tục cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự
a) Sau khi nhận được Giấy chấp nhận Lãnh sự do Bộ Ngoại giao cấp, Lãnh sự danh dự trực tiếp liên hệ với Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự.
Hồ sơ cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự gồm có:
- Tờ khai đề nghị cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự có dán ảnh theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;
- 01 bản gốc công hàm của Đại sứ quán hoặc Bộ Ngoại giao của Nước cử (trong trường hợp Nước cử chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam) gửi Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự;
- 01 bản sao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự của Bộ Ngoại giao Việt Nam;
- Bản sao hộ chiếu và bản gốc để đối chiếu; hoặc thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân (nếu Lãnh sự danh dự là người có quốc tịch Việt Nam);
- 02 ảnh chân dung 3cmx4cm;
- Bản gốc Chứng minh thư cần cấp lại hoặc gia hạn, đối với trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc gia hạn.
b) Thời hạn giải quyết việc cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
4. Gia hạn Chứng minh thư Lãnh sự danh dự
a) Chứng minh thư Lãnh sự danh dự sẽ được gia hạn trước khi hết hạn 60 ngày và có thời hạn tối đa 01 năm kể từ thời hạn cũ hoặc trước khi hộ chiếu hết hạn 30 ngày.
b) Trình tự thủ tục gia hạn được thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này.
c) Thời hạn giải quyết việc gia hạn Chứng minh thư Lãnh sự danh dự: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
5. Cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự
a) Chứng minh thư Lãnh sự danh dự được cấp lại khi bị mất hoặc hư hỏng không thể sử dụng được.
b) Trình tự thủ tục cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
Hồ sơ cấp lại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Riêng đối với trường hợp cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự do bị mất, đương sự phải có đơn trình báo mất Chứng minh thư Lãnh sự danh dự.
c) Thời hạn giải quyết việc cấp lại Chứng minh thư lãnh sự danh dự: 10 ngày đối với cấp lại Chứng minh thư bị hỏng và 30 ngày đối với cấp lại Chứng minh thư bị mất, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
6. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này, Lãnh sự danh dự có trách nhiệm hoàn trả Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, Chứng minh thư Lãnh sự danh dự đã được cấp trừ trường hợp Chứng minh thư đã hết thời hạn.
1. Lãnh sự danh dự có thể thuê người lao động phục vụ cho việc thực hiện chức năng lãnh sự của mình; tự chịu trách nhiệm và tự thanh toán các chi phí liên quan đến việc thuê lao động phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Những người lao động này không được thực hiện chức năng lãnh sự với danh nghĩa Lãnh sự danh dự và không được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ của Lãnh sự danh dự.
2. Lãnh sự danh dự phải có trụ sở hoạt động để thực hiện chức năng lãnh sự của mình. Trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự là trụ sở của Cơ quan lãnh sự danh dự.
Mỗi Cơ quan lãnh sự danh dự chỉ có một trụ sở hoạt động. Trong khi thực hiện chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự phải phân định rõ trụ sở để thực hiện các chức năng lãnh sự của Lãnh sự danh dự và trụ sở cơ sở kinh doanh, thương mại cá nhân của mình.
1. Trong trường hợp dự kiến thay đổi trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự, Nước cử, thông qua Lãnh sự danh dự, phải có công hàm thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc thay đổi này.
2. Trên cơ sở trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao xem xét và có văn bản trao đổi, thông báo cho Nước cử về việc thay đổi trụ sở Lãnh sự danh dự.
1. Lãnh sự danh dự được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Nước cử là thành viên.
2. Lãnh sự danh dự không được sử dụng giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, túi ngoại giao, túi lãnh sự, điện mật mã để liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Nước cử hoặc với Chính phủ của Nước cử, trừ trường hợp đặc biệt sau khi được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
3. Lãnh sự danh dự được hưởng quyền được thông báo cho Nước cử khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bị truy tố; quyền không phải cung cấp chứng cứ liên quan đến chức năng lãnh sự và quyền miễn trừ xét xử đối với những hành động chính thức khi thực hiện chức năng lãnh sự của mình.
4. Thành viên gia đình của Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.
1. Trong trường hợp xuất cảnh và vắng mặt khỏi Việt Nam quá 30 ngày liên tục, Lãnh sự danh dự phải thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc vắng mặt và không thể thực hiện được chức năng của mình. Lãnh sự danh dự có thể ủy quyền cho một cá nhân để tiếp nhận các thông tin cần thiết từ Bộ Ngoại giao và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong trường hợp cần thiết. Việc ủy quyền này không quá 90 ngày. Bộ Ngoại giao có quyền thông báo từ chối việc ủy quyền này mà không cần nêu lý do.
Người được Lãnh sự danh dự ủy quyền không được thực hiện các chức năng lãnh sự và không được hưởng các quyền ưu đãi miễn trừ của Lãnh sự danh dự.
2. Trong trường hợp Lãnh sự danh dự không thể thực hiện được chức năng của mình trong một thời hạn nhất định, Nước cử có thể thông báo bằng công hàm và đề nghị Bộ Ngoại giao chấp thuận người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự. Đồng thời, Nước cử nêu rõ lý do, thời gian thay thế và sơ yếu lý lịch của người đó.
Bộ Ngoại giao xem xét chấp thuận bằng văn bản về người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Nước cử thông báo. Việc chấp thuận có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào mà không cần nêu rõ lý do.
Người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự không được thực hiện các chức năng lãnh sự và không được hưởng các quyền ưu đãi miễn trừ của Lãnh sự danh dự.
3. Trong bất kỳ trường hợp nào nếu Bộ Ngoại giao đã thực hiện các biện pháp nhưng không thể liên hệ được với Lãnh sự danh dự để yêu cầu thực hiện chức năng lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cho Nước cử và yêu cầu Nước cử bổ nhiệm Lãnh sự danh dự thay thế. Việc chấp thuận Lãnh sự danh dự mới được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Lãnh sự danh dự có nhiều cống hiến cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nước cử được Nhà nước Việt Nam xem xét khen thưởng phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và phối hợp công tác với các Cơ quan lãnh sự nước ngoài và Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể:
a) Cục Lãnh sự trực tiếp quản lý và phối hợp công tác với Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài và Lãnh sự danh dự tại Hà Nội và các tỉnh thành từ thành phố Huế trở ra phía Bắc.
b) Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý và phối hợp công tác với Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài và Lãnh sự danh dự tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở vào phía Nam.
2. Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thông tin về Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự của Nước cử theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này và khi Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.
3. Thông báo cho Cơ quan lãnh sự danh dự hoặc Lãnh sự danh dự thông tin về công dân Nước cử tại khu vực lãnh sự bị bắt, tạm giam chờ xét xử hoặc tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời thông báo cho đương sự biết những quyền mà họ được hưởng.
4. Thông báo cho Cơ quan lãnh sự danh dự hoặc Lãnh sự danh dự biết khi có công dân Nước cử chết trong khu vực lãnh sự; hoặc những trường hợp cần người giám hộ.
5. Thông báo cho Cơ quan lãnh sự danh dự hoặc Lãnh sự danh dự khi có tàu thủy mang quốc tịch Nước cử bị đắm hoặc mắc cạn trong lãnh hải hoặc nội thủy của Việt Nam hoặc khi máy bay, các phương tiện giao thông vận tải khác đăng ký ở Nước cử bị nạn trên lãnh thổ Việt Nam.
6. Quyết định chấp thuận việc thành lập Cơ quan Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
7. Quyết định chấp thuận Lãnh sự danh dự, cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
8. Quyết định thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
9. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật hiện hành.
10. Cấp, gia hạn, cấp lại Chứng minh thư Lãnh sự danh dự cho Lãnh sự danh dự.
11. Phối hợp với các cơ quan ngoại vụ địa phương trong việc quản lý, tạo điều kiện để các Lãnh sự danh dự nước ngoài thực hiện chức năng lãnh sự của mình một cách thuận lợi.
1. Lãnh sự danh dự đã được chấp thuận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
2. Chứng minh thư Lãnh sự danh dự còn thời hạn được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn của chứng minh thư.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng minh thư Lãnh sự danh dự nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
3. Bộ Ngoại giao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này./.