Nghị định 106/2024/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
01-08-2024
20-09-2024
Chính phủ Số: 106/2024/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2024 |
Nghị định
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2024/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2024/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị định quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.
Tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có hoạt động trong chăn nuôi được quy định tại Nghị định này (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân).
1. Vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là vùng có tổng diện tích tối thiểu 10 ha, trồng một loại cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
2. Dự án phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi là dự án liên quan đến phát triển hạ tầng, năng lực, điều kiện kinh doanh, xây dựng, quảng bá thương hiệu và thương mại, đào tạo nguồn nhân lực phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.
3. Chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật và quản lý trong hoạt động chăn nuôi nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ
1. Hỗ trợ có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng cân đối nguồn lực.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, không chồng chéo, trùng lặp và có hiệu quả.
a) Công khai danh sách tại cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp (trụ sở Ủy ban nhân dân) về đối tượng được hỗ trợ với các thông tin tối thiểu sau: họ tên, địa chỉ được hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, số tiền hỗ trợ.
b) Khi có khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ được tính toán theo quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng của pháp luật về xây dựng là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
4. Chi phí mua bản quyền công nghệ, mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời, mua giống cây để trồng làm cây thức ăn chăn nuôi; chi phí quảng bá thương hiệu sản phẩm; chi phí di dời vật nuôi; chi phí mua vật tư phối giống nhân tạo gia súc, liều tinh, mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh; chi phí mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao và gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ; chi phí mua sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng mới công trình khí sinh học, vật tư, thiết bị, chi phí xét nghiệm; chi phí đào tạo, tập huấn... được lập dự toán theo quy định tại Luật Ngân sách, Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách của Bộ Tài chính là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
5. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định này là mức hỗ trợ tối đa. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng chính sách được căn cứ vào chi phí xác định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
6. Thực hiện hỗ trợ hằng năm đối với chính sách quy định tại Điều 8, điểm a và c khoản 2 Điều 10 Nghị định này; Hỗ trợ một lần đối với chính sách quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9 và điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
7. Tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ từ các quy định về chính sách, chương trình, dự án khác có cùng một nội dung tại cùng một thời điểm thì không được nhận hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp một nội dung hỗ trợ được quy định tại các chính sách khác nhau, tổ chức, cá nhân chỉ được nhận hỗ trợ một lần cho đối tượng nhận hỗ trợ.
8. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ của các chính sách theo quy định tại Nghị định này thì ưu tiên tổ chức, cá nhân theo các tiêu chí: sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương; ứng dụng công nghệ cao; vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo hoặc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; khả năng tạo việc làm cho người yếu thế; thanh niên khởi nghiệp; phụ nữ làm chủ.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI
Điều 5. Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi và có chăn nuôi trang trại quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: đường trục chính nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án.
b) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với dự án có tổng công suất sản xuất thiết kế đạt tối thiểu 100.000 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.
c) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua thiết bị từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.
d) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.
đ) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
e) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua giống cây trồng làm cây thức ăn chăn nuôi đối với dự án có diện tích đất trồng tối thiểu 10 ha/dự án. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.
3. Điều kiện được hỗ trợ
a) Địa điểm sản xuất phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
b) Đáp ứng điều kiện về cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Điều 38 Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với nội dung hỗ trợ được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này.
c) Đáp ứng điều kiện cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 55 Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với nội dung hỗ trợ được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
d) Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nghiệm thu kết quả đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này.
đ) Có hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí thực hiện.
Điều 6. Hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/kho lạnh.
b) Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về quảng bá thương hiệu sản phẩm; mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.
c) Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về đào tạo xây dựng chiến lược phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
3. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Xây dựng và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi có chuỗi liên kết giá trị từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến hoặc chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ.
c) Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nghiệm thu kết quả đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
d) Có hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí thực hiện.
Điều 7. Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời: căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời, quy hoạch tỉnh, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho đối tượng được di dời theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.
c) Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.
d) Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tháng lương cơ bản/người.
3. Điều kiện được hỗ trợ
a) Cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi thuộc diện phải di dời theo quy định hiện hành.
b) Người được đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do cơ sở đào tạo cấp và cam kết thực hiện nghề đã được đào tạo chuyển đổi ít nhất 05 năm sau khi được nhận hỗ trợ.
c) Việc hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều này được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi đã hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI
Điều 8. Hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
2. Nội dung và mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 100% chi phí về vật tư phối giống nhân tạo gia súc gồm tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay và dụng cụ dẫn tinh để phối giống cho trâu, bò cái; tối đa 03 liều tinh/lần có chửa đối với trâu, bò sữa và 02 liều tinh/lần có chửa đối với bò thịt.
b) Hỗ trợ 100% chi phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ tối đa 02 liều tinh/lần phối giống và tối đa 06 liều tinh/nái/năm.
c) Hỗ trợ chi phí cho cá nhân được đào tạo về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò) theo chi phí thực tế tối đa 02 tháng lương cơ bản/người/khóa.
d) Hỗ trợ một lần không quá 30% chi phí mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò); mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/bình/người.
đ) Hỗ trợ công phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò), mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/con phối giống có chửa.
3. Điều kiện được hỗ trợ:
Đáp ứng quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Chăn nuôi và đã thực hiện nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc.
Điều 9. Hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao và gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi nông hộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ một lần không quá 30% giá trị mua một trong các đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao để phối giống, mức hỗ trợ tối đa như sau: 15 triệu đồng/đực giống đối với trâu, bò từ 12 tháng tuổi trở lên; 03 triệu đồng/đực giống đối với dê, cừu từ 06 tháng tuổi trở lên; 10 triệu đồng/đực giống đối với lợn từ 06 tháng tuổi trở lên và đã kết thúc kiểm tra năng suất cá thể; 10 triệu đồng/đực giống đối với hươu sao từ 06 tháng tuổi trở lên; không quá 02 con đực giống/hộ.
b) Hỗ trợ một lần không quá 30% giá trị mua một trong các loại gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ 01 ngày tuổi để nuôi sinh sản; mức hỗ trợ tối đa không quá 15.000 đồng/con; mỗi hộ chăn nuôi được hỗ trợ tối đa không quá 500 con gà hoặc 500 con vịt hoặc 500 con ngan giống cấp bố mẹ 01 ngày tuổi.
3. Điều kiện được hỗ trợ
a) Đáp ứng quy định tại Điều 56, khoản 2 Điều 57 Luật Chăn nuôi.
b) Mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Luật Thú y.
c) Mỗi hộ chăn nuôi chỉ được hỗ trợ một lần đối với quy định tại điểm a khoản 2 hoặc điểm b khoản 2 Điều này.
d) Gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ được nghiệm thu sau 38 tuần tuổi.
Điều 10. Chính sách khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi
1. Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 05 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).
b) Hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 07 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).
c) Hỗ trợ không quá 30% chi phí mua vật tư, thiết bị, chi phí xét nghiệm để khuyến khích thực hiện chăn nuôi theo tiêu chí an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 20 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ); 70 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô vừa); 200 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).
3. Điều kiện được hỗ trợ
a) Đáp ứng quy định tại Điều 55, Điều 56, khoản 2 Điều 57 Luật Chăn nuôi.
b) Có chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng mới công trình khí sinh học đáp ứng đúng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý chất thải chăn nuôi hoặc sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc xây dựng mới công trình khí sinh học, sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
NGUỒN VỐN, CƠ CHẾ
1. Ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) theo phân cấp ngân sách hiện hành.
a) Sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công đối với các chính sách quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 2 Điều 7 và trang trại chăn nuôi quy mô lớn được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Các đối tượng sử dụng nguồn vốn đầu tư công này là đối tượng chính sách khác quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công.
b) Sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên đối với các chính sách quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này, trừ trường hợp các chính sách quy định tại điểm a khoản này.
2. Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách tại Nghị định này thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn Luật.
1. Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư
a) Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư khi dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hỗ trợ và hạng mục đầu tư của dự án được nghiệm thu hoàn thành, được giải ngân 100% mức vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
b) Tài sản được hình thành sau hỗ trợ đầu tư được quy định tại Nghị định này là tài sản của tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ đầu tư, không phải là tài sản công.
2. Cơ chế hỗ trợ liên quan đến vốn sự nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC HỖ TRỢ
Điều 13. Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với các chính sách hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư công
Trình tự và thủ tục hỗ trợ đầu tư đối với nội dung quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 2 Điều 7 và trang trại chăn nuôi quy mô lớn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này thực hiện như sau:
1. Nộp hồ sơ:
a) Đối với Hồ sơ đề xuất hỗ trợ đầu tư: Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề xuất hỗ trợ đầu tư tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi thực hiện dự án.
b) Đối với Hồ sơ đề nghị nghiệm thu: Sau khi công trình, hạng mục công trình của dự án dự kiến được hỗ trợ hoàn thành, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị nghiệm thu tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi thực hiện dự án.
c) Quy định về nộp hồ sơ như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chụp không chứng thực kèm bản chính để đối chiếu.
Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: các thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
2. Thành phần hồ sơ:
a) Đối với Hồ sơ đề xuất hỗ trợ đầu tư:
Văn bản đề xuất hỗ trợ đầu tư theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
Đề xuất dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng;
Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư;
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này;
Văn bản chứng minh thuộc đối tượng di dời đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định này;
Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
b) Đối với Hồ sơ đề nghị nghiệm thu:
Văn bản đề nghị nghiệm thu theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
Báo cáo kiểm toán độc lập đối với chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ của công trình, hạng mục công trình dự kiến được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này;
Hồ sơ quyết toán công trình, hạng mục công trình dự kiến được hỗ trợ;
Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh quý gần nhất trong trường hợp đang tiến hành sản xuất, kinh doanh.
3. Cách thức tiếp nhận, trả lời hồ sơ:
Thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thành phần; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính:
a) Đối với tổng hợp đề xuất hỗ trợ đầu tư:
Trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan thẩm tra điều kiện hỗ trợ, dự kiến mức kinh phí hỗ trợ cho dự án. Trường hợp hồ sơ đáp ứng điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Văn bản thẩm tra hỗ trợ đầu tư theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi tới tổ chức, cá nhân. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản tới tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, tình hình phát triển chăn nuôi tại địa phương và kết quả thẩm tra hỗ trợ đầu tư của tổ chức, cá nhân (nếu có), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu đề xuất hỗ trợ của tổ chức, cá nhân được hỗ trợ đầu tư vào chăn nuôi và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm gửi quyết định kế hoạch đầu tư công hằng năm tới Sở Tài chính và tổ chức, cá nhân đề xuất hỗ trợ đầu tư.
b) Đối với quyết định hỗ trợ đầu tư:
Trong thời hạn 07 ngày tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị nghiệm thu của tổ chức, cá nhân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng nghiệm thu có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong trường hợp cần thiết.
Nội dung nghiệm thu: mức độ hoàn thành công trình, hạng mục công trình được hỗ trợ, tình trạng hoạt động của dự án, việc đáp ứng điều kiện hỗ trợ và mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
Công trình, hạng mục công trình được hỗ trợ khi đáp ứng nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Điều 4 Nghị định này và các điều kiện, mức hỗ trợ tương ứng với đối tượng tại Điều 5, 6, 7 và 10 Nghị định này.
Hội đồng nghiệm thu tổ chức kiểm tra thực địa dự án trong trường hợp cần thiết. Căn cứ nội dung nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu xác định công trình, hạng mục công trình được hỗ trợ, mức hỗ trợ và lập Biên bản nghiệm thu theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 20 ngày tính từ khi ban hành Quyết định thành lập Hội đồng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày có Biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành Quyết định hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Quyết định hỗ trợ đầu tư đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và tổ chức, cá nhân để thực hiện thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ.
5. Thanh toán kinh phí hỗ trợ
Căn cứ kế hoạch đầu tư công hằng năm và quyết định hỗ trợ đầu tư, tổ chức, cá nhân nộp văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ tới Sở Tài chính nơi thực hiện dự án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử để được giải ngân khoản kinh phí hỗ trợ. Văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Sở Tài chính thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản theo quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.
Trong thời hạn không quá 15 ngày tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với đối tượng được hỗ trợ rà soát và lập Hồ sơ giải ngân gửi tới Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh. Hồ sơ giải ngân gồm: kế hoạch đầu tư công hằng năm được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao; Quyết định hỗ trợ đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ, Chứng từ chuyển tiền theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chịu trách nhiệm giải ngân khoản kinh phí hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
6. Quyết toán kinh phí hỗ trợ:
Quyết toán nguồn vốn: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quyết toán dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư vào chăn nuôi thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo năm ngân sách (quyết toán nguồn vốn theo niên độ) quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Các dự án được hỗ trợ thực hiện quyết toán dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Người quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc người được ủy quyền theo quy định) căn cứ kết quả kiểm toán quyết toán của đơn vị kiểm toán độc lập (hoặc báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra) để phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.
Điều 14. Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với các chính sách sử dụng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước
1. Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với nội dung quy định tại điểm d, đ và e khoản 2 Điều 5; điểm b, c khoản 2 Điều 6; điểm c khoản 2 Điều 7; điểm a, b khoản 2 Điều 9 và điểm a, b (đối với chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa) và điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định này thực hiện như sau:
a) Nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi cơ sở chăn nuôi đề nghị được hỗ trợ.
Quy định về nộp hồ sơ như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chụp không chứng thực kèm bản chính để đối chiếu.
Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: các thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
b) Thành phần hồ sơ:
Đối với nội dung chính sách quy định tại điểm d, đ và e khoản 2 Điều 5, thành phần hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; hoá đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí.
Đối với nội dung chính sách quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 6; điểm c khoản 2 Điều 7; điểm a, b (đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa) khoản 2 Điều 10 thành phần hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; hoá đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí.
Đối với nội dung chính sách quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 9 thành phần hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Giấy xác nhận về nguồn gốc hoặc lý lịch vật nuôi; Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (nếu có); Chứng từ, hoá đơn mua bán con giống hoặc hợp đồng, thanh lý hợp đồng mua bán con giống; Biên bản nghiệm thu gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ sau 38 tuần tuổi.
c) Thời gian trả lời và tính đầy đủ của hồ sơ:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thành phần; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
d) Trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính:
Trong thời hạn 20 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định hồ sơ.
Hội đồng thẩm định hồ sơ có từ 07 đến 09 người gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan.
Hội đồng thẩm định về tính xác thực và nội dung của thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này; tổ chức kiểm tra thực tế trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
đ) Cách thức trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính: thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.
e) Thanh toán hỗ trợ
Căn cứ quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ nộp văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ tại Sở Tài chính nơi cơ sở chăn nuôi đề nghị hỗ trợ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử để được giải ngân khoản kinh phí hỗ trợ. Văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Sở Tài chính thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản theo quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ cho đối tượng được hỗ trợ.
Trên cơ sở đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ của đối tượng được hỗ trợ, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với đối tượng được hỗ trợ rà soát và lập Hồ sơ giải ngân gửi tới Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ của đối tượng được hỗ trợ;
Hồ sơ giải ngân gồm: Quyết định hỗ trợ đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ; Chứng từ chuyển tiền theo quy định.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chịu trách nhiệm giải ngân khoản hỗ trợ cho đối tượng được hỗ trợ trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
g) Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp.
2. Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với các chính sách quy định tại điểm a, b và đ khoản 2 Điều 8 Nghị định này
a) Thành phần hồ sơ:
Quyết định giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
Hợp đồng cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc giữa cơ sở được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc và cơ sở được lựa chọn cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc.
Danh sách gia súc được phối giống nhân tạo có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 08 (đối với trâu, bò) hoặc Mẫu số 09 (đối với lợn) Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Biên bản nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc đã được thực hiện.
b) Trình tự, thủ tục:
Kinh phí hỗ trợ vật tư phối giống nhân tạo cho hộ chăn nuôi theo quy định tại điểm a, b và đ khoản 2 Điều 8 Nghị định này được cấp thông qua các tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
Người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc lập danh sách gia súc được phối giống nhân tạo có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nộp cho tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc tổng hợp danh sách gia súc đã được phối giống nhân tạo nộp cho cơ quan chuyên môn cấp huyện định kỳ 03 tháng/lần. Cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra hồ sơ bảo đảm theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ; phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương tổ chức nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc theo quy định.
Trường hợp kết quả thẩm định, nghiệm thu đạt yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện hỗ trợ kinh phí cho đơn vị đã cung cấp vật tư phối giống nhân tạo gia súc; công phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò) theo quy định của Luật Ngân sách; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trình tự và thủ tục hỗ trợ đối với chính sách quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7; điểm c và d khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
a) Thành phần hồ sơ:
Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo, tập huấn do cơ sở đào tạo cấp; hoá đơn, chứng từ liên quan; Giấy cam kết về thực hiện nghề đã được đào tạo chuyển đổi ít nhất 05 năm sau khi được nhận hỗ trợ (áp dụng đối với chuyển đổi ngành nghề khi thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi); Bản cam kết thực hiện công tác phối giống nhân tạo gia súc trong thời gian ít nhất 05 năm sau khi được nhận hỗ trợ (áp dụng đối với đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc).
b) Trình tự, thủ tục:
Đối tượng được hỗ trợ nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 25 của tháng cuối hằng quý.
Trong thời hạn 20 ngày tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản cho đối tượng đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 20 ngày tính từ ngày có quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện hỗ trợ kinh phí cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương tổ chức triển khai Nghị định này.
b) Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định đến các đối tượng chịu tác động của Nghị định này.
c) Chủ trì, tổng hợp nguồn kinh phí thực hiện; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai Nghị định này, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập để chính sách được triển khai có hiệu quả.
2. Bộ Tài chính:
a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các quy định tại Nghị định này, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị định này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo nguồn vốn hằng năm, trung hạn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị định này.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác có liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chính sách quy định tại Nghị định này.
2. Chỉ đạo, phân cấp cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thực hiện tổng hợp nhu cầu, thẩm định hồ sơ, phê duyệt kinh phí hỗ trợ, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách.
3. Bố trí vốn ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác) bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, hiệu quả việc hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định này và văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách quy định tại Nghị định này đến các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để biết và thực hiện.
5. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, công khai minh bạch.
6. Hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai chính sách tại địa phương, đề xuất kiến nghị với các bộ, ngành liên quan giải pháp tháo gỡ những bất cập trong triển khai chính sách.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2024.
2. Các nội dung hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt. Trường hợp đã trình cơ quan có thẩm quyền để được hưởng chính sách trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.