Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH Về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
3432/LĐTBXH-BHXH
Công văn
Không xác định
08-09-2016
08-09-2016
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3432/LĐTBXH-BHXH | Hà Nội, ngày 08tháng 09 năm 2016 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trả lời Công văn số
1640/BHXH-CSXH ngày 09/5/2016 và Công văn số 427/BHXH-CSXH ngày 04/02/2016 của
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị làm rõ một số nội dung vướng mắc khi thực hiện
chế độ bảo hiểm xã hội theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Về chế độ ốm đau:
Người lao động thuộc đối
tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai
nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7
tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
(bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ
ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề
trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn
tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên
tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi
nghỉ việc.
2. Về chế độ thai sản:
a) Lao động nữ mang thai
đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu hoặc tất cả các con
đều bị chết thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều
38 của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả
con bị chết hoặc chết lưu.
b) Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì lao động nữ đã
đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để
dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải
đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi
sinh con. Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định thời
gian tối thiểu nghỉ dưỡng thai để được hưởng chế độ thai sản theo điều kiện quy
định nêu trên.
c) Trợ cấp một lần khi
sinh con trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội theo Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội cũng được thực hiện đối với cả
trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà
người cha đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư
số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã
hội.
d) Khoản 6
Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội quy định trong trường hợp chỉ có cha tham
gia bảo hiểm xã hội mà mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để
chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha
được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi, không
phụ thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
đ) Lao động nam đang đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ
việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34
của Luật bảo hiểm xã hội thì có thể nghỉ làm nhiều lần nhưng tổng thời gian không quá thời gian quy định.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam
được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, đối với
trường hợp nghỉ làm nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc lần cuối cùng vẫn
phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
e) Thời gian tối đa nghỉ
dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản quy định tại khoản 2
Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội được tính cho một năm, kể từ ngày 01 tháng
01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch.
Thời gian tính hưởng chế
độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính trên cơ sở thời gian thực tế người
lao động nghỉ việc bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
3. Về chế độ hưu trí:
a) Khi giải quyết chế độ
hưu trí đối với người lao động thuộc đối tượng quy định tại khoản
2 Điều 28 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì
điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, tỷ lệ giảm trừ do
nghỉ hưu trước tuổi, cách tính tuổi đời có tháng lẻ, thời gian đóng bảo hiểm xã
hội có tháng lẻ, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của
pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Đối với các trường hợp
thuộc diện nêu trên mà thời điểm hưởng lương hưu kể từ ngày 01/02/2016 trở đi
thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm
2014.
b) Việc giải quyết chế độ
hưu trí đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên
trách ở xã, phường, thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã
hội bắt buộc, được thực hiện như sau:
- Trường hợp đã nghỉ việc
và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01/01/2016, từ ngày
01/01/2016 trở đi nếu có nguyện vọng và đủ 55 tuổi thì được giải quyết hưởng
lương hưu theo khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội năm
2014.
- Trường hợp tiếp tục
đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định
tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày
18/02/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Trường hợp tiếp tục
đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không còn thuộc diện người hoạt động chuyên
trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) thì việc giải quyết chế
độ hưu trí thực hiện theo khoản 1, khoản 4 Điều 54 và Điều 55
của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
c) Khi tính mức bình quân
tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có
thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do
Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của thời gian này
được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử
tuất. Riêng đối với người lao động có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp
đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng bảo
hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
trước ngày 01/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại
Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Đối với những người là
lao động xã hội mà sau khi được cử đi hợp tác lao động về nước tiếp tục tham
gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của
thời gian đi hợp tác lao động được tính bằng hai lần mức lương cơ sở tại thời
điểm hưởng bảo hiểm xã hội.
d) Người lao động đã đủ
điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
còn thiếu tối đa 06 tháng theo khoản 6 Điều 85 của Luật bảo hiểm
xã hội hoặc thiếu tối đa 30 tháng theo điểm e khoản 1 Điều
3 của Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ được đóng một
lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu thì
tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của những tháng còn thiếu là tiền lương
của tháng trước khi nghỉ việc.
Đối với trường hợp tháng
trước khi nghỉ việc người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi
có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho
những tháng còn thiếu không được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm
việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
đ) Người lao động đủ điều
kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
còn thiếu tối đa 06 tháng, lựa chọn đóng một lần cho thời gian còn thiếu và đã
hoàn thành việc đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trước ngày 01/01/2016 thì được
hưởng lương hưu kể từ ngày 01/01/2016.
e) Khi tính mức hưởng bảo
hiểm xã hội một lần hoặc trợ cấp tuất một lần trong trường hợp người đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời
gian đóng bảo hiểm xã hội chết mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và
sau ngày 01/01/2014, nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì
những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày
01/01/2014 trở đi.
g) Khi tính mức trợ cấp
một lần đối với người đang hưởng lương hưu mà ra nước ngoài để định cư quy định
tại Điều 65 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 nếu thời gian
đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện như khi tính mức hưởng bảo hiểm
xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ.
4. Về chế độ tử tuất:
a) Khi xác định tuổi của
con để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất thì thực hiện như sau:
- Chưa đủ 18 tuổi được
tính đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi.
- Dưới 6 tuổi được tính
đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 6 tuổi.
b) Khi giải quyết chế độ
tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng
sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết
chế độ tử tuất.
c) Việc xác định mức thu
nhập của thân nhân người lao động để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hàng
tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật bảo hiểm xã
hội được xác định tại tháng người lao động chết.
Thân nhân đã được giải
quyết hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo đúng quy định mà sau đó có thu nhập
cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
d) Người lao động, thân
nhân người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả
giám định đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội thì được thanh toán phí giám
định y khoa theo khoản 4 Điều 84 của Luật bảo hiểm xã hội.
5. Về bảo hiểm xã hội tự
nguyện:
a) Người tham gia bảo
hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định,
trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày Thông tư số
01/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành đã đề nghị được đóng bảo hiểm xã hội tự
nguyện một lần cho thời gian còn thiếu nhưng từ ngày 04/4/2016 trở đi cơ quan
bảo hiểm xã hội mới thực hiện thu theo hướng dẫn tại Thông tư số
01/2016/TT-BLĐTBXH, người lao động đã hoàn thành việc đóng vào quỹ hưu trí và
tử tuất trước ngày 01/7/2016 thì được hưởng lương hưu kể từ tháng liền kề sau
tháng người lao động đã đề nghị đóng nếu trong phần mềm tiếp nhận hoặc trong hồ
sơ, sổ sách theo dõi tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội có thể hiện
thời điểm đề nghị đóng của người lao động.
b) Người lao động tham
gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã lựa chọn một trong các phương thức đóng quy
định tại khoản 2 Điều 87 của Luật bảo hiểm xã hội mà đủ
điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi
và thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa không quá 10 năm) thì được
lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi đủ
điều kiện mà không phải chờ thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
6. Về quy định chuyển
tiếp:
a) Về phụ cấp khu vực
- Thời gian công tác tại
các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4
năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 được tính là thời
gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để làm căn cứ xét
điều kiện để giải quyết chế độ hưu trí.
- Khi xác định thời gian
làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đối với giai đoạn trước
ngày 01/01/1995 để làm căn cứ xét điều kiện để giải quyết chế độ hưu trí thì
căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ, Lao động- Thương
binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban dân tộc.
Đối với địa bàn mà Thông
tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-
BTC-UBDT không quy định hoặc quy định hệ số phụ cấp khu vực thấp hơn 0,7 nhưng
thực tế người lao động đã có thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số
0,7 trở lên theo quy định tại các văn bản quy định về phụ cấp khu vực trước đây
thì căn cứ quy định tại các văn bản đó xét điều kiện hưởng lương hưu.
- Khi giải quyết hưởng
trợ cấp khu vực một lần nếu người lao động có thời gian công tác tại các chiến
trường B đồng thời địa danh đó cũng được quy định phụ cấp khu vực tại Thông tư
liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT thì được tính hưởng phụ cấp khu
vực theo mức cao hơn.
- Việc giải quyết phụ cấp
khu vực một lần đối với người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày
01/01/2016 vẫn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 122/2008/NĐ-CP
ngày 04/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH ngày
22/01/2009 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Việc xác định hệ số
phụ cấp khu vực làm căn cứ tính trợ cấp khu vực một lần đối với thời gian công
tác tính hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 và thời gian đóng bảo hiểm
xã hội từ ngày 01/01/1995 trở đi được căn cứ vào địa bàn nơi làm việc của người
lao động và Phụ lục mức phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị ban hành kèm
theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.
b) Đối với người lao động
đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng
theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP mà
được tính cộng nối thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 đối với người chờ
hưởng lương hưu và trước ngày 01/01/1998 đối với người chờ hưởng trợ cấp hàng
tháng để tính hưởng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu hoặc tỷ lệ hưởng
trợ cấp hàng tháng vẫn được tính theo chính sách tại thời điểm người lao động
nghỉ chờ.
c) Việc tính thời gian
giữ chức danh Phó Công an xã trước ngày 01/01/1995 để tính hưởng bảo hiểm xã
hội được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 17/HT ngày 04/01/1978 của Bộ
Thương binh và Xã hội.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội
Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực
hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |