22/CT-BTTTT Về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet
22/CT-BTTTT
Còn hiệu lực
26-05-2021
26-05-2021
BỘ
THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-BTTTT | Hà Nội, ngày 26tháng 5năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM TRÊN MẠNG INTERNET
Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng Internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức; phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên mạng; tấn công mạng; phát tán mã độc... có chiều hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị:
1. Toàn ngành Thông tin và Truyền thông:
a) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam và Đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet ban hành theo Quyết định số 1278/QĐ-BTTTT ngày 03/8/2017.
b) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về đặc điểm, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm để mọi người dân nhận biết, phòng tránh; nâng cao khả năng phân biệt thông tin chính thức và thông tin không chính thức; hiểu biết pháp luật khi đăng phát, chia sẻ, lưu trữ, sử dụng thông tin trên mạng Internet; chủ động phòng tránh, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
c) Nhanh chóng phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên mạng. Đặc biệt, áp dụng công nghệ mới để phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, đảm bảo hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật.
d) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và pháp luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức phạt, hình phạt đối với các hành vi vi phạm, tội phạm trên mạng Internet.
đ) Đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, nền tảng chống tấn công mạng; các phần mềm bảo vệ an toàn máy tính cá nhân khi truy cập Internet.
2. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet.
b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet cho lực lượng làm công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong ngành thông tin và truyền thông.
3. Cục An toàn thông tin:
a) Áp dụng công nghệ mới, tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng Internet; giám sát, cảnh báo, điều phối, ứng cứu, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia. Triển khai hệ thống cảnh báo, đánh giá tín nhiệm mạng, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng, hỗ trợ người dân báo cáo, phản ánh các trang web, mạng xã hội vi phạm pháp luật, lừa đảo trên mạng.
b) Xây dựng, vận hành, sử dụng các công cụ, hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin quốc gia phục vụ tốt công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các sản phẩm, thiết bị, hệ thống thông tin.
4. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử:
a) Chủ trì tham mưu Lãnh đạo Bộ trong việc quản lý thông tin trên mạng (trong đó có nhiệm vụ chủ trì làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới như Google, Facebook...), trò chơi điện điện tử trên mạng,... để đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet.
b) Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác thẩm định nội dung thông tin và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng. Phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để xử lý, đấu tranh, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet.
5. Cục Báo chí: Chủ trì, tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các cơ quan báo chí trong phạm vi tôn chỉ, mục đích, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
6. Cục Viễn thông: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông áp dụng các biện pháp tăng cường khả năng phòng, chống tấn công, đột nhập trái phép của các đối tượng xấu lợi dụng mạng lưới viễn thông, Internet để lấy cắp dữ liệu, thông tin của các tổ chức, cá nhân.
7. Trung tâm Internet Việt Nam: Rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý tên miền quốc tế, quản lý dịch vụ cung cấp thông tin và dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền xuyên biên giới theo hướng bình đẳng, đồng bộ với doanh nghiệp trong nước. Kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến tên miền.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc nâng cao trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong việc phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet. Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống truyền thông cơ sở xây dựng các chương trình thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm trên mạng Internet.
b) Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet về thông tin và truyền thông; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc, tấn công mạng và các hành vi vi phạm khác trên mạng Internet.
9. Các doanh nghiệp trong Ngành Thông tin và Truyền thông:
a) Triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo vệ an toàn các hệ thống thông tin nhằm cung cấp các dịch vụ đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ trong nội bộ doanh nghiệp; xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện, cảnh báo, truy vết và ngăn chặn ngay khi có hành vi vi phạm xảy ra.
b) Chủ động thực hiện, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh, cung cấp thông tin người sử dụng theo quy định của pháp luật; phối hợp ngăn chặn kịp thời thông tin xấu độc, tấn công mạng và các hành vi vi phạm trên mạng Internet.
10. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình:
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định xử lý đối với tội phạm, vi phạm trên mạng Internet; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân các hình thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm.
b) Kịp thời thông tin kết quả công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm của lực lượng chức năng, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tội phạm, vi phạm trên mạng Internet.
11. Tổ chức thực hiện:
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ nội dung Chỉ thị tập trung triển khai ngay nhiệm vụ được giao, tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet.
Thanh tra Bộ có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Chỉ thị./.
| BỘ TRƯỞNG |