Xử lý vấn đề doanh nghiệp kí kết hợp đồng cung ứng dịch vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài

1.1K lượt xem

Kính gởi Quý Luật sư. Xin Luật sư tư vấn giúp trường hợp như sau:

Công ty A và công ty B là hai công ty Việt Nam, Công ty A ký hợp đồng dịch vụ với công ty B , theo đó công ty B sẽ trực tiếp nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về và gia công, sau đó công ty B sẽ xuất ra nước ngoài cho khách hàng mà công ty A chỉ định. Công ty A sẽ nhận tiền từ khách hàng và thanh toán cho công ty B.

Vậy:

Thứ nhất: Công ty A và khách hàng ở nước ngoài sẽ làm hợp đồng gì?

Thứ hai: Thuế dịch vụ giữa công ty A và công ty B sẽ bao gồm những loại thuế gì?

Thứ ba: Đối với công ty B hàng hóa bán ra theo chỉ định của công ty A sẽ không thuộc doanh thu bán hàng mà là dịch vụ, vậy sẽ hoạch toán như thế nào?

Thứ tư: Công ty A thu tiền và trả tiền cho công ty B , có nghĩa công ty A sẽ là trung gian, vậy doanh thu của công ty A sẽ hoạch toán như thế nào?

Xin luật sư tư vấn giúp, xin chân thành cảm ơn.

Ban biên tập
10-12-2021

1.   Công ty A và khách hàng ở nước ngoài sẽ làm hợp đồng gì?

Căn cứ Điều 27 Luật thương mại năm 2005 quy định như sau:

“Điều 27. Mua bán hàng hoá quốc tế

1. Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

2. Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cụ thể, tuy nhiên, dựa vào khái niệm nêu trên, ta có thể suy luận rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam là văn bản thỏa thuận của các chủ thể trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Do đó, muốn xác định có phải là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay không thì ta phải dựa vào tiêu chí hàng hóa có được vận chuyển qua biên giới hay không.

Hợp đồng xuất nhập khẩu: theo khái niệm nêu trên, thì có thể thấy hợp đồng xuất nhập khẩu là một trường hợp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Căn cứ Điều 28 Luật thương mại 2005 quy định :

“ Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được xem là khu vực hải quan riêng theo qui định của pháp luật.  

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo qui định của pháp luật.”

Như vậy, công ty A có hành vi chỉ định xuất khẩu hàng hóa qua cho khách hàng nước ngoài thì có thể kí kết Hợp đồng xuất khẩu hàng hóa hoặc Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.  

Vấn đề áp dụng pháp luật vào việc kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:  

Ngoài áp dụng Luật thương mại 2005 của Việt Nam điều chỉnh trong vấn đề kí kết hợp đồng bao gồm cả giải quyết tranh chấp (nếu có) tại khoản 2 Điều 1 Luật Thương mại 2005, công ty A và khách hàng nước ngoài còn có thể thỏa thuận áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế tại Điều 5 Luật Thương mại 2005.

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này.

3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.

Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

2. Thuế dịch vụ giữa công ty A và công ty B sẽ bao gồm những loại thuế gì?

Về bản chất hợp đồng dịch vụ giữa công ty A và công ty B là loại hợp đồng thực hiện dịch vụ gia công sản phẩm (không thuộc Hợp đồng gia công theo quy định pháp luật căn cứ Điều 542 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 178, Điều 179 Luật Thương mại 2005). Như vậy, công ty A chỉ định công ty B nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa thành phẩm cho khách hàng nước ngoài nên thuế dịch vụ giữa công ty A và công ty B sẽ là:

-  Đối với loại thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Căn cứ Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP, quy định:

“Điều 12. Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, bao gồm:

a) Nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa;

b) Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để đóng gói, dán nhãn hoặc gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu;

c) Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu;

d) Hàng hóa nhập khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu;

đ) Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy.

Như vậy:

- Đối với hành vi nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa để sản xuất sản phẩm thì sẽ được miễn thuế nếu thuộc các trường hợp nêu trên.

- Đối với hành vi xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài thì phải kê khai và nộp thuế theo quy định.

3. Đối với công ty B hàng hóa bán ra theo chỉ định của công ty A sẽ không thuộc doanh thu bán hàng mà là dịch vụ, vậy sẽ hạch toán như thế nào?

Về bản chất công ty B chỉ kí hợp đồng dịch vụ với công ty A. Theo đó, căn cứ Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Do đó, công ty A phải trả tiền dịch vụ cho công ty B và hạch toán theo quy định.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty A được trừ các khoản chi khi mua dịch vụ căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).

Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.

Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

4. Công ty A thu tiền và trả tiền cho công ty B , có nghĩa công ty A sẽ là trung gian, vậy doanh thu của công ty A sẽ hạch toán như thế nào ?

Như đã đề cập ở mục 3, công ty A sẽ trả tiền công cho công ty B qua hoạt động mua dịch vụ thì sẽ được hạch toán như đã nêu trên. Đối với doanh thu mua bán hàng hóa quốc tế giữa công ty A và khách hàng nước ngoài, xét về bản chất, đây là một hoạt động mua bán hàng hóa riêng giữa A và khách hàng. Do đó, khi hạch toán doanh thu phát sinh trên hoạt động mua bán thì sẽ được tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp dành riêng cho công ty A.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận