Xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người?

338 lượt xem

Xin hỏi: Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người thì xử lý như thế nào? 

Ban biên tập
10-07-2020

Theo hướng dẫn trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP thì trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người thì xử lý như sau:

- Tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.

- Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.

-  Xử lý đối với mẫu vật các loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 32 Nghị định 06/2019/NĐ-CP, cụ thể:

  • Xử lý mẫu vật sống:
    • Việc xử lý tịch thu phải chăm sóc mẫu vật, tránh rủi ro để mẫu vật bị chết;
    • Ngay sau xử lý mẫu vật theo quy định của pháp luật phải bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản mẫu vật. Đối với mẫu vật sống xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu mẫu vật khỏe mạnh; hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật hoặc vườn thực vật nếu mẫu vật yếu cần cứu hộ hoặc tiêu hủy.
  • Mẫu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không thuộc trường hợp nêu trên thì xử lý như sau:
    • Mẫu vật các loài Nhóm IA, IB thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công;
    • Mẫu vật các loài Nhóm IIA, IIB chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác.
  • Xử lý mẫu vật bị tịch thu và có kết luận của cơ quan kiểm dịch xác nhận là mang dịch bệnh truyền nhiễm thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
  • Mẫu vật bị tịch thu có nguồn gốc nước ngoài xử lý như sau:
    • Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xem xét, quyết định việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ đối với mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES xác định được nước xuất xứ. Chi phí chăm sóc, bảo quản và trả lại mẫu vật do quốc gia xuất xứ nhận lại chi trả;
    • Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản đến Cơ quan quản lý CITES của nước xuất xứ về mẫu vật bị tịch thu mà Cơ quan quản lý CITES nước xuất xứ không có phản hồi hoặc từ chối tiếp nhận lại mẫu vật thì mẫu vật sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Đối với các mẫu vật bị tịch thu trong trường hợp không có nơi cất giữ đảm bảo thì cơ quan bắt giữ lập biên bản, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng; cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài thủy sản; cơ sở có khả năng cứu hộ đối với mẫu vật sống hoặc cơ quan kiểm dịch động vật, thực vật gần nhất để xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Công ước CITES.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận