Xử lý đối với hóa đơn đã lập và giao kèm hàng hóa cho khách mua nhưng khách hàng trả lại do đổi hàng?

172 lượt xem
Trường hợp Công ty áp dụng chính sách cho khách hàng đổi hàng mới chưa qua sử dụng (hàng còn nguyên tem mác) hoặc đổi hàng đã qua sử dụng (không còn nguyên nhãn mác) được xác định hàng lỗi do nhà sản xuất, hóa đơn đã lập được xử lý như thế nào?
Ban biên tập
23-06-2020

- Căn cứ Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập:

“1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế GTGT..., tiền thuế GTGT cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

- Căn cứ Điểm 2.8 phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định:

“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”

Căn cứ các quy định, trường hợp Công ty áp dụng chính sách cho khách hàng đổi hàng mới chưa qua sử dụng (hàng còn nguyên tem mác) hoặc đổi hàng đã qua sử dụng (không còn nguyên nhãn mác) được xác định hàng lỗi do nhà sản xuất, Công ty đã lập hóa đơn và giao khách hàng thì:

. Đối với khách hàng là đối tượng có hóa đơn, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT. Đồng thời khi xuất hàng mới cho khách hàng, Công ty lập hóa đơn và kê khai theo đúng quy định của pháp luật.

. Đối với khách hàng thuộc đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng để đổi lại hàng mới, việc xử lý hóa đơn đã lập được thực hiện như sau:

Công ty và khách hàng lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả. Công ty thu hồi hóa đơn đã lập theo quy định tại Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT- BTC của Bộ Tài chính. Đồng thời khi xuất hàng mới cho khách hàng, Công ty lập hóa đơn và kê khai theo đúng quy định của pháp luật.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận