Quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cụ thể ra sao?

437 lượt xem
Xin hỏi:
Quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt? Vấn đề này được quy định tại văn bản pháp luật nào?
Ban biên tập
15-07-2020

Quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được quy định trong Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT cụ thể như sau:

1. Việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Lượng chất thải rắn sinh hoạt đã được chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được dung tích lớn nhất theo khả năng tiếp nhận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chủ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không có khả năng tiếp tục vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và không có khả năng chuyển giao việc vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;

c) Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trước 10 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu tiến hành đóng bãi chôn lấp, chủ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải gửi thông báo tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên địa bàn về thời gian đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt để giám sát.

3. Trình tự đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt:

a) Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cần có lớp đất phủ trên cùng có hàm lượng sét hoặc lớp vải nhựa HDPE hoặc chất liệu tương đương lớn hơn 30%, đảm bảo độ ẩm tiêu chuẩn và được đầm nén cẩn thận, chiều dày lớn hơn hoặc bằng 60 cm. Độ dốc từ chân đến đỉnh bãi tăng dần từ 3% đến 5%, luôn đảm bảo thoát nước tốt và không trượt lở, sụt lún, sau đó cần tiến hành các hoạt động sau:

- Phủ lớp đệm bằng đất có thành phần phổ biến là cát dày từ 50 cm đến 60 cm;

- Phủ lớp đất trồng (lớp đất thổ nhưỡng) dày từ 20 cm đến 30 cm;

- Trồng cỏ và cây xanh;

b) Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có nhiều ô chôn lấp phải tiến hành đóng từng ô chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo trình tự nêu tại điểm a khoản này;

c) Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chủ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về hiện trạng của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Báo cáo bao gồm các nội dung sau:

- Tình trạng hoạt động, hiệu quả và khả năng vận hành của tất cả các công trình trong bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: hệ thống chống thấm của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, hệ thống quản lý nước mặt, nước ngầm, hệ thống thu gom khí thải, hệ thống giám sát chất lượng nước ngầm và các công trình bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật hiện hành (nếu có);

- Kết quả quan trắc chất lượng nước thải, chất lượng nước ngầm và khí thải từ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường;

- Báo cáo việc phục hồi môi trường, cải thiện cảnh quan khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong những năm tiếp theo;

- Lập bản đồ địa hình của khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;

- Việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được xác nhận là hoàn thành khi các thành phần môi trường do hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép;

d) Sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tiếp tục không cho phép người và súc vật ra, vào tự do, đặc biệt trên đỉnh bãi nơi tập trung khí gas. Phải có các biển báo, chỉ dẫn an toàn trong bãi chôn lấp.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận