Xác định thuế phải nộp khi mở phòng tập thể dục thẩm mỹ

162 lượt xem

Mở phòng tập thể dục thẩm mỹ dưới hình thức cá nhân kinh doanh thì phải nộp các loại thuế nào?

Ban biên tập
10-07-2020

Như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng, phòng thể dục thẩm mỹ của bạn phải nộp hai loại thuế sau: Thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể:

1. Thuế GTGT:

Vì bạn định thành lập dưới hình thức cá nhân kinh doanh nên căn cứ vào quy định tại khoản 25 Điều 5 Luật thuế GTGT năm 2008 Khoản 1 Điều 1 của Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng:

“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế

25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống” thì nếu phòng thể dục thẩm mỹ của bạn có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống sẽ không nộp thuế GTGT vì dịch vụ này không chịu thuế GTGT. Trường hợp ngược lại thì dịch vụ này mới chịu thuế GTGT và phòng thể dục thẩm mỹ của bạn phải nộp thuế GTGT. Theo đó, phòng thể dục thẩm mỹ này nộp theo phương pháp trực tiếp với cách tính được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội và Khoản 5 Điều 1 của Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng như sau:

“Điều 11. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

2. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

a) Đối tượng áp dụng:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật này;

- Hộ, cá nhân kinh doanh;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;

- Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật này;

b) Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%”

2. Thuế thu nhập cá nhân:

Khi bạn thành lập phòng thể dục thẩm mỹ dưới hình thức cá nhân kinh doanh thì thu nhập này được coi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân. Lúc này, căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007Khoản 1 Điều 2 của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế:

“Điều 3. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống”.

Theo đó, nếu thu nhập từ phòng thể dục thẩm mỹ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì bạn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn ngược lại, bạn hải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân được tính theo quy định tại Điều 10 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 và Khoản 4 Điều 2 của Luật số 71/2014/QH13 như sau:

“Điều 10. Thuế đối với cá nhân kinh doanh

1. Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

3. Thuế suất:

a) Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%;

b) Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%.

Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%;

c) Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%;

d) Hoạt động kinh doanh khác: 1%.”

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận