Xác định phương pháp tính thuế GTGT đối với công ty TNHH 1 Thành viên
4.4K lượt xem
Thưa luật sư, tôi dự kiến thành lập một công ty TNHH 1 thành viên do tôi làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, tôi nghe nói công ty là buộc phải nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Vậy xin phép hỏi luật sư điều này là đúng hay sai? Nếu được phép lựa chọn giữa hai phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp thì xin luật sư cho biết ưu và nhược điểm của hai phương pháp này để tôi lựa chọn.
Ban biên tập
12-06-2019
1.1 Các phương pháp tính thuế trong thuế GTGT:
Hiện nay, theo quy định của Điều 9, 10 và 11 Luật thuế GTGT năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 1 của Luật số 31/2013/QH13), quy định tại Điều 7, 8 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Điều 12, 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC; khoản 1 Điều 1 Thông tư số 93/2017/TT-BTC) thì có 2 phương pháp tính thuế GTGT:
“Điều 12. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:
a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
2. Doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên làm căn cứ xác định cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT và được xác định như sau:
a) Doanh thu hàng năm do cơ sở kinh doanh tự xác định căn cứ vào tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT tháng của kỳ tính thuế từ tháng 11 năm trước đến hết kỳ tính thuế tháng 10 năm hiện tại trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT hoặc trên Tờ khai thuế GTGT quý của kỳ tính thuế từ quý 4 năm trước đến hết kỳ tính thuế quý 3 năm hiện tại trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT. Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là 2 năm liên tục.
Ví dụ 51: Doanh nghiệp A được thành lập từ năm 2011 và đang hoạt động trong năm 2013. Để xác định phương pháp tính thuế GTGT cho năm 2014 và năm 2015, doanh nghiệp A xác định mức doanh thu như sau:
Cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT hàng tháng trong 12 tháng (từ kỳ tính thuế tháng 11/2012 đến hết kỳ tính thuế tháng 10/2013).
Trường hợp tổng doanh thu theo cách xác định trên từ 1 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp A áp dụng phương pháp khấu trừ thuế trong 2 năm (năm 2014 và năm 2015).
Trường hợp tổng doanh thu theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng, doanh nghiệp A chuyển sang áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo quy định tại Điều 13 Thông tư này trong 2 năm (năm 2014 và năm 2015), trừ trường hợp doanh nghiệp A đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều này.
b) Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2013 hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2013 không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu ước tính của năm như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng hoạt động sản xuất kinh doanh chia (:) số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhân với (x) 12 tháng. Trường hợp theo cách xác định như trên, doanh thu ước tính từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm, trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Ví dụ 52: Doanh nghiệp B thành lập và hoạt động từ tháng 3/2013. Để xác định phương pháp tính thuế cho năm 2014, 2015, doanh nghiệp B thực hiện tính doanh thu ước tính như sau: Lấy chỉ tiêu tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 chia (:) 9 tháng, sau đó nhân với (x) 12 tháng.
Trường hợp kết quả xác định được từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp B áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp B áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm 2014, 2015, trừ trường hợp doanh nghiệp B đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
c) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khai thuế theo quý từ tháng 7 năm 2013 thì cách xác định doanh thu của năm như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 10, 11, 12 năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 3 năm 2013. Trường hợp theo cách xác định như trên, doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm, trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
d) Đối với cơ sở kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh trong cả năm thì xác định theo doanh thu của năm trước năm tạm nghỉ kinh doanh.
Đối với cơ sở kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh một thời gian trong năm thì xác định doanh thu theo số tháng, quý thực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b khoản này.
Trường hợp năm trước năm tạm nghỉ kinh doanh cơ sở kinh doanh kinh doanh không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu theo số tháng, quý thực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b khoản này.
3. Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế[1], bao gồm:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
d) Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
đ) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).
4.Các trường hợp khác[2]:
a) Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
b) Đối với doanh nghiệp đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
c) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập khác không thuộc các trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
5. Xác định số thuế GTGT phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
a) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.
Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này.
Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.
Ví dụ 54: Doanh nghiệp bán sắt, thép, giá bán chưa có thuế GTGT đối với sắt F6 là: 11.000.000 đồng/tấn; thuế GTGT 10% bằng 1.100.000 đồng/tấn, nhưng khi bán có một số hóa đơn doanh nghiệp chỉ ghi giá bán là 12.100.000 đồng/tấn thì thuế GTGT tính trên doanh số bán được xác định bằng: 12.100.000 đồng/tấn x 10% = 1.210.000 đồng/tấn thay vì tính trên giá chưa có thuế là 11.000.000 đồng/tấn.
Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.
b) Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính hướng dẫn tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này để xác định giá chưa có thuế và thuế GTGT đầu vào.
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định theo nguyên tắc, điều kiện khấu trừ thuế GTGT quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.
Ví dụ 55: Trong kỳ, Công ty A thanh toán dịch vụ đầu vào được tính khấu trừ là loại đặc thù:
Tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (giá có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính như sau:
110 triệu | x 10% = 10 triệu đồng |
1 + 10% |
Giá chưa có thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng.
Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.
Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN.
Ví dụ 56: Trong tháng 3 năm 2014, cơ sở kinh doanh A (là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) nhập khẩu sản phẩm có tên “CHAIR MM” và đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với mức thuế suất là 5%. Tháng 5/2014, cơ sở kinh doanh A bán 01 sản phẩm “CHAIR MM” cho khách hàng B, giá chưa có thuế GTGT là 100 triệu đồng. Do khi nhập khẩu đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% nên cơ sở kinh doanh A lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng B ghi: giá tính thuế là 100 triệu đồng; thuế suất thuế GTGT là 5% và thuế GTGT là 5 triệu đồng, tổng giá thanh toán có thuế GTGT là 105 triệu đồng. Khách hàng B đã thanh toán đủ 105 triệu đồng.
Năm 2015, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh A áp dụng sai thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm “CHAIR MM” bán cho khách hàng B (thuế suất thuế GTGT đúng phải là 10%). Do giao dịch giữa cơ sở kinh doanh A và khách hàng B đã kết thúc nên cơ sở kinh doanh A không có căn cứ để thu thêm tiền của khách hàng B (khách hàng B không chấp nhận thanh toán bổ sung tiền thuế tăng thêm). Cơ quan thuế xác định lại số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh A phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN như sau:
Tổng giá thanh toán khách hàng B đã trả 105 triệu đồng được xác định là giá đã có thuế GTGT theo mức thuế suất 10%, số thuế GTGT phải nộp đúng được xác định như sau:
105 triệu | x 10% = 9,545 triệu đồng. |
1 + 10% |
Số thuế GTGT cơ sở kinh doanh A còn phải nộp bổ sung là:
9,545 triệu - 5 triệu = 4,545 triệu đồng.
Doanh thu tính thuế TNDN của mặt hàng “CHAIR MM” bán cho khách hàng B được xác định là:
105 triệu - 9,545 triệu = 95,455 triệu đồng.
Điều 13. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý[3].
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau.
2. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:
a) Đối tượng áp dụng:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;
- Hộ, cá nhân kinh doanh;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.
- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
b) Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
c) Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.
Ví dụ 57: Công ty TNHH A là doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty TNHH A có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì Công ty TNHH A không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.
Cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định; trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
3. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán, cơ quan thuế xác định doanh thu, thuế GTGT phải nộp theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ khoán theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này căn cứ vào tài liệu, số liệu khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế và ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.
Trường hợp hộ, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán kinh doanh nhiều ngành nghề thì cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính.
Bảng danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều này được ban hành kèm theo Thông tư này”.
Do vậy, khi bạn thành lập công ty TNHH một thành viên thì:
- Nếu doanh nghiệp bạn kinh doanh trong lĩnh vực vàng, bạc, đá quý thì buộc phải nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
- Nếu doanh nghiệp bạn không kinh doanh trong lĩnh vực vàng, bạc, đá quý thì tùy theo doanh thu của doanh nghiệp mà bạn lựa chọn phương pháp cho phù hợp.
1.2 Ưu và nhược điểm của từng phương pháp tính thuế GTGT:
Ưu điểm | – DN không cần phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, không cần các hóa đơn GTGT ở đầu vào vì không được khấu trừ thuế. – Thuế GTGT được thu trực tiếp trên doanh thu, (tỷ lệ này chỉ từ 1% – 5%, tùy ngành). | - Được khấu trừ thuế GTGT đầu vào; - Có thể cân đối số thuế GTGT phải đóng bằng cách mua hàng để dự trữ và để xuất dùng... - Đối với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, có dự án đầu tư thì chỉ sử dụng phương án này thì mới được hoàn thuế. |
Nhược điểm | – Không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ | - Nhiều quy định, yêu cầu liên quan đến hóa đơn, thuế suất của các hàng hóa, dịch vụ.... - Yêu cầu chuyên môn về kế toán cao. |
Chính vì có 2 sự lựa chọn, nên vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp sẽ chọn cách tính nào để có lợi cho doanh nghiệp – số thuế GTGT phải nộp là nhỏ nhất.
Theo đó, tùy vào tình hình, đặc điểm của mỗi doanh nghiệp, mà doanh nghiệp có sự lựa chọn tối ưu:
- Đối với những doanh nghiệp có số thuế GTGT mua vào gần tương ứng với số thuế GTGT bán ra, có nghĩa là chênh lệch giữa thuế GTGT bán ra và thuế GTGT mua vào không nhiều, làm cho số thuế GTGT phải nộp là nhỏ, hoặc không phải nộp thuế GTGT. Những doanh nghiệp loại này thì nên chọn cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Thông thường đó là các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực sau:
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất; vận tải quốc tế…áp dụng mức thuế suất đầu ra là 0%. Các doanh nghiệp này khi áp dụng phương pháp khấu trừ thì thuế GTGT đầu ra là bằng 0 nhưng thuế GTGT đầu vào là một số dương nên được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào. Vì vậy, các doanh nghiệp này không phát sinh số thuế GTGT phải nộp mà còn có khả năng được hoàn thuế GTGT đầu vào.
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà có đầy đủ hóa đơn GTGT của hàng mua vào tương ứng với hàng bán ra chịu thuế GTGT, và chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua là nhỏ (tỷ lệ lợi nhuận thấp). KHi các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sẽ có số thuế GTGT phải nộp là không đáng kể.
- Đối với những doanh nghiệp không có số thuế GTGT mua vào hoặc thuế GTGT mua vào là quá nhỏ so với số thuế GTGT bán ra. Điều này có khả năng làm cho số thuế GTGT phải nộp là rất lớn nếu chọn theo phương pháp khấu trừ. Vì vậy, những doanh nghiệp loại này thì nên chọn cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là tốt nhất. Thông thường đó là các doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn thiết kế, lập dự toán, tư vấn pháp lý, dịch vụ nhân sự, các dịch vụ khác mà chi phí chủ yếu là tiền lương (con người/chất xám) hoặc chi phí không có hóa đơn GTGT.
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà không có hóa đơn GTGT của hàng mua vào như mua bán sản phẩm nông/lâm/ngư nghiệp, đất đá cát sỏi (mua từ người trực tiếp sản xuất bán ra) (chủ yếu có được từ các bảng kê theo quy định của pháp luật)
Đối với các doanh nghiệp này, nếu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì số thuế GTGT đầu vào là hầu như không có hoặc rất nhỏ so với thuế GTGT đầu ra. Điều này làm cho số thuế GTGT phải nộp là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nên chọn nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Tuy nhiên, sự lựa chọn trên chỉ có khi doanh nghiệp của bạn không rơi vào trường hợp không buộc phải nộp theo phương pháp trực tiếp và có quyền được lựa chọn giữa một trong hai phương pháp nộp thuế GTGT.
-----------
[1] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTCsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.