Xác định giá tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán
476 lượt xem
Năm 2018, doanh nghiệp tôi đang làm việc được phép cổ phần hóa. Theo chính sách của nhà nước, tôi được phép mua cổ phiếu ưu đãi là 10.000 cổ phiếu và 1.000 cổ phiếu ưu đãi mua thêm nhưng tôi cam kết phải làm việc cho công ty và giữ 1.000 cổ phiếu này trong thời gian ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, tôi phải nghỉ việc vì lý do cá nhân. Vì vậy, công ty yêu cầu tôi phải bán lại 1.000 cổ phiếu cho công ty. Xin hỏi khi tôi thực hiện hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu như trên thì giá tính thuế thu nhập cá nhân của tôi là như thế nào?
Ban biên tập
13-07-2020
Căn cứ vào Điểm d Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có quy định:
“Điều 42. Chính sách bán cổ phần cho người lao động
2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm (kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) sẽ được mua thêm cổ phần theo quy định sau:
…
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết thì phải bán lại cho công ty cổ phần toàn bộ số cổ phần đã được mua thêm với giá sát với giá giao dịch trên thị trường nhưng không vượt quá giá đã được mua tại thời điểm cổ phần hóa”. Theo quy định này, việc công ty yêu cầu bạn bán lại cho công ty 1.000 cổ phần là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 2 điều 19 Thông tư 05/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán quy định:
“Điều 19. Chuyển quyền sở hữu chứng khoán
…
2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên SGDCK được VSD thực hiện theo nguyên tắc sau:
…
b) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch của SGDCK trong các trường hợp sau:
…
- Tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu ưu đãi hoặc thu hồi cổ phiếu (không phát sinh tiền mua lại) của cán bộ, công nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động làm cổ phiếu quỹ, cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên;...” thì hoạt động chuyển nhượng chứng khoán này phải thực hiện ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán vì đây là không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch của SGDCK.
Đồng thời tại Điều 16 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế có quy đinh:
“Điều 16. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán
1. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.
2. Giá bán chứng khoán được xác định như sau:
…
b) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.”
Do vậy, lúc này giá tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của bạn được xác định hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng giữa các bên hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.