Xác định điều kiện áp dụng thủ tục giải thể và thủ tục phá sản doanh nghiệp
286 lượt xem
Khi
chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp phải áp dụng thủ tục giải thể hay thủ tục phá
sản?
Ban biên tập
22-09-2020
Hiện nay, doanh nghiệp có thể rút lui khỏi thị trường theo hai thủ tục là giải thể hoặc phá sản, tuy nhiên mỗi thủ tục đều có những điều kiện áp dụng nhất định.
Nếu doanh nghiệp muốn chấm dứt hoạt động thông qua thủ tục giải thể thì doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.[1] Nếu doanh nghiệp không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh trong quá trình hoạt động thì không được áp dụng thủ tục giải thể, mà phải áp dụng thủ tục phá sản.
Theo Điều 207 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Hiện nay, Luật Phá sản năm 2014 là đạo luật quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.[2]
Theo Luật Phá sản năm 2014, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (mất khả năng thanh toán) và bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp sẽ bị Tòa án có thẩm quyền mở thủ tục phá sản để giải quyết phá sản.[3]
Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chính thức phá sản khi bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.[4]
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.