Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
339 lượt xem
Việc
giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
thực hiện trên các cơ sở nào?
Ban biên tập
13-01-2021
Quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 về các vấn đề khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Thứ hai, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp thì phải thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Lưu ý: Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật này mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, trong trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ năm, khi hết thời hạn 07 ngày (kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp) mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày (kể từ ngày Ban trọng tài được thành lập) mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cuối cùng là trường hợp khi một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trên đây là các quy định về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động.Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.