Trường hợp viết tắt địa chỉ doanh nghiệp trên hóa đơn thì có được coi là hóa đơn hợp lệ để kê khai, hạch toán không?

164 lượt xem

Trường hợp công ty có địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá dài gây khó khăn trong việc hiển thị đầy đủ địa chỉ trên các chứng từ giao dịch và hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra thì được phép viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng không? Việc viết tắt địa chỉ doanh nghiệp như vậy có được coi là hóa đơn hợp lệ để kê khai, hạch toán không?

Ban biên tập
22-06-2020

Căn cứ Điểm b, Khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

“b) Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:

“b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”

Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.

Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “Phường” thành “P”; “Quận” thành “Q”, “Thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “Cổ phần” là “CP”, “Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “Chi nhánh” thành “CN”... nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn “ hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.

Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp công ty có địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá dài gây khó khăn trong việc hiển thị đầy đủ địa chỉ trên các chứng từ giao dịch và hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra thì đơn vị được phép viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng đảm bảo đúng, đầy đủ và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp và vẫn xác định được đúng địa chỉ của người mua và địa chỉ của người bán và các tiêu thức khác trên hóa đơn vẫn đảm bảo đủ, đúng theo quy định thì được coi là hóa đơn hợp lệ để sử dụng kê khai, hạch toán theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận