Trường hợp nào thân nhân được hưởng chế độ tuất hằng tháng? Trong trường hợp thân nhân bị khuyết tật nặng thì có được hưởng chế độ an sinh xã hội hay hỗ trợ nào của Nhà nước hay không? Khi trợ giúp, chăm sóc thân nhân người bị khuyết tật nặng thì người chăm sóc có được hưởng trợ cấp gì hay không?
225 lượt xem
Ông Lê Thế T được hưởng
lương hưu hằng tháng từ tháng 8/2017. Ngày 20/3/2018, ông T qua đời. Ngay sau
đó, gia đình ông T đã làm thủ tục để vợ ông T – bà Trần Thị D và con gái ông T
– chị Lê Thị D hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng. Đến tháng 01/2020, anh Đỗ
Thế H (sinh năm 1984) bị tai nạn giao thông và đã suy giảm khả năng lao động
trên 81%. Hiện nay, anh H không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc
quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân
hàng ngày mà cần có mẹ anh H trợ giúp, chăm sóc. Trước khi bị tai nạn giao
thông, anh H chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Ngày 20/4/2020, bà D đến cơ
quan bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú để xin được bổ sung anh H vào danh sách những
người được hưởng chế độ tuất hằng tháng. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội đã
từ chối với lý do anh H không thuộc đối tượng để được hưởng chế đô này.
1. Anh H có được hưởng chế
độ tuất hằng tháng hay không?
2. Anh H có được hưởng chế
độ an sinh xã hội hay hỗ trợ nào của Nhà nước hay không?
3. Khi trợ giúp, chăm sóc
anh H, Bà Trần Thị D có được hưởng trợ cấp gì hay không?
Ban biên tập
18-01-2021
1. Anh H được hưởng chế độ tuất hằng tháng.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân của người được quy định tại khoản 1 Điều này là con từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời hạn khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Thông tư 59/2015/BLĐTBXH, Trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 67 của Luật bảo hiểm xã hội, thân nhân của người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng, trừ trường hợp thân nhân người lao động đã được tổ chức có thẩm quyền kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc được cấp giấy xác nhận khuyết tật đặc biệt nặng.
Theo nội dung sự việc, năm 2018, gia đình ông T đã được cơ quan BHXH giải quyết hưởng 02 định suất tuất hàng tháng đối với vợ và 01 con gái bị tàn tật. Tháng 01/2020, con trai ông T bị suy giảm khả năng lao động trên 81% không đảm bảo thời hạn theo quy định nêu trên nên cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết bổ sung định suất tuất là phù hợp.
2. Anh H có được hưởng chế độ an sinh xã hội hay hỗ trợ nào của Nhà nước
Theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
• Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 Luật Người khuyết tật.
• Người khuyết tật nặng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật: “Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc”.
Như vậy, anh H được xem là người khuyết tật nặng theo quy định của pháp luật. Anh H được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước dành cho người khuyết tật nặng.
Cũng căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định này, mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được tính như sau: 270.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số: Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng.
3. Khi trợ giúp, chăm sóc anh H, Bà Trần Thị D được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.
Theo khoản 2 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010, ngoài đối tượng người tàn tật được xét hưởng trợ cấp xã hội có thêm đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, cụ thể:
• Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
• Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng
Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho thân nhân hoặc người giám hộ của người tàn tật, đang chăm sóc người tàn tật. Hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc được quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:
Mức hưởng hỗ trợ hỗ trợ chăm sóc hàng tháng: 270.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số:
• Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi.
• Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
• Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi.
• Hệ số một (1,0) đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng.
Ngoài ra, người đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định 28/2012/NĐ- CP khi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:
• Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng.
• Hệ số ba (3,0) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.