Khoản chi phí liên quan đến hoạt động xin cấp phép được công ty chi trả cho người lao động nước ngoài có chịu thuế TNCN không?
359 lượt xem
Trường hợp công ty thuê người lao động là người nước ngoài, các khoản chi phí liên quan đến hoạt động xin cấp phép được công ty chi trả có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động không?
Ban biên tập
22-06-2020
1. Căn cứ pháp lý về Luật Thuế TNCN:
- Tại Điều 1 của Luật số 26/2012/QH13 có quy định:
“Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN:
1. Khoản 2 và Khoản 5 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.”
- Tại Khoản 2, Điều 3 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP có quy định:
“Điều 3. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:
…
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
…
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức”.
- Tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản thu nhập chịu thuế:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
…
đ.7) Các khoản lợi ích khác.
Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...”
2. Căn cứ pháp lý về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
- Tại Điều 4 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định:
“Điều 4: Người sử dụng lao động nước ngoài
1. Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
a) Người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc”
- Tại Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định về hồ sơ giấy phép lao động:
“1. Văn bản đề nghị cấp phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội...
2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
4. Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
…
5. 02 ảnh màu (kích thước 4cm X 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
6. Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
7. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.
…
8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt.
9. Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ
…”
Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên:
Trường hợp công ty thuê người lao động là người nước ngoài, các khoản chi phí liên quan đến hoạt động xin cấp phép được công ty chi trả là trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (không phải là lợi ích của người lao động) và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.