Xác định giá tính thuế để lập hóa đơn, chứng từ khi công ty thực hiện chính sách hỗ trợ bán hàng theo tỷ lệ % trên doanh số cho các nhà phân phối

282 lượt xem

Trường hợp công ty bán hàng hóa cho các nhà phân phối, có thực hiện chính sách hỗ trợ bán hàng theo tỷ lệ % trên doanh số khi các nhà phân phối mua đạt mức chỉ tiêu doanh số nhất định trong kỳ thì việc lập hóa đơn xác định giá tính thuế được quy định như thế nào?

Ban biên tập
16-06-2020

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT:

+ Tại khoản 1 Điều 5 quy định:

“Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

…”

+ Tại khoản 22 Điều 7 quy định giá tính thuế:

“Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.”

Căn cứ Điểm 4 Phụ lục 01 Danh mục ngành nghề kinh doanh tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN:

“Các dịch vụ khác không chịu thuế GTGT thì thuộc diện chịu thuế TNCN theo thuế suất 1%”.

Căn cứ công văn số 1163/TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng Cục Thuế về chính sách thuế đối với khoản chi trả thu nhập cho cá nhân kinh doanh;

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp công ty bán hàng hóa cho các nhà phân phối, có thực hiện chính sách hỗ trợ bán hàng theo tỷ lệ % trên doanh số khi các nhà phân phối mua đạt mức chỉ tiêu doanh số nhất định trong kỳ thì công ty lập hóa đơn xác định giá tính tính thuế theo quy định tại Khoản 22 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Trường hợp công ty có chính sách hỗ trợ cho các cửa hàng đạt doanh số thông qua các nhà phân phối/đại lý thực hiện chi hộ thì khi các nhà phân phối/đại lý thu lại khoản chi hộ (thông qua hình thức cấn trừ công nợ) thì không phải lập hóa đơn.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận