Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

269 lượt xem
Tư cách thành viên hợp danh trong công ty hợp danh chấm dứt trong những trường hợp nào? 
Ban biên tập
17-07-2020

Tư cách thành viên hợp danh (HD) chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, thành viên HD tự nguyện rút vốn khỏi công ty.

Thành viên HD có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên HD do tự nguyện rút vốn khỏi công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

Thứ hai, thành viên HD chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.

Thứ ba, thành viên HD bị khai trừ khỏi công ty.

Thành viên HD bị khai trừ khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:

(i) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;

(ii) Vi phạm quy định tại Điều 175 củaLuật Doanh nghiệp năm 2014;

(iii) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;

(iv) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên HD.

Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên HD do bị khai trừ khỏi công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

Thứ tư, các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Nếu điều lệ công ty HD có quy định cụ thể về những trường hợp làm chấm dứt tư cách thành viên HD thì đây cũng là căn cứ để chấm dứt tư cách thành viên HD nếu họ rơi vào những trường hợp này.

Thứ năm, thành viên HD rơi vào trường hợp bị cấm quản lý doanh nghiệp tại khoản 2 Điều18 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Thành viên HD là người quản lý doanh nghiệp, cho nên trong quá trình công ty tồn tại, thành viên HD rơi vào trường hợp bị cấm quản lý doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì đồng nghĩa họ cũng chấm dứt tư cách thành viên HD. Chẳng hạn, thành viên HD bị phạt tù, thi tuyển và đậu công chức… thì thành viên HD đó không thể tiếp tục làm thành viên HD.

Sau khi chấm dứt tư cách thành viên, nếu tên của thành viên bị chấm dứt đã được sử dụng làm thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận