Hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử trong giai đoạn từ 01/11/2018 đến 31/10/2020
215 lượt xem
Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Ban biên tập
23-06-2020
1. Về lập hóa đơn điện tử:
Tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định: Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Thời điểm xác định thuế GTGT đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Tại Điều 8 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Lập hóa đơn điện tử là việc thiết lập đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 6 Thông tư này khi bán hàng hóa, dịch vụ trên định dạng hóa đơn đã được xác định.”
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT- BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh; cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ
Tại Điểm c Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT- BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, điện thoại, xăng dầu, bảo hiểm... được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ.”
Tại Điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn: “Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.”
Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Hóa đơn điện tử đảm bảo nguyên tắc: xác định được số hóa đơn theo nguyên tắc liên tục và trình tự thời gian, mỗi số hóa đơn đảm bảo chi được lập và sử dụng một lần duy nhất.”
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Ký hiệu mẫu số hóa đơn là thông tin thể hiện ký hiệu tên loại hóa đơn, số liên, số thứ tự mẫu trong một loại hóa đơn (một loại hóa đơn có thể có nhiều mẫu).”
Tại Điểm 1.2 và Điểm 1.3 Phụ lục 1 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn.
Căn cứ quy định nêu trên, trong giai đoạn từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, doanh nghiệp được phép sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Doanh nghiệp và các đơn vị thành viên (ứng với 1 mã số thuế) có thể đăng ký sử dụng 2 ký hiệu hóa đơn trong một mẫu hóa đơn GTGT theo hướng dẫn tại Điểm 1.2, 1.3 Phụ lục 1 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đảm bảo nguyên tắc số hóa đơn điện tử liên tục theo trình tự thời gian.
Doanh nghiệp và các đơn vị thành viên thực hiện tính, khai thuế GTGT tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định.
2. Về chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua:
Căn cứ Khoản 1(e) Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung của hóa đơn điện tử:
“Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội đung của hóa đơn điện tử:
“Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.”
Căn cứ công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dân thực hiện hóa đơn điện tử.
Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa công ty hoặc các đơn vị thành viên với người mua như: hợp đồng kinh tế phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì công ty hoặc các đơn vị thành viên lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.