Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị tai nạn lao động được pháp luật quy định như thế nào?

228 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Ông Vũ Văn M, sinh năm 1970
Bên tranh chấp 2: Công ty trách nhiệm hữu hạn D

Ông Vũ Văn M làm việc cho Công ty TNHH D vào năm 2012. Tháng 8/2016, ông M bị tai nạn lao động. Ngày 28/8/2016, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đ ban hành biên bản giám định tổng hợp tai nạn lao động số 08/BB-GĐYK xác định mức độ suy giảm khả năng lao động tổng hợp của ông M là 52% vĩnh viễn. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay Công ty D không nộp hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho ông M nên đã gây thiệt hại cho ông M hằng tháng không được nhận số tiền hưởng trợ cấp tai nạn lao động, tính từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017 là 09 tháng.

Ông M khởi kiện yêu cầu Công ty D phải bồi thường trợ cấp tai nạn lao động mà đáng lẽ ông được hưởng. Công ty D không đồng ý với yêu cầu khởi kiện nêu trên vì trách nhiệm trả tiền trợ cấp tai nạn lao động cho ông M là của cơ quan bảo hiểm xã hội.

1. Yêu cầu của ông M được giải quyết như thế nào?

2. Mức trợ cấp tai nạn lao động cho ông M được tính như thế nào?

3. Trách nhiệm của Công ty D khi ông M bị tai nạn lao động được pháp luật quy định như thế nào?

4. Mức bồi thường của Công ty D đối với ông M bị tai nạn lao động được tính như thế nào?

Ban biên tập
15-01-2021

1. Yêu cầu của ông M được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 9 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Công ty D có lỗi khi không lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho ông M vì đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động, gây thiệt hại cho ông hằng tháng không được nhận số tiền hưởng trợ cấp tai nạn lao động từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017. Do đó, căn cứ Điều 584, Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015, Công ty D phải có trách nhiệm bồi thường 09 tháng trợ cấp tai nạn lao động đáng lẽ ông M được hưởng.

Tuy nhiên, trách nhiệm chi trả trợ cấp tai nạn lao động cho ông M là của cơ quan Bảo hiểm xã hội cho nên Công ty D còn phải có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho ông M theo quy định tại Khoản 9 Điều này.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, yêu cầu của ông M sẽ được chấp nhận và bên cạnh việc Công ty D buộc phải bồi thường tiền trợ cấp tai nạn lao động đáng lẽ ông được hưởng thì Công ty còn phải có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động cho ông theo quy định của pháp luật.

2. Trợ cấp tai nạn lao động cho ông M được thực hiện như sau:

Vì ông M bị suy giảm 52% khả năng lao động nên căn cứ Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, ông M sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng của ông M như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở

+ Cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở

+ Ngoài mức trợ cấp như trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.

Giả sử: Mức lương cơ sở tại thời điểm ông M bị tai nạn lao động là 1.210.000 đồng (theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP), ông M có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội, mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động là 5.000.000 đồng, vậy, mức hưởng trợ cấp hằng tháng của ông cụ thể như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động: được hưởng 30% mức lương cơ sở

+ Suy giảm thêm 21% khả năng lao động (cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở): được hưởng 42% mức lương cơ sở

+ Năm đầu đóng bảo hiểm xã hội: được hưởng 0,5% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

+ 9 năm tiếp theo đóng bảo hiểm xã hội (cứ thêm 1 năm thì được tính thêm 0,3% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội): được hưởng 2,7% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tổng cộng mức trợ cấp hằng tháng mà ông M sẽ được hưởng là:

(30%+42%) × 1.210.000 đồng + (0,5%+2,7%) × 5.000.000 đồng = 1.031.200 đồng/tháng

3. Căn cứ Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Công ty M có trách nhiệm đối với ông M bị tai nạn lao động như sau:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho ông M bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho ông.

+ Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho ông M như sau: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

+ Trả đủ tiền lương cho ông M phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

+ Bồi thường cho ông M bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính ông gây ra với mức ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Giới thiệu để ông M được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

+ Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với ông M sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

+ Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.

Ngoài ra:

+ Công ty D phải thực hiện bồi thường đối với ông M trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động

+ Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho ông M nghỉ việc do bị tai nạn lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

4. Mức bồi thường cho ông M khi bị tai nạn lao động được tính như sau:

Giả sử: Tiền lương của ông M là 5.000.000 đồng/tháng

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, do ông M bị tai nạn trong lúc làm việc không phải do lỗi của ông nên người sử dụng lao động là Công ty D có trách nhiệm bồi thường cho ông với mức:

+ Suy giảm 10% khả năng lao động: bồi thường 1,5 tháng tiền lương

+ Suy giảm 42% tiếp theo (cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương): bồi thường 16,8 tháng tiền lương

Vậy, ông M sẽ được Công ty bồi thường 18,3 tháng tiền lương với số tiền là:

5.000.000 đồng × 18,3 tháng = 91.500.000 đồng

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận