Quyền sử dụng trước đối với sáng chế
255 lượt xem
Tôi đã đăng ký bảo hộ sáng chế của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ và đang chờ cấp văn bằng bảo hộ. Sau đó, tôi phát hiện cá nhân B có hành vi sử dụng sáng chế giống sáng chế của tôi. Tra cứu trên IPLip, tôi được biết B không đăng ký bảo hộ sáng chế này. Qua tìm hiểu được biết B đã tạo ra sáng chế độc lập trước tôi. Trong trường hợp này tôi có quyền yêu cầu B chấm dứt hành vi sử dụng sáng chế đó không?
Ban biên tập
01-09-2020
Theo Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế.
Người có quyền sử dụng trước sáng chế không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế cho phép.
Theo quy định trên, quyền sử dụng trước đối với sáng chế của B không bị coi là xâm phạm quyền của bạn, do đó, bạn không có quyền yêu cầu B chấm dứt hành vi sử dụng sáng chế đó.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.