Thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn và Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận phần vốn góp

250 lượt xem

Công ty trách nhiệm hữu hạn Bích Hương được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 4/12/2015. Sau khi có sự thay đổi thành viên công ty thì đến 9/2018, Công ty còn lại 04 thành viên: ông Hỷ (giá trị phần vốn góp là 3,2 tỷ đồng, cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty); ông Công (giá trị phần vốn góp là 200 triệu đồng); ông Thái (giá trị phần vốn góp là 200 triệu đồng); bà Cúc (giá trị phần vốn góp là 4 tỷ đồng). Sau đó, Công ty thực hiện dự án đầu tư thì giữa bà Cúc và ông Hỷ đã xảy ra tranh chấp và bà Cúc khởi kiện ông Hỷ ra Tòa án.

Tại Toà, bà Cúc (nguyên đơn) trình bày: ngày 10/9/2018, bà chính thức trở thành thành viên của công ty theo giấy chứng nhận đăng ký thay đổi thành viên. Cũng vào ngày này, bà đã bàn giao cho ông Hỷ 769 lượng vàng, tương đương 4 tỷ đồng tại thời điểm bàn giao. Tuy nhiên, việc giao tài sản không lập biên bản, cũng không có người làm chứng. Bà chỉ nhận giấy chứng nhận phần vốn góp từ ông Hỷ, ghi nhận việc góp vốn của bà. Ngoài ra, bà Cúc và ông Hỷ có thỏa thuận bằng miệng về việc góp thêm vốn để đầu tư vào dự án rừng bán ngập, mỗi bên góp 6 tỷ. Bà Cúc đã góp vào dự án là 2.471.540.000 đồng, có xác nhận bằng giấy tay.

Bị đơn là ông Hỷ trình bày: ông chỉ thừa nhận bà Cúc góp 2.471.540.000 đồng. Ông có cấp cho cho bà Cúc giấy chứng nhận phần vốn góp 4 tỷ đồng nhưng ông không nhận được 769 lượng vàng như bà Cúc khai. Việc cấp giấy này chỉ để làm cho gia đình bà Cúc an tâm về việc góp vốn của bà. Ngoài ra, ông chỉ đồng ý hoàn trả cho bà Cúc số tiền 2.471.540.000 đồng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên xử như sau: Công nhận phần vốn góp của bà Cúc trong Công ty là 6.471.540.000 đồng. Buộc ông Hỷ đưa vào tài khoản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bích Hương 4 tỷ và phải hoàn thành thủ tục góp vốn của bà Cúc với số tiền 2.471.540.000 đồng.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên xử như sau: Hội đồng xét xử nhận định bà Cúc không có cơ sở để chứng minh mình đã góp 4 tỷ. Ngoài ra, việc góp vốn của bà Cúc cũng không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Hỷ là không công nhận việc góp vốn của bà Cúc, cho nên không chấp nhận yêu cầu của bà về việc đòi ông Hỷ phải đưa vào tài khoản Công ty trách nhiệm hữu hạn Bích Hương 4 tỷ đồng.

Giấy chứng nhận phần vốn góp của bà Cúc có đủ cơ sở để chứng minh bà đã góp 769 lượng vàng vào Công ty? 

Ban biên tập
20-07-2020

Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

(i) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

(ii) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Việc bà Cúc cho rằng mình đã chuyển giao cho ông Hỷ 769 lượng vàng, mà không có bất kì giấy tờ hoặc chứng cứ chứng minh là một ý kiến thiếu thuyết phục về mặt pháp lý. Đó là lý do mà yêu cầu của bà bị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác bỏ.

Ngoài ra, việc bà Cúc đưa cơ sở là có giấy chứng nhận phần vốn góp (4 tỷ) thì vẫn không đủ cơ sở để chứng minh bà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn. Trong vụ án này, để chứng minh tư cách thành viên và giá trị thực tế phần vốn góp của mình thì bà Cúc cần dựa vào nhiều giấy tờ, tài liệu khác như biên bản xác nhận chuyển giao tài sản góp vốn, sổ đăng ký thành viên… Căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì giấy chứng nhận phần vốn góp của bà Cúc không đủ cơ sở để chứng minh bà đã chuyển quyền sở hữu 769 lượng vàng sang cho công ty.

Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Vốn điều lệ của công ty;

c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

d) Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên;

đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp phải dựa vào thực tế chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên, bởi giấy chứng nhận phần vốn góp sẽ thể hiện phần vốn góp và giá trị phần vốn góp của thành viên. Vì vậy, ở góc độ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bích Hương thì việc ông Hỷ cấp cho bà Cúc giấy chứng nhận phần vốn góp thể hiện giá trị vốn góp của bà Cúc là 4 tỷ là hành vi chưa thỏa đáng theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Ông Hỷ với tư cách là người đại diện theo pháp luật phải nhân danh công ty thực hiện nghiêm túc và trung thực việc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên. Khoản 5 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ ràng: tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình khi chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho công ty, nhà đầu tư cần phải lập một biên bản giao nhận tài sản góp vốn và có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư phải yêu cầu công ty thực hiện các thủ tục nội bộ để xác lập tư cách thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận