Tung tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp bị xử phạt bao nhiêu?
215 lượt xem
Theo quy định của pháp luật việc tung tin giả, thông tin sai sự thật về dịch bệnh covid-19 trên các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bị xử phạt như thế nào?
Ban biên tập
14-07-2021
Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“Điều 99. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
…”
Và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
"3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức."
Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với tổ chức vi phạm: Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Đối với cá nhân vi phạm: Bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 mà mình đã đăng tải.
Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.