Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

189 lượt xem
Theo quy định, doanh nghiệp xã hội có những quyền và nghĩa vụ gì?
Ban biên tập
29-06-2020

Doanh nghiệp xã hội là một khái niệm còn mới mẻ trong pháp luật doanh nghiệp nước ta, nhưng nó là một “phong trào” phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, như ở Anh, Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Singapore, Indonesia…[1]

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm doanh nghiệp xã hội lần đầu tiên được ghi nhận trong Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp, được đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp. Mục đích hoạt động của doanh nghiệp xã hội hướng tới giải quyết các vấn đề của xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, không vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Duy trì mục tiêu và điều kiện hoạt động của doanh nghiệp xã hội trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;

b) Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

c) Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

d) Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xã hội ra đời nhằm giải quyết các vấn đề mang tính xã hội, vì cộng đồng hoặc môi trường, cho nên Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

 


[1] Trong hồ sơ dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cụ thể là theo Báo cáo số 761/BC-UBTVQH13 ngày 28/10/2014 Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy: Ở Anh số lượng doanh nghiệp xã hội đã lên tới 55.000 doanh nghiệp, đạt 27 tỷ bảng doanh thu, đóng góp 8,4 tỷ bảng/năm cho GDP, sử dụng 475.000 lao động, chiếm 5% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp. Ở những nước này, doanh nghiệp xã hội đã chứng minh được thế mạnh của mình trong việc phát huy các sáng kiến xã hội, tăng cường tính bền vững của các giải pháp xã hội thông qua các nguyên tắc và động lực thị trường, là một công cụ hiệu quả bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Nhiều nước đã có sự công nhận chính thức đối với các khu vực doanh nghiệp xã hội và hỗ trợ họ bằng việc xây dựng khung khổ pháp lý và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận