Những giao dịch, hợp đồng của công ty cổ phần phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận/đồng ý

800 lượt xem
Theo quy định của pháp luật đối với công ty cổ phần, những hợp đồng, giao dịch nào của công ty cổ phần phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty chấp thuận/đồng ý?
Ban biên tập
25-09-2020

Về nguyên tắc, các giao dịch, hợp đồng của công ty cổ phần do người đại diện theo pháp luật của công ty xác lập và thực hiện. Hay nói cách khác, người đại diện theo pháp luật là người có thẩm quyền đương nhiên để đại diện công ty xác lập và thực hiện giao dịch, hợp đồng với bên thứ ba.[1]

Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù, tính chất của một số giao dịch, hợp đồng mà trước khi người đại diện theo pháp luật xác lập thì giao dịch, hợp đồng phải được sự chấp thuận/đồng ý của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị. Nếu hợp đồng, giao dịch này được xác lập, thực hiện nhưng chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thì có thể đối diện với nguy cơ vô hiệu.

Cụ thể, các giao dịch, hợp đồng sau phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận/đồng ý:

Thứ nhất,những giao dịch, hợp đồng thuộc thẩm quyền chấp thuận/đồng ý của Đại hội đồng cổ đông:

(i) Giao dịch, hợp đồng có giá trị lớn:

Giao dịch, hợp đồng có giá trị lớn là các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác.[2]

(ii) Giao dịch, hợp đồng có thể phát sinh khả năng tư lợi:

Những giao dịch, hợp đồng có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty cổ phần với các đối tượng sau:

- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

- Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

- Doanh nghiệp liên quan đến công ty quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật Doanh nghiệp năm 2014.[3]

Thứ hai,những giao dịch, hợp đồng thuộc thẩm quyền chấp thuận/đồng ý của Hội đồng quản trị:

(i) Giao dịch, hợp đồng có giá trị lớn:

Hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác.[4]

(ii) Giao dịch, hợp đồng có thể phát sinh khả năng tư lợi:

Giao dịch, hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ của công ty cổ phần với các đối tượng sau:

- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

- Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

- Doanh nghiệp liên quan đến công ty quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật Doanh nghiệp năm 2014.[5]



[3] Khoản 2 Điều 159 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm: a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó; b) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ.

[5] Khoản 2 Điều 159 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm: a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó; b) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận